Không để đứt gãy chuỗi sản xuất

H.Hương 15/06/2021 06:48

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, hiện nay đã xuất hiện một số áp lực lên chuỗi giá trị của các ngành chiến lược (điện tử và xây dựng). Do vậy cần sớm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều sản phẩm điện tử.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2021 của Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp và bán lẻ vì có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Về các chỉ số kinh tế vĩ mô, WB phân tích, sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% (so với tháng trước) và 11,2% (so với cùng kỳ năm trước) mặc dù đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến xấu trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, WB cho rằng, những con số trung bình này có thể không cho thấy sự khác biệt giữa các địa phương, vì hoạt động bị gián đoạn tại các nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh chắc chắn đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của một số sản phẩm điện tử, từ đó có thể làm giảm sản lượng trong những tuần tới.

Trên thực tế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tại Bắc Giang giảm 40,9% (so với tháng trước) và 33,3% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 5/2021, trong khi chỉ số sản xuất hàng điện tử giảm 53,6% (so với tháng trước) và 46,9% (so với cùng kỳ năm trước).

Ngoài ra, sau sự phục hồi ngắn vào tháng 4, doanh số bán lẻ đã giảm trở lại ở mức 3,1% (so với tháng trước) trong tháng 5. Sự sụt giảm này do nhu cầu trong nước yếu đi vì Chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế mới nhằm kiểm soát sự bùng phát của dịch Covid-19.

Với những phân tích trên, WB nhận định, một số dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế sẽ chậm lại nếu đại dịch không được kiểm soát trong ngắn hạn. Ngoài ra, đã xuất hiện một số áp lực lên chuỗi giá trị của các ngành chiến lược (điện tử và xây dựng).

Vì thế, trong thời gian tới, WB cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp và bán lẻ vì cả 2 ngành này đều có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4.

WB khuyến nghị, Chính phủ có thể cần xem xét áp dụng chính sách tài khoá thích ứng hơn để hỗ trợ các cá nhân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kích thích nhu cầu trong nước.

TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói rằng, Chính phủ sẽ có những chỉ đạo kịp thời để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường trở lại. Tuy nhiên, nỗ lực của riêng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương là không đủ. Sự chung tay, chia sẻ, tuân thủ và phối hợp tích cực của cộng đồng DN và các cơ sở kinh doanh là một yêu cầu rất quan trọng.

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch, DN cần cân nhắc các phương án sản xuất - kinh doanh và quản trị rủi ro một cách thận trọng và ở quy mô phù hợp, để bảo đảm trụ vững qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Việc tìm hiểu, cố gắng hoàn tất thủ tục để nhận được hỗ trợ theo các biện pháp của Chính phủ cũng rất quan trọng, nhằm giảm bớt khó khăn cho chính DN.

Về chính sách cụ thể, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói, trong mọi tình huống, các chính sách cần hỗ trợ và khuyến khích sự phục hồi dành cho các DN, đặc biệt là duy trì chính sách thuế ổn định, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới để khoan sức cho DN. Điều này không chỉ giúp duy trì việc làm cho người lao động mà còn là hướng đi bền vững để phục hồi ngân sách nhà nước trong tương lai; đồng thời giúp thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước mắt, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, kiến nghị miễn, giảm thuế, phí và lệ phí mà trước hết là trên các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.

So với các nước ở khu vực, kinh tế Việt Nam được đánh giá có khả năng hồi phục tương đối lạc quan. Các tổ chức quốc tế uy tín là Fitch Ratings, Moody’s đều dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam 2021. Song Việt Nam vẫn phải rất thận trọng, cần đánh giá triển vọng tăng trưởng GDP và hoạt động của DN theo nhiều kịch bản khác nhau.

Theo bà Trần Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nếu Chính phủ, cộng đồng DN và người dân cùng chung tay, quyết tâm chống dịch để sớm nối lại hoạt động kinh doanh bình thường - điều chúng ta đã làm được trong những đợt dịch trước - thì chúng ta có thể giữ được đà phục hồi tăng trưởng ngay cả trong quý II năm nay.

H.Hương