Cửu đỉnh trong hành trình Di sản tư liệu thế giới

Tôn Thất Duy 15/06/2021 10:00

Sau 2 năm nghiên cứu và xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho bảo vật quốc gia Cửu đỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã trình Bộ VHTTDL xem xét trước khi đệ trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Cửu đỉnh là 9 đỉnh đồng được đặt tại sân Thế Tổ Miếu, Đại nội Huế. Hơn 180 năm qua Cửu đỉnh vẫn ở vị trí này, là bản nguyên gốc và duy nhất, chưa từng sửa chữa.

Cửu đỉnh.

Thực thể độc lập và duy nhất

Cửu đỉnh gắn liền với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, được đặt ở vị trí đối diện án thờ các vua bên trong Thế Tổ Miếu. Cửu đỉnh Huế là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc, chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, vũ trụ và thiên nhiên.

Theo TS Lê Thị An Hòa – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Cửu đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên việc tạo khuôn đúc cũng thực hiện thủ công qua việc chọn lựa loại đất sét phù hợp một cách rất tỉ mỉ. Khuôn đúc Cửu đỉnh là khuôn độc bản, sau khi hoàn thành chế tác, các khuôn đúc đều bị phá bỏ để tránh sự sao chép. Quá trình chế tác khuôn đúc được triều đình giám sát chặt chẽ. Từ cách tạo dáng đến các hình chạm nổi trang trí bên ngoài cho thấy tất cả các hoa văn, họa tiết trang trí trên Cửu đỉnh là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu.

“Qua nghiên cứu các nước đồng văn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, thì bộ Cửu đỉnh của Huế là độc bản. Mặc dù nhiều nước có nghệ thuật đúc đồng nhưng riêng bộ Cửu đỉnh này và các hình ảnh được chạm nổi trên nó, thì chỉ có duy nhất ở Huế. Xét tất cả các tiêu chí để trở thành Di sản tư liệu của thế giới thì bộ Cửu đỉnh này có tất cả các tiêu chí đó” – TS Lê Thị An Hòa nói.

Còn theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, tất cả các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh đều là những đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. “Thứ nhất Cửu đỉnh là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng. Thứ hai là tư tưởng thống nhất dân tộc và thứ ba là một tác phẩm Đại Nam nhất thống trí, mô tả sông núi, sản vật, nhân vật chí bằng hình ảnh mang tính vĩnh cửu trên chất liệu đồng bền vững. Cửu đỉnh mang tính độc quyền của một quốc gia, mang tính toàn vẹn của một lãnh thổ quốc gia. Tức là, nói đến cội nguồn của dân tộc Việt Nam là xem trên Cửu đỉnh, người ta sẽ hiểu” – nhà nghiên cứu Dương Phước Thu nhấn mạnh.

Số 9 và quan niệm về sự tuyệt đối

Cửu đỉnh của Nhà Nguyễn là 9 chiếc đỉnh bằng đồng, được vua Minh Mạng (1791-1841) ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1/3/1837.

Tháng 10 âm lịch năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng ban chỉ dụ, ra lệnh cho Nội các cùng bộ Công đôn đốc công việc đúc Cửu đỉnh. Tháng 5 âm lịch năm Bính Thân (1836), phần thô của 9 đỉnh đúc xong. Nhưng phải mất gần 8 tháng sau, Cửu đỉnh mới được chính thức hoàn thành. Buổi đại lễ diễn ra vào ngày 1/3/1837 để đặt đỉnh ở sân Thế Miếu dưới sự chủ trì của vua Minh Mạng.

Trên mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Mỗi đỉnh đều chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí...tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời Nhà Nguyễn.

Tổng cộng có 162 tấm họa tiết chạm nổi, mỗi đỉnh gồm 18 tấm, chia làm 3 tầng, mỗi tầng có 6 hình xen kẽ với 6 mảng trống. Tầng giữa tập trung những hình quan trọng nhất, lấy tên đỉnh làm nội dung trang trí chính. Tầng trên và tầng dưới không có hình ở hai phía trước và sau, mà dàn sang hai bên nhưng vẫn mang tính đăng đối.

Họa tiết chim hạc trên Anh đỉnh.

Đáng chú ý, nghệ nhân khi thể hiện hình chạm trên Cửu đỉnh đã không phụ thuộc vào trạng thái tự nhiên của vật thể, cũng như tỷ lệ kích thước của chúng, mà sáng tạo sắp xếp lại cho vừa một mảng diện tích tương đương nhau.

Với chức năng là trọng khí đặt ở trước sân tông miếu của Nhà Nguyễn, là báu vật tượng trưng cho đế nghiệp, tên gọi của mỗi đỉnh mang hàm ý là thụy hiệu của các vua triều Nguyễn. Chẳng hạn như Cao đỉnh chính là thụy hiệu của vua Gia Long. Nhân đỉnh là thụy hiệu của vua Minh Mạng. Chương đỉnh là thụy hiệu của vua Thiệu Trị. Anh đỉnh là thụy hiệu của vua Tự Đức. Nghị đỉnh là thụy hiệu vua Kiến Phúc. Thuần đình là thụy hiệu của vua Đồng Khánh. Tuyên đỉnh là thụy hiệu của vua Khải Định. Riêng Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không là thụy hiểu của vị vua Nhà Nguyễn nào.

Cửu đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho sự hoàn thiện tuyệt đối, cho quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ. Trên Cửu đỉnh, tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9. Ví dụ: 9 vì tinh tú và hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ; 9 ngọn núi lớn; 9 sông lớn; 9 loài chim, 9 loài cây lương thực, 9 loại rau củ, 9 loài hoa, 9 loại cây lấy quả, 9 loại dược liệu quý, 9 loại cây thân gỗ, 9 loại vũ khí chiến trận, 9 loại thuyền bè, xe cộ, cờ. Tất cả những số 9 ấy hòa quyện với nhau trong quan niệm được cho là tuyệt đối.

Chạm khắc trên Cửu đỉnh được chọn lọc và sắp xếp theo số 9:

-9 vì tinh tú và hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ là Mặt Trời, Mặt Trăng, Gió, Sét, Mây, Mưa, Ngũ tinh, Bắc Đẩu, Nam Đẩu.

-9 ngọn núi lớn là Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương Sơn, Hồng Lĩnh, Tản Viên, Duệ Sơn, Đại Lãnh, Hải Vân, Đèo Ngang.

-9 sông lớn là Bến Nghé, sông Hương, sông Gianh, sông Mã, sông Lô, Bạch Đằng, Thạch Hãn, sông Lam, sông Hồng.

-9 con sông đào và sông khác là kênh Vĩnh Tế, sông Vĩnh Điện, sông Lợi Nông, sông Vệ, sông Phổ Lợi, sông Thao, sông Cửu An, sông Ngân Hà.

-9 loài chim, 9 loài cây lương thực, 9 loại rau củ, 9 loài hoa, 9 loại cây lấy quả, 9 loại dược liệu quý, 9 loại cây thân gỗ, 9 loại vũ khí chiến trận, 9 loại thuyền bè, xe cộ, cờ.

Tôn Thất Duy