Nhiều giải pháp phát triển bền vững nghề đánh bắt thủy sản

Hoàng Nhị 17/06/2021 08:45

Theo ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,  vài năm trở lại đây, ngành sản xuất, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, sản lượng khai thác giảm mạnh. Đây được xem là một trong những hệ lụy của các hình thức đánh bắt tận diệt như giã cào, lưới rê… khiến ngư trường cạn kiệt.

Đứng trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai các nhiệm vụ lập Đề án chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản như nghề đánh bắt bằng giã cào, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Từ đầu năm đến nay, nghề giã cào đã giảm được 62 chiếc, hiện nay còn 1.476 chiếc, hầu hết là những tàu đánh bắt không hiệu quả nên tự nguyện chuyển đổi nghề. Cùng với đó, từ năm 2013, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không cấp phép đóng mới cho loại tàu khai thác bằng nghề giã cào.

Bên cạnh việc hạn chế nghề đánh bắt tận diệt, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với khoảng 6.300ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã thực hiện các chính sách phát triển nghề nuôi thủy sản; trong đó khuyến khích người dân chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ khoảng 5,6% trong tổng quy mô nuôi trên địa bàn tỉnh. Đã có khoảng 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 400 ha, tăng 50 ha so năm 2020. Hình thức nuôi là trong ao đất hay hồ tròn có bạt lót và nuôi trong nhà màng. Môi trường nước nuôi được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết bên ngoài.

Đối với nuôi thủy sản lồng bè, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở với sản lượng hàng năm hơn 15.000 tấn hàu và khoảng 3.000 tấn cá, chủ yếu tập trung ở thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ. Người nuôi cũng tăng cường áp dụng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nuôi trồng như: hệ thống cho ăn tự động, quan trắc môi trường tự động, đầu tư hệ thống lồng nuôi hiện đại theo công nghệ nuôi biển chịu được sóng to gió lớn, hệ thống sục khí oxy tự động…

Ông Lê Tòng Văn cho biết, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt gần 9.600 tấn, tăng 427 tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tăng chủ yếu tập trung nhiều ở nhóm tôm thẻ chân trắng. Sản lượng khai thác thủy sản gần 185.200 tấn, đạt hơn 101% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tăng ở các nhóm có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá ngừ, cá cờ, mực ống, bạch tuộc…

Hoàng Nhị