Nghi vấn xung quanh việc đấu giá 3 bức tranh của Bùi Xuân Phái
Vào 19h30 ngày 17/6 (giờ Việt Nam), phiên đấu Modern and Contemporary Southeast Asian Art của nhà Larasati (Singapore) sẽ có sự tham gia của 3 bức tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái.
Các tác phẩm Bùi Xuân Phái được đấu giá lần này gồm “Biển”, chất liệu sơn dầu trên carton (20,5 x 27 cm), giá ước định 10.500 đến 13.500 USD; “Diễn viên chèo”, sơn dầu trên bìa cứng (25,5 x 35 cm), giá ước định 9.000 đến 12.750 USD và “Phố cũ”, sơn dầu trên bìa cứng (15 x 21 cm), giá ước định 7.500 đến 11.250 USD.
Tuy nhiên, sau khi thông tin này được sàn đấu giá đăng tải đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của giới hoạ sĩ, sưu tập mỹ thuật. Trong đó hoài nghi với nhiều chuyên gia đều cho rằng cả 3 bức tranh là hàng giả. Chia sẻ với báo chí, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho rằng, họ đang cố tình bôi nhọ một họa sĩ chân chính của Việt Nam khi chú thích rằng, lô đấu giá có kèm chứng nhận của con trai nghệ sĩ do nhà đấu giá Chrities’s cấp. Bởi thực tế, nếu đây là tranh thật, mức giá chào bán được nhà cái đưa ra được cho là thấp hơn nhiều lần so với tên tuổi và tài năng của danh họa Bùi Xuân Phái.
Còn theo nhà sưu tập Lý Đợi đánh giá, với giai đoạn sáng tác là thập niên 1980 cùng các chủ đề quen thuộc, nếu trong nước, giá bán của các tác phẩm có cùng kích thước như vậy sẽ cao gấp 2, thậm chí gấp 3, 4 lần. Ở đây tôi xin không bàn đến chuyện thật giả, nhưng giá ước định hơi thấp đến từ 2 thực tế.
Đầu tiên là hiện trạng vật lý và bề mặt thị giác của 3 tác phẩm này không đủ độ quyến rũ để Larasati đưa ra mức giá cao. Thứ hai, quan trọng hơn, niềm tin của quốc tế với tranh Bùi Xuân Phái nhìn chung bị lung lay nghiêm trọng do nạn tranh giả, tranh nhái hoành hành. “Bùi Xuân Phái là người sớm gây ấn tượng trên thị trường quốc tế, đáng lý bây giờ phải có hàng chục tác phẩm thuộc hàng top về giá bán.
Nhưng do lối làm ăn bất chính, cách ứng xử mất uy tín của một số hậu bối sau này đã khiến tranh của ông không thể tăng giá lên cao, thậm chí trong nhiều trường hợp là bị tụt giá, mất giá” nhà sưu tập nói.
Có thể nói sau khi liên tiếp phá các kỷ lục trên các sàn đấu giá quốc tế, các tác phẩm mỹ thuật Việt đang tạo ra những tiếng vang. Thế nhưng câu chuyện “tranh thật”, “tranh giả”, đặc biệt là các tác phẩm của các họa sĩ Đông Dương vẫn luôn là đề tài “nóng” của giới nghiên cứu, sưu tập mỹ thuật.
Trước đó, vào năm 2017, ngay tại Việt Nam bức “Phố cũ” của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái cũng được nhà đấu giá nghệ thuật Chọn (Chọn Auction House) mang đấu giá. Tuy nhiên, khi xuất hiện tại phiên đấu giá nhiều chuyên gia đều cho rằng bức tranh “Phố cũ” giống đến 99% với 2 bức đã từng được bán bởi 2 nhà đấu giá quốc tế trước đó.
Ở đó, bức tranh đấu giá tại 2 nhà đấu giá quốc tế và bức của nhà đấu giá tại Việt Nam rất giống về hình thức, chỉ sai lệch một chút về kích thước và chất liệu. Điều đó có nghĩa, trong các bức tranh của 3 nhà đấu giá đề tên của Bùi Xuân Phái, sẽ có ít nhất 2 bức tranh giả.