Siết chặt tay nhau, vượt qua gian khó
Có gian khó nào mà Việt Nam không thể vượt qua, có nguy nan nào làm chúng ta phải chùn bước, khi mà vào những lúc cam go nhất, hưởng ứng lời kêu gọi từ Mặt trận, tinh thần đoàn kết - nghĩa đồng bào - người với người lại siết chặt tay nhau để vượt qua gian khó.
1. Ông Nguyễn Bá Tài, 64 tuổi, ở thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội tìm đến trụ sở cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam vào một buổi chiều mưa tầm tã. Người đàn ông này mang theo số tiền 50 triệu đồng tiết kiệm để ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19. Nhưng bên lề buổi tiếp nhận, ông Tài còn mang theo câu chuyện cuộc đời, để lại cho những người tiếp nhận một sự mát lành, như cơn mưa vừa ngang qua sau những ngày hè oi ả.
Từ thuở còn thơ dại, ông Tài đã phải trải qua biến cố lớn khi chứng kiến bố mẹ mình lần lượt qua đời vì quá nghèo, không có tiền chữa bệnh. Cái chết của họ, đối với một đứa trẻ còn non nớt là một sự ám ảnh đau thương.
Vào lúc cùng cực ấy, một cặp vợ chồng ở nơi khác đã tìm đến, đón cậu bé mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng. “Ơn nghĩa đó, cả đời này tôi cũng không thể nào trả hết được”, ông Tài xúc động chia sẻ về bố mẹ nuôi của mình. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng với ông, việc chăm sóc bố mẹ nuôi không chỉ là ơn nghĩa sâu nặng mà còn là tình yêu và trách nhiệm của một người con hiếu thảo.
Cách đây 10 năm, khi bố nuôi bị bệnh, ông Tài đã tích cóp được 30 triệu đồng, nhưng số tiền đó vẫn không đủ để chữa trị, người bố nuôi đã qua đời. Lại thêm một mất mát lớn, để lại cho ông sự xót thương vô hạn, và cả những tiếc nuối về những điều chưa thể làm được cho người thân yêu của mình.
Chính vì vậy, 50 triệu đồng mà ông nông dân Nguyễn Bá Tài mang đến Mặt trận lần này là số tiền đã dành dụm nhiều năm sau cái chết của người bố nuôi với mong muốn “cứu được ai thì cứu, giúp được ai thì giúp” và cũng bởi “tôi không muốn ai phải ám ảnh bởi những mất mát vì bệnh tật”.
Trong bức thư gửi kèm theo số tiền ủng hộ, ông Nguyễn Bá Tài cho rằng, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận trong việc kêu gọi toàn dân ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 để loại trừ bệnh tật là một sáng suốt.
Người nông dân này nói, “Tiền dành dụm biết lúc nào mới đủ. Cho nên khi Mặt trận kêu gọi ủng hộ, có bao nhiêu tôi mang đến bấy nhiêu, với mong muốn góp sức mình để mua vaccine giúp người”.
Và điều quan trọng nhất đối với ông Tài lúc này là chỉ cần giúp được một người cũng chính là giúp mẹ ông được sống khoẻ mạnh, bình an.
“Bây giờ mẹ tôi già yếu rồi, chả biết sống được bao lâu nữa. Nếu tất cả những việc tôi làm mang lại sự tốt đẹp thì có nghĩa tôi đã làm được một việc tốt cho mẹ tôi rồi” - ông Tài rưng rưng chia sẻ.
Câu chuyện của người con hiếu thảo Nguyễn Bá Tài khiến cho chúng tôi không khỏi xúc động, nhất là khi ông bảo rằng đó là con đường của ông, “đường của tôi nên tôi cứ đi thôi”.
Người đàn ông giàu lòng trắc ẩn ấy đã khiến chúng tôi nhớ tới tấm lòng của nhiều người với thân phận đầy bi kịch nhưng gạt đi nỗi niềm riêng họ vẫn tìm đến Mặt trận để ủng hộ tiền hay kỷ vật quý giá của mình cho công tác phòng, chống dịch bệnh từ hơn một năm qua.
Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19: Trái tim kết nối trái tim
Tối 5/6, Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 chính thức ra mắt. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng cùng chống dịch.
Theo Thủ tướng, mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn cho bản thân, gia đình chúng ta, cho cộng đồng và cả xã hội. Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi Covid-19.
“Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19”, Thủ tướng xúc động nói.
2. Hơn một năm qua, Mặt trận đã vào cuộc ngay từ những ngày Việt Nam có ca lây nhiễm đầu tiên. Từ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận đã “kích hoạt” việc tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn hệ thống.
Ngày 17/3/2020, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động toàn dân phòng chống dịch Covid-19, cũng tại đây, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay sau Lễ phát động, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai hết sức khẩn trương, phân công từng đồng chí trong Ban Thường trực, lãnh đạo, cán bộ các ban đơn vị của Mặt trận ở cơ quan Trung ương thiết lập ngay văn phòng tiếp nhận để thu nhận các nguồn đóng góp ủng hộ.
Tương tự như vậy, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các địa phương trên cả nước cũng giao cho MTTQ chủ trì mở tài khoản đồng thời thành lập bộ phận thường trực để tiếp nhận ủng hộ phòng chống Covid-19.
Ngoài việc tiếp nhận, người Mặt trận còn phải tính đến việc phân bổ sao cho đảm bảo đúng đối tượng, đảm bảo về mặt thời gian và đặc biệt không để xảy ra sai sót. Tinh thần của Mặt trận là vừa tiếp nhận, phân bổ vừa giám sát. Tất cả những hoạt động này phải đảm bảo tính công khai.
Sau hơn một năm, khi Việt Nam bước vào giai đoạn thứ 4 của cuộc chiến với Covid-19 cùng với những diễn biến mới đầy cam go thử thách, ngày 27/5/2021, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lại tiếp tục kêu gọi toàn dân tham gia đợt cao điểm quyên góp, ủng hộ cho công tác phòng chống dịch đã cho thấy tinh thần Mặt trận, tấm lòng Mặt trận trong những thời điểm khó khăn của đất nước.
Ở vào thời điểm nào cũng vậy, Lời kêu gọi của Mặt trận như một ngọn lửa thắp lên tinh thần đoàn kết, mở đầu cho hàng loạt các phong trào chung tay ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc.
Hơn một năm qua, cánh cổng trụ sở Mặt trận từ Trung ương đến các địa phương tấp nập những dòng người tìm về, mỗi người một tấm lòng gửi đến Mặt trận, bằng tình yêu, sự sẻ chia và niềm tin hy vọng chiến thắng dịch bệnh.
Niềm tin giống như một món quà. Điều này khiến chúng tôi nhớ tới cuộc hạnh ngộ ấm áp với cụ bà nông dân Triệu Thị Hải, ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Cụ Hải năm nay đã hơn 90 tuổi, cụ bảo, ngày xưa cả dân tộc đoàn kết đứng lên đánh thắng quân xâm lược thì nay “giặc” Covid đến nhà, noi gương con cháu Vua Hùng, nghèo thì nghèo cũng phải “ra trận”.
Có mấy triệu đồng dành dụm từ tiền nhận Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba tính đem ra Mặt trận ủng hộ nhưng cụ Hải lại mang hai kỷ vật quý giá nhất của mình là đôi khuyên tai bằng vàng và 1 đồng bạc hoa xoè là của hồi môn của cha mẹ cho từ năm 1953 khi bà đi lấy chồng.
“Vì đất nước, tôi chả tiếc điều gì. Sở dĩ tôi mang kỷ vật quý giá của mình ủng hộ cho công tác phòng chống dịch là muốn thể hiện niềm tin của tôi vào Đảng, Chính phủ và Mặt trận trong cuộc chiến này”- cụ Hải hồn hậu nói.
Mới đây, câu chuyện của cậu bé Phan Anh Khôi cũng mang đến cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Cậu bé là học sinh lớp 1D, Trưởng tiểu học Trung Tự, Hà Nội đã nhờ bố chở đến cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam để quyết định “đập lợn” tiết kiệm từ tiền mừng tuổi, ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cậu bé ôm con lợn đất ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế sofa giữa phòng khách của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam. Chiếc ghế quá to so với cậu, nhưng tấm lòng của cậu bé 7 tuổi mới thật bao la.
Tại đây, Khôi đã nhờ các cô chú ở Ban Phong trào, nơi tiếp nhận ủng hộ, đập con lợn đất, với tổng số tiền tiết kiệm là 4.700.000 đồng, Khôi quyết định ủng hộ toàn bộ số tiền cho công tác phòng chống dịch.
Đâu đó ngoài kia, vẫn không thiếu những câu chuyện làm ta bận lòng. Nhưng đâu là điểm chung giữa những người như cụ Triệu Thị Hải, ông Nguyễn Bá Tài và bé Phan Anh Khôi? Đó chính là sợi dây đoàn kết, tinh thần cố kết cộng đồng được kêu gọi từ Mặt trận.
3.Có thể thấy rằng, trong từng thời điểm cụ thể, công tác phòng chống dịch của nước ta nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường trực Chính phủ; sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng của toàn dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân” và tại thời điểm này là “thần tốc với chiến lược vaccine”, phải bằng mọi giá, mọi cách để có vaccine tiêm cho nhân dân.
Cũng đồng nghĩa với việc này, trong từng thời điểm cụ thể, Mặt trận lại có thêm quyết sách mới, nhiệm vụ mới để đảm bảo sự thích ứng kịp thời với những biến động của từng giai đoạn, kề vai sát cánh cùng đất nước để vượt qua thử thách. Sự thích ứng được thể hiện một cách sâu sắc và toàn diện hơn bằng nhiều phương pháp thực hiện.
Tại các địa phương, Mặt trận đã có nhiều hình thức năng động, sáng tạo khác nhau để tham gia phòng chống dịch hiệu quả. Trong đó, Mặt trận vừa là người tuyên truyền kêu gọi người dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, vừa là người thực hiện phân bổ ủng hộ, giám sát ủng hộ và tham gia chốt chặn nguồn lây từ địa bàn dân cư thông qua những Tổ giám sát cộng đồng do Ban Công tác Mặt trận phối hợp cùng các bên liên quan thành lập.
Nếu như trước đây, số tiền ủng hộ thông qua Mặt trận được dành toàn lực để ủng hộ lực lượng tuyến đầu, mua trang thiết bị y tế, và chia sẻ với những người yếu thế trong cơn bão dịch bệnh thì đến nay, số tiền này sẽ được dành phần nhiều để chuyển sang Quỹ vaccine phòng chống Covid-19. Vaccine được xác định là vũ khí lợi hại nhất, là điều kiện tiên quyết để cuộc chiến với dịch Covid -19 đi đến thắng lợi toàn diện.
Chia sẻ ý nghĩa của việc thành lập Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 của Chính phủ, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, đây chính là thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước đối với việc tiêm vaccine miễn phí cho người dân để đạt được mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng. Nếu không có nguồn vaccine phòng chống dịch thì Việt Nam không thể chấm dứt được sự lây lan của dịch bệnh.
Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi đóng góp nguồn lực ủng hộ cho Quỹ của Chính phủ hay qua MTTQ Việt Nam thì tất cả nguồn tiền đều được chuyển trực tiếp vào Quỹ vaccine để phục vụ tiêm chủng cho người dân.
Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, một trong những giải pháp căn cơ nhất chính là tạo ra nguồn vaccine nội. Người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho rằng, cùng với việc huy động nguồn lực ủng hộ cho Quỹ vaccine, trong thời gian tới, Mặt trận sẽ tiếp tục vận động thêm những doanh nghiệp để trực tiếp ủng hộ cho đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu nhằm cổ vũ, động viên những nhà khoa học đầu tư nghiên cứu tạo nguồn vaccine cho Việt Nam.
“Mặt trận cam kết sẽ sử dụng nguồn lực tiếp nhận được theo hướng công khai, minh bạch, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật” - Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Để thực hiện thành công mục tiêu tiêm chủng đại trà cho hơn 70% dân số trong năm 2021, ở vai trò là trung tâm kết nối của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận tiếp tục đặt ra trách nhiệm tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ, quyết tâm và đồng lòng trong việc ủng hộ Quỹ vaccine và việc cần thiết phải tiêm vaccine.
Thông qua những cách làm, việc làm cụ thể, đích đến cuối cùng của Mặt trận là kêu gọi từng người dân trong nước và ở nước ngoài chung tay, một lòng góp sức chiến đấu với dịch bệnh. Đó chính là hình ảnh tiêu biểu nhất để Việt Nam trở thành biểu trưng sức mạnh của tình đoàn kết trước thử thách mang tính toàn cầu.
3. Đoàn kết là sức mạnh vượt qua mọi lực cản. Và để kết nối, nhân lên tinh thần đoàn kết ấy, hơn lúc nào hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trải qua 91 năm thực hiện sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục thể hiện trách nhiệm của mình trong giai đoạn gian khó này.
Có gian khó nào mà Việt Nam không thể vượt qua, có nguy nan nào làm chúng ta phải chùn bước, khi mà vào những lúc cam go nhất, từ lời kêu gọi của Mặt trận, tinh thần đoàn kết - nghĩa đồng bào - người với người lại siết chặt tay nhau để vượt qua gian khó.
Lời kêu gọi đã huy động được sự đồng lòng của người dân và khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để không một người dân nào đứng ngoài cuộc chiến cam go này.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sự xúc động và đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng y, bác sĩ, quân đội, công an, đội ngũ cán bộ ở cơ sở cùng sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện khí chất của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cùng hành động có trách nhiệm vì đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn chính là sự đồng lòng của nhân dân.
Và như niềm tin của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến “mỗi một tấm lòng, một sự chung tay đã và đang góp thêm nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ sớm đẩy lùi dịch bệnh”.
Sự đồng lòng lớn lao ấy đang được thổi bùng lên từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị và từ trái tim của mỗi người Việt Nam.
Theo thống kê từ ngày 1/5/2021 đến ngày 17/6/2021, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã lên tới hơn 3.562 tỷ đồng.
Từ nguồn lực tiếp nhận của những đơn vị đăng ký chuyển tới Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, Mặt trận phân bổ tới Quỹ trên tinh thần công khai, minh bạch đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Đến nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phân bổ tới Quỹ vaccine số tiền 1.016 tỷ đồng.