Ông cụ để lại nhà chục tỷ, xóm trọ Sài thành vui mừng vì giảm tiền thuê
Đồng cảm với nỗi vất vả của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều chủ nhà trọ tại TP HCM đã chủ động giảm thậm chí miễn tiền thuê nhà, mặt bằng cho khách hàng.
Miễn, giảm tiền thuê trọ
12h trưa, bà Nguyễn Thị Chỉ (67 tuổi, quê Bến Tre) trở về căn phòng trọ lụp xụp tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM). Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên công việc bán vé số dạo của bà bị ảnh hưởng nặng nề.
Đi hết cả buổi sáng, bà chưa bán được quá nửa xấp vé số nhận từ chiều tối qua. “Bán chậm quá, tôi đang lo tháng này sẽ không đủ tiền đóng tiền phòng. Rất may là chủ nhà đã thông báo sẽ giảm cho tôi một nửa tiền thuê trọ”, bà Chỉ nói và cho biết sẽ thắt chặt chi tiêu hơn.
Để tiết kiệm, hàng ngày, bà chỉ ăn cơm trắng với cá khô được một người hàng xóm gửi tặng. Đang sống chật vật, nghe tin được giảm tiền thuê trọ, bà rất vui.
Niềm vui trên cũng đến với hơn 300 người đang thuê trọ tại Khu lưu trú số 1 (huyện Hóc Môn, TP HCM). Anh Phạm Trung Hiếu, chủ khu lưu trú trên cho biết, trong những đợt dịch Covid-19 vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP HCM và khu lưu trú đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người thuê trọ.
Đợt dịch này, anh cũng giảm tiền thuê trọ cho hơn 300 người đang lưu trú tại đây. “Chúng tôi tặng quà cho các anh chị công nhân đang thuê trọ và giảm 50% tiền phòng. Khu lưu trú được mạnh thường quân của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP HCM hỗ trợ ATM gạo. Chúng tôi sẽ tổ chức cho mọi người đến nhận gạo miễn phí vào thứ Bảy tới”, anh cho biết.
Trong khi đó, tại dãy trọ hơn 20 phòng cho thuê trên đường Nguyễn Công Hoan (phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM), ông Hồ Đề đang miễn phí tiền trọ cho một số người thuê trọ tại đây.
Đây là lần thứ tư, ông Đề miễn, giảm tiền thuê trọ. Ông nói: “Ba đợt dịch trước, tôi cũng miễn, giảm tiền thuê. Những gia đình nghèo thuê trọ ở đây nhiều năm, tôi đều giảm tiền. Đối với các em sinh viên, học sinh khó khăn, tôi miễn phí tiền thuê luôn”.
Người dân địa phương cho biết, việc ông Đề miễn, giảm tiền thuê trọ là điều không mấy xa lạ. Bởi hơn 40 năm trước, ông đã cưu mang, thậm chí cho người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo ở trọ miễn phí.
Để lại nhà chục tỷ, xem người thuê trọ như người nhà
Đặc biệt, vừa qua, ông đã hoàn tất tờ di chúc với nội dung để lại 2 căn nhà trị giá chục tỷ đồng cho người già neo đơn và học sinh - sinh viên nghèo ở miễn phí. Hồ Thị Như Quỳnh, sinh viên trường ĐH Công nghiệp 4, đang thuê trọ tại đây, cho biết: “Đợt dịch nào, ông Đề cũng đến thăm hỏi người ở trọ”.
“Ông dán bảng thông báo giảm 50% tiền thuê cho mọi người. Thế nhưng, khi ông biết gia đình nào khó khăn quá, ông giảm cho họ từ 60-70% tiền trọ. Có người được ông miễn hoàn toàn tiền thuê trọ luôn”, Như Quỳnh cho biết.
Tương tự ông Đề, bà Nguyễn Thị Thúy (chủ dãy phòng trọ tại phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP HCM) cũng giảm tiền thuê trọ, thuê mặt bằng cho người nghèo từ tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, đến tháng 6 này, tình hình dịch bệnh tại TP HCM vẫn diễn biến phức tạp nên bà tiếp tục giảm thêm tiền thuê trọ. Thậm chí, bà còn chủ động giảm tiền thuê mặt bằng kinh doanh vốn đã rất thấp của mình.
Anh Nguyễn Văn Tài, người thuê mặt bằng của bà Thúy cho biết, vợ chồng anh thuê mặt kinh doanh phía trước dãy trọ của bà Thúy để bán nước giải khát. Mặc dù nằm ở vị trí mặt tiền đường lớn, đông người qua lại, tiện cho việc kinh doanh nhưng bà Thúy cho anh thuê với giá rất rẻ.
“Đợt dịch này, TP HCM giãn cách lâu nên tôi bán ế lắm. Có hôm, chúng tôi gần như không bán được gì, rất chật vật. Rất may là cô Thúy lại chủ động giảm tiền thuê. Việc này đã giúp gia đình chúng tôi rất nhiều trong lúc thắt ngặt như thế này”, anh Tài nói.
Bà Thúy chia sẻ, đa số những người thuê trọ tại đây đều đã gắn bó với bà nhiều năm. Tùy theo hoàn cảnh mỗi người, bà Thúy sẽ giảm tiền thuê trọ khác nhau.
Bà nói: “Dịch bệnh người đi làm thì thất nghiệp, người kinh doanh thì ế ẩm… thu nhập vì thế mà cũng giảm sút nhiều. Tôi làm sao nỡ thu đủ tiền trọ. Tôi cố gắng giảm tiền thuê trọ, thuê mặt bằng để họ đỡ được phần nào hay phần đó. Ngay lúc này, tôi chỉ mong cùng anh chị em công nhân vượt qua đại dịch để họ ổn định cuộc sống, có tiền gửi về quê”.
Cũng như bà Thúy, anh Hiếu nói, anh luôn xem những người đang thuê trọ với mình là “người nhà”. Khi “người nhà” bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, anh không thể ngồi yên.
Thế nên, dù biết biết sẽ mất đi một khoản thu nhập không nhỏ khi giảm 50% tiền thuê trọ cho hơn 300 người, anh vẫn cố gắng thực hiện.