Làm báo trước áp lực thời cuộc
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, xin được giới thiệu ý kiến của một số Tổng Biên tập nhìn nhận về tình hình báo chí hiện nay.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus: Tạo dấu ấn với các tuyến bài lớn, đa phương tiện
Là báo điện tử đối ngoại quốc gia, VietnamPlus luôn chú trọng đổi mới chất lượng nội dung. Chúng tôi tiếp tục tạo dấu ấn với các loạt bài chuyên sâu, phóng sự đặc biệt, được trình bày theo phong cách mới lạ, hấp dẫn, bắt kịp xu hướng mới của báo chí thế giới, đem lại trải nghiệm cho độc giả.
Hiện nay, một số sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được VietnamPlus triển khai, như podcast, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng thư tòa soạn (Newsletter) hay tin tuyển chọn từ Ban biên tập (Editors Picks)… VietnamPlus còn chú trọng xây dựng nội dung chuyên biệt đối với sản phẩm thu phí, có giá trị “hàng hóa” cao, nhắm tới khách hàng “sẵn sàng trả phí”.
Về thách thức, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và báo chí cũng không ngoại lệ. Đó là sự suy giảm nguồn thu, nhất là hoạt động truyền thông, quảng cáo khó khăn, rồi câu chuyện doanh thu quảng cáo về túi các ông lớn Google, Facebook... Đi liền với đó là khó khăn trong phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ; áp lực thông tin từ mạng xã hội; rồi vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; vi phạm bản quyền tràn lan.
Với VietnamPlus, thuận lợi là báo luôn giữ vững được thương hiệu chính thống, sáng tạo, cùng với đội ngũ phóng viên, biên tập yêu nghề. Đặc biệt, VietnamPlus đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tờ báo điện tử đối ngoại quốc gia, phát huy thế mạnh đa ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Nga. Ngoài ra, nhờ chuyển đổi số, việc sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản phẩm dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí được thuận lợi.
VietnamPlus định hướng là báo tích hợp nhiều loại hình thông tin nhất, đi đầu về ứng dụng các công nghệ mới vào quy trình sản xuất thông tin, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả.
Về nội dung, VietnamPlus chú trọng nâng cao chất lượng, thực hiện các tuyến bài chuyên sâu, phân tích, dự báo, thiết kế đẹp đẽ, tích hợp nhiều loại hình trong một sản phẩm. Về sản phẩm mới, đẩy mạnh sản xuất podcast, chú trọng đến thiết bị loa thông minh. Sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để đánh giá, phân tích đối tượng độc giả, để đưa ra những giải pháp nội dung phù hợp với đối tượng độc giả mà mình đang phục vụ.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt Đề án báo điện tử đối ngoại quốc gia, đưa VietnamPlus trở thành báo có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật: Khe cửa hẹp để báo chí “thoát hiểm” và “sống sót”
Nếu báo chí cứ cuốn theo cách làm bỏ sở trường, theo sở đoản, chạy đua thông tin với mạng xã hội thì đó sẽ là một sai lầm chí tử, dẫn chúng ta đến một đường hầm không lối thoát. Khái niệm về tin tức báo chí 5W, 1H (ai, cái gì, ở đâu, bao giờ v.v…) trở nên lỗi thời.
Vì vậy, báo chí muốn tiếp cận được bạn đọc phải cung cấp được những tin tức khác với trước đây. Những nhà báo chuyên nghiệp, những cây bút được đào tạo bài bản, có kỹ năng và tâm huyết phải tiếp cận, phản ánh thông tin hấp dẫn, bản sắc hơn, đưa ra những góc nhìn, quan điểm sáng tạo và thú vị hơn cư dân mạng - đa phần là những người cung cấp tin tức tự phát và nghiệp dư.
Theo tôi, đó là sự khác biệt và cũng là khe cửa hẹp để báo chí “thoát hiểm” và “sống sót” trước sức ép của những nền tảng truyền thông mới đầy ưu thế được khai sinh từ sự phát triển của công nghệ.
Trên phương diện này, tôi nghĩ rằng, có một giá trị nội dung cốt lõi khác của báo chí, đồng thời cũng là “phòng tuyến” kiên cố cuối cùng của báo chí trong cuộc chiến với “cối xay gió” mạng xã hội, đó chính là tính chuẩn xác và trung thực của tin tức.
Mối quan tâm của chúng ta, những người làm báo, nên đặt ở chính bản thân tin tức, chứ không phải là nền tảng truyền thông, cho dù đó là báo giấy, sóng radio, TV hay Internet. Nếu không cố gắng định nghĩa lại thế nào là tin tức báo chí - một hành động tự ngắm mình, chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến hồi cuối của khát vọng tái hiện lại giá trị nội dung báo chí vẫn bám theo từng bước sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin và nội dung số.
Theo thiển ý của cá nhân tôi, ở phía đối cực với dáng vẻ hoang dã, “hoa cỏ ngọt chen giao cùng trái độc” của truyền thông mạng, báo chí phải tạo dựng được một không gian tin tức trong lành, mang lại hiệu ứng cả về thái độ tiếp nhận thông tin cũng như cảm xúc của bạn đọc, mà ở đó, nhà báo đóng vai trò cả người tham gia lẫn người quan sát những vấn đề của thời cuộc. Thay vì chuyển tải tin tức đơn thuần, nhà báo - ở góc độ chính thống và chuyên nghiệp - phải là người đưa quan điểm, góc nhìn mang tính chiều sâu hơn đến với bạn đọc. Nói cách khác, thay vì phản ánh đơn thuần, báo chí phải cố gắng hướng tới sáng tạo.
Để trở thành một dòng chảy mạnh mẽ và là động lực của việc chuyên chở thông tin hoàn toàn phụ thuộc vào việc báo chí có hoàn thành sứ mệnh “tải đạo” hay không? Có đủ mạnh để xua đi rác rưởi, hiển lộ san hô và ngọc trai trên “biển truyền thông” thời đại công nghệ 4.0 hay không? Bằng trải nghiệm cá nhân, tôi thấy, để hoàn thành sứ mệnh đó, nói cách khác là để tồn tại phát triển báo chí hiện đại phải vượt ra ngoài khái niệm người đưa tin theo cách hiểu truyền thống để trở thành nơi ký thác cảm xúc, nhận thức và cả trí tưởng tượng của người đọc.
Nhà báo Chu Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa: Đổi mới mang tính chất tự thân để tồn tại
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của các cơ quan báo chí nói chung và Báo Văn hoá nói riêng. Nguồn thu quảng cáo giảm mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm, nguồn thu quảng cáo của chúng tôi giảm 60-70%. Các hợp đồng quảng cáo đã ký kết từ năm trước thì không thu được tiền do các doanh nghiệp đang đóng cửa vì dịch; hoạt động cầm chừng, hoặc lỗ nặng.
Các hoạt động tạo nguồn thu khác cũng phải hoàn, hủy do dịch. Trong khi đó quỹ nhuận bút tăng lên 20-30% vì số lượng tin, bài tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 tăng.
Chúng tôi may mắn hơn nhiều cơ quan báo chí khác là có sự quan tâm đầu tư của Bộ chủ quản. Với nguồn kinh phí được cấp cố định hàng năm, chúng tôi đã tính toán cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết, tập trung cho lương, tiền in, nhuận bút.
Bên cạnh đó, tìm kiếm thêm các nguồn thu từ các gói tuyên truyền theo chủ đề từ các cơ quan Nhà nước phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo. Không đơn giản. Việc tìm kiếm nguồn thu như đi câu vậy, may thì được cá, không may thì đề án gửi đi cũng không nhận được phản hồi. Trong lúc khó khăn, một sự hỗ trợ dù nhỏ từ Nhà nước cũng khiến chúng tôi rất ấm lòng. Tôi muốn nói đến gói hỗ trợ của Chính phủ cho các cơ quan báo chí. Số tiền không lớn nhưng cũng góp thêm vào quỹ nhuận bút eo hẹp của chúng tôi.
Thách thức lớn nhất đó là sự tồn tại. Sự tồn tại ở đây không phải chỉ là sự hiện hữu có tính chất vật chất thông thường. Hay nói cách khác, là sự tồn tại một cách lay lắt, có cái tên nhưng không có vị thế, vai trò trong tâm thức của bạn đọc.
Vì thế, phải rà soát, đổi mới mang tính chất tự thân để tồn tại. Nhưng muốn tồn tại, trụ vững và khẳng định mình không phải là một cơ thể èo uột, sống lay lắt thì chỉ còn cách tư duy để đổi mới. Chúng tôi đang cố gắng làm điều này, còn có làm được hay không thì câu trả lời vẫn ở phía trước.