Tuổi cao chí khí càng cao
Đạo lý của dân tộc Việt Nam là kính trọng người cao tuổi. Đạo lý đó được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng xóm và cả quốc gia. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, người cao tuổi luôn có vị trí đặc biệt.
1. Nổi bật nhất của tinh thần ấy chính là Hội nghị Diên Hồng, được Nhà Trần tổ chức năm 1284 tại kinh thành Thăng Long (Hà Nội), do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các bô lão trong cả nước. Đây là cuộc trưng cầu dân ý cực kỳ quan trọng, để nhà vua, triều đình xin ý kiến về chủ trương hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2.
Trước khi Hội nghị bắt đầu, triều đình thăm dò và biết được quân Nguyên huy động một lực lượng rất lớn. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Số quân nhà Nguyên điều là 50 vạn từ phương Bắc tràn xuống; kết hợp với cả gần 10 vạn quân của Toa Đô từ phía Nam đánh lên; tin rằng với sức mạnh như vậy sẽ nhanh chóng bóp nát nước Đại Việt.
Tại Hội nghị Diên Hồng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân ban yến và hỏi các vị bô lão là nên đánh hay nên hòa. Các vị bô lão cùng quyết tâm: Đánh! Ý chí của các vị bô lão cũng là ý chí của toàn dân ta, kiên quyết không chịu làm nô lệ, kiên quyết giữ vững độc lập dân tộc, tự do cho giống nòi, cho dù lực lượng quân địch lúc ấy rất mạnh và vô cùng hung hãn. Chính từ ý chí quật cường của các vị bô lão mà vua tôi Nhà Trần đã mạnh mẽ tiến hành cuộc kháng chiến tự vệ, đánh bại đội quân xâm lược hung hãn.
Tiếp nối tư tưởng của tiền nhân, truyền thống “kính già, yêu trẻ” của dân tộc, ngay từ năm 1941 khi đất nước vẫn chìm trong bóng đêm nô lệ của thực dân Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã viết “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”. Người nêu rõ: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề (...) Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”. Thấy rõ vị thế vai trò và trách nhiệm của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng và xã hội, Người đã sáng lập, chỉ đạo và tuyên truyền về việc thành lập Hội Phụ lão Cứu quốc ngay tại các thôn, bản, vùng căn cứ địa cách mạng.
Ngày 6/6/1941, Người viết lời hiệu triệu “Kính cáo đồng bào”, kêu gọi các bậc phụ huynh, chiến sĩ cùng toàn dân đoàn kết thống nhất đánh đuổi Nhật. Người nói: “Một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang… Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm” (Hồ Chí Minh, Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão, 6/1941).
Khi nước nhà độc lập, mỗi khi Tết đến Xuân về, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại biếu lụa cho các cụ cao niên, ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ, mong các cụ tiếp tục đóng góp cho gia đình, cho làng xóm, cho đất nước. Người nói: “Tuổi cao chí khí càng cao!”.
2. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc và đánh giá cao những cống hiến to lớn của các thế hệ người cao tuổi trong suốt chặng đường đấu tranh của dân tộc. Đáp ứng nguyện vọng của người cao tuổi, Ban Thường vụ Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam (khóa III) đã đề nghị và được Chính phủ đồng ý lấy ngày 6/6 hàng năm là “Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam” (Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ).
Ngày 23/11/2009, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII) đã biểu quyết thông qua Luật Người cao tuổi. Điều 6, Luật người cao Việt Nam ghi rõ “ Ngày 6 tháng 6 hàng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam”.
Có thể nói, càng ngày những chế độ, chính sách cho người cao tuổi càng được hoàn thiện. Nhất là trong tình hình hiện nay khi Việt Nam là quốc gia có dân số đang già hóa, với tỷ lệ người cao tuổi nhiều. Theo cơ quan chức năng, hiện tỷ lệ dân số trên 60 tuổi hiện nay là hơn 10%, nhưng đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 18% và đến 2050 là hơn 30%. Những cụ trên 80 tuổi cũng sẽ tăng và đến năm 2050 sẽ chiếm trên 6% dân số. Điều đó đặt ra vấn đề cần tổ chức tốt hơn nữa hệ thống an sinh xã hội.
Pháp lệnh người cao tuổi (số 23/2000/PL-UBTVQH10; Quyết định số 141/2004/QĐ-TTG ngày 5/8/2004) thành lập Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. Các chính sách này có những nội dung căn bản: Dành ngân sách để chăm sóc vật chất và tinh thần cho người cao tuổi; quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để Hội Người cao tuổi phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc người cao tuổi; vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng; chăm sóc vật chất và tinh thần của người già, nhất là những người già cô đơn, không nơi nương tựa; quy định về chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi; phát huy vai trò của người cao tuổi … Nhờ vậy, người cao tuổi được xã hội quan tâm chăm sóc hơn.
Tới nay, đa số người cao tuổi có một cuộc sống tốt. Trong nhà con cháu hiếu thảo. Ra đường các cụ được tôn trọng. Chính sách y tế bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được phát huy. Đặc biệt, Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người cao tuổi về chăm sóc xã hội, chăm sóc y tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, xây dựng xã hội gắn kết nhiều thế hệ, tôn trọng và trợ giúp người cao tuổi. Mục tiêu, chương trình đề ra cụ thể là phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ người cao tuổi nghèo xuống ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của cả nước. Mở rộng độ bao phủ người cao tuổi được hưởng chính sách trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội) lên 1,5-2% một năm so với tổng số người đang hưởng trợ cấp xã hội; 100% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn không có người phụng dưỡng được trợ giúp chăm sóc tại cộng đồng hoặc nuôi dưỡng trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, trong đó ít nhất 80% người cao tuổi được chăm sóc tại cộng đồng; 95% người cao tuổi có thẻ BHYT với các hình thức khác nhau; ít nhất 90% tổng số xã, phường, thị trấn có Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Đó chính là bản chất ưu việt của chế độ ta, bắt nguồn từ đạo lý “kính già, yêu trẻ” của dân tộc Việt Nam.