Lễ hội Bàn Vương - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao

P. Hương 22/06/2021 08:00

Trong tất cả các ngành Dao đều có một điểm chung trong tín ngưỡng, đó là tục thờ cúng Bàn Vương. Ở bất cứ nhóm Dao nào, họ nào cũng đều trú trọng đến việc thờ cúng này. Người Dao coi việc thờ cúng Bàn vương là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ.

Theo những người cao tuổi đồng bào dân tộc Dao xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang: Lễ hội Bàn Vương được phục dựng và tổ chức hàng năm tại các địa phương có người Dao sinh sống tập trung nhằm lưu giữ nguồn gốc lịch sử, văn hóa của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn với Sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 tộc họ người Dao ngày nay. Đồng thời cầu nguyện Sư tổ phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, hoa màu tươi tốt cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc.

Truyền thuyết kể rằng Bàn Hồ là một Long Khuyển mình dài ba thước, lông đen vằn vàng mượt như nhung, luôn được nhà Vua Bình Vương nhất mực yêu quý. Dưới triều đại của Bình Vương, bách tính bình yên và no ấm. Một hôm Cao Vương dấy binh xâm lược, khiến cho nhân dân lâm vào cảnh lầm than. Nhà vua đã cử nhiều binh hùng tướng mạnh đi trấn giữ biên ải nhưng không thể đánh đuổi được Cao Vương.

Trước sức mạnh như vũ bão của quân giặc, Bàn Hồ liền hiến kế sách giúp nhà vua chiến thắng Cao Vương. Sau khi dẹp yên quân xâm lược, Bàn Hồ bỗng hóa thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, Vua Bình Vương rất đỗi vui mừng đã gả Tam Công chúa cho nên vợ nên chồng và được phong Vương lấy hiệu là Bàn Vương. Họ sinh được 12 người con, được vua cha Bình Vương ban cho 12 họ lưu truyền đến ngày nay. Sau khi Bàn Vương gặp nạn và chết đi, đời đời con cháu tổ chức cúng tạ để tưởng nhớ vị vua anh hùng trong lòng dân tộc.

Sau nhiều năm phát triển hưng thịnh thì nạn hạn hán xảy ra liên tục, khiến các con cháu người Dao rơi vào cảnh thiếu đói, cơ cực túng quẫn nên phải thiên di vượt biển tìm nơi sinh sống. Với sự che chở của Bàn cổ Đại Vương, 12 tộc họ người Dao đã vượt biển thành công, một số nhóm đã định cư ở phía bắc Việt Nam, trong đó có tỉnh Hà Giang. Để lưu truyền cho đời sau, họ đã viết sách kể lại quá trình thiên di vượt biển đầy gian khổ, ca ngợi Bàn Vương (cuốn sách “Quá Sơn Bảng Văn”). Đồng thời, tổ chức làm lễ trả ơn, trả nguyện Bàn Cổ Đại Vương.

Trước khi thực hiện các nghi lễ, 6 thầy cúng tập trung phân công thổi tù và, nổi chiêng trống để mở và treo tranh Bàn Vương và hàng sư treo lên (gọi là khoáng sính- nghi lễ treo tranh). Lễ vật cúng gồm: Lợn 1 con làm sạch lông, Gà trống 1 con, Bánh dày hoặc bánh gói lá chuối buộc từng cặp, Gạo 1 túm bằng vải trắng (sài chiên), Giấy bản theo cúng bình thường và 7 siên (chìn shún).

Thầy cúng khấn rằng: Kinh động Bàn Vương sư tổ, Bàn cổ đại vương nơi ở nguyên sa phủ hà đại miếu điện thượng. Kinh động những thần cai quản quan nhân nơi ở kim cai ngoại điện nơi nhộn nhịp điện thượng. Kinh động thượng cai, hạ cai các thần... Kính nghênh các thần giáng hạ đón lễ tạ ơn của con cháu, mong thần phù độ muôn dân, con cháu bình an, gia tài thịnh vượng…

Các bước thực hiện nghi lễ lần lượt là: Bước 1, cúng gọi Bàn Vương và thần linh thổ địa về tuyên bố lý do làm lễ, cho giấy, vàng bạc nhờ Bàn Vương và thần linh thổ địa phù hộ nhân dân, phù hộ lễ hội. Bước 2, thổi 3 hồi tù và báo hiệu Bàn Vương xuống đàn nhận lễ và phù hộ nhân dân. Bước 3, dâng hương, dâng lễ tạ ơn Bàn Vương đã phù hộ cho người Dao sống yên ổn ngàn đời. Bước 4, múa gọi nhờ thiên linh thổ địa nghênh đón Bàn Vương và Kể sơ lược tiểu sử, vóc dáng của Bàn Vương từ khi ra đời. Bước 5, múa gậy thể hiện Bàn Vương, các thần linh, thổ địa xuống đàn nhận lễ vật. Bước 6, kết thúc hóa vàng tiễn đưa Bàn Vương về trời.

P. Hương