Miền biên viễn thời Covid

Thành Duy 21/06/2021 14:30

TP Móng Cái (Quảng Ninh), mảnh đất địa đầu Tổ quốc, là trung tâm thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch lớn của tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 2020, như nhiều địa phương trong cả nước, dịch Covid-19 làm ngừng trệ nhiều hoạt động kinh tế xã hội của địa phương này.

Kinh doanh ảm đạm

Những ai đã một lần đến Móng Cái, luôn cảm nhận được cảnh nhộn nhịp mua bán ở những khu phố thương mại sầm uất. Du khách luôn đông đúc, tiểu thương khắp nơi đổ về để lấy hàng. Khi chưa dịch bệnh Covid-19, chợ 1,2,3 rất đông người dân, du khách đến mua bán tham quan. Hàng ngàn xe ôm, taxi hoạt động liên tục để chở hàng, chở khách. Nhưng tại thời điểm này, bãi biển Trà Cổ không còn cảnh chật kín khách du lịch đến tắm biển nữa, khu vực Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cũng chỉ lác đác một số người khiến Móng Cái trở nên trầm lặng khác thường.

Các cửa hàng và trung tâm thương mại đóng cửa.

10h sáng, chị Hoàng Thị Thương, một tiểu thương bán giày dép, quần áo ở phố Trần Phú mới mở cửa bán hàng. Mở cửa thì mở, nhưng những con ma nơ canh chị cũng chẳng buồn bày ra. Chị Thương bảo, nhà chị ở đây còn đỡ, nhiều người thuê cửa hàng mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Khách không có, mà tiền thuê nhà vẫn phải trả, cực kỳ khó khăn.

Chợ Trung tâm Móng Cái, bán buôn đủ các loại quần áo, vải vóc, đồ thời trang. Từ năm 2020 khi dịch Covid-19 hoành hành, đến nay gần như đã đóng cửa. Với 4 tầng gần 1.000 ki ốt, giờ vắng như chùa Bà Đanh. Chị Nguyễn Minh Thảo, một chủ hàng tại chợ này cho biết, ra chợ chỉ ngồi lướt Facebook cho hết buổi. Chị nói vui, chả thấy ma nào mua, ngồi cả ngày phát chán. Hôm nay có khách quen gọi nên ra chợ để chọn hàng gửi cho khách.

Chị Thảo cho biết, thật ra chị và nhiều chủ hàng đã nghỉ bán hàng từ hơn 1 tháng nay. Khách đi mua hàng gần như không có. Hàng trăm ki ốt đóng cửa, còn vài chục hộ vật vờ đi làm cho có việc. Khi chưa có dịch Covid-19, hàng hóa từ Trung Quốc về nhiều. Ở chợ này có đến 50% chủ ki ốt là người Trung Quốc, dịch bệnh khiến họ không sang Việt Nam được nên đóng cửa. Họ thường thuê người Việt bán hàng. Đóng cửa hàng trăm người mất việc.

Một cán bộ Ban quản lý chợ Móng Cái cho hay, phường Trần Phú có 4 chợ, 2 trung tâm thương mại. Hiện chỉ có chợ buôn bán thực phẩm là có khách. Chợ bán buôn quần áo, vải vóc, đồ điện tử, trung tâm thương mại hầu như đóng cửa. Người dân bây giờ mua hàng online nhiều, ít người đi chợ. Thời chưa có dịch, thời điểm này, khách du lịch khắp nơi đổ về, ăn uống, mua sắm nhộn nhịp, mở mắt là có tiền. Nhiều tiểu thương phá sản, trả lại cửa hàng đã thuê.

Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đìu hiu, vắng vẻ.

Anh Trần Văn Minh, một thổ địa vùng biên cho biết, TP Móng Cái đông đúc, sầm uất thế nhưng rất nhiều là người ngoài tỉnh. Khi buôn bán thuận lợi, hàng vạn người ra đây sinh sống, mua đất nhập hộ khẩu. Rất nhiều người có nhà đất ở đây, thuê nhà, nhưng làm được bao nhiêu họ lại đầu tư ngược về quê. Không làm ăn được họ về quê sống, đợi dịch hết họ quay lại. Tiếng là người Móng Cái nhưng hồn cốt ở trong quê…

Xe khách liên tỉnh không được vào Quảng Ninh và ngược lại nên người dân các tỉnh khác cũng không thể qua lại Móng Cái. Vậy là hàng trăm chiếc taxi, xe khách cũng như cánh lái xe ôm ngồi chơi không có việc.

Một lái xe taxi cho hay, có ngày ngồi đến đêm không bắt được một khách, lỗ tiền trà, thuốc. Nhiều lái xe taxi bán xe vì mua xe trả góp. Cửu vạn vốn là đặc sản vùng biên giờ rất ít việc, sống lay lắt chờ qua dịch… Bãi biển Trà Cổ nổi tiếng cả nước giờ vắng lặng, hàng quán, khách sạn đều ế ẩm, hỏi ai cũng thở dài....

Mưu sinh mùa dịch

Đầu tháng 5/2021, khi đợt dịch thứ tư bùng phát, tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng dừng nhiều hoạt động như vận tải liên tỉnh, đóng cửa quán ăn, vũ trường, karaoke… Không thể không dùng biện pháp mạnh để phòng dịch bởi Quảng Ninh là địa bàn cực kỳ phức tạp.

Biên giới dài, dân tứ xứ đến làm ăn, mục tiêu duy nhất vẫn là bảo vệ nhân dân. Đến nay, đã hơn 40 ngày Quảng Ninh không phát hiện được ca nhiễm nào trong cộng đồng. Đó là sự cố gắng rất lớn của chính quyền. Người dân an toàn vô cùng phấn khởi đã và đang ủng hộ chính quyền chống dịch.

Tuy thế, để tồn tại trong mùa dịch, hàng ngàn người dân phải tìm việc để mưu sinh. Hàng ngàn người vẫn ngày ngày ra biển kiếm con ốc, con hà, con sá sùng... để mưu sinh. Từ 6h sáng, hàng trăm người dân các xã Hải Đông, Hải Tiến, Hải Yên đã ra biển. Những ngày thủy triều xuống họ lầm lũi kiếm từng con ốc, con hà. Nhiều người thuê tàu ra rất xa để tìm nguồn hải sản.

Ông Nguyễn Văn Kế (thôn 3 xã Hải Đông) cho biết, hàng ngày cùng vợ thuê thuyền ra bãi triều của xã Vĩnh Thực, cách đó cả chục km để đào sá sùng, giun biển. Mỗi ngày kiếm vài kg cũng bán được 300.000 – 500.000 đồng/ngày. Con nước thủy triều mỗi tháng khoảng 13-14 ngày cũng có tiền để trang trải cuộc sống.

Ông Kế cho biết, ra biển kiếm được sá sùng, giun đất vô cùng vất vả. Trời nắng như đổ lửa, hàng trăm con người phơi giữa bãi triều mênh mông để mưu sinh. Giá bán loại giun này đã giảm đi mà bán cũng khó vì nhiều người đã không còn tiền để mua đồ xa sỉ. Nhiều hôm không bán được, về phải chế biến sạch rồi phơi khô để bảo quản bán dần.

Người dân nhiều năm bỏ ruộng, tuy nhiên sau 2 năm dịch đã cấy hết ruộng bỏ hoang.

Dịch Covid-19 đang thật sự làm thay đổi mảnh đất này. Hàng vạn người dân sống dựa vào các hoạt động xuất nhập khẩu, làm thuê đã phải thay đổi. Anh Vũ Văn Hà, một người dân xã Hải Đông cho biết, người dân các xã khi chưa có dịch, rất nhiều thanh niên, phụ nữ bán hàng thuê, xách hàng thuê… với mức thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng. Người nông dân khi làm thuê có tiền họ bỏ ruộng nay lại quay trở lại chăm chút đồng ruộng bỏ hoang để mong vượt qua thời buổi khó khăn vì dịch bệnh.

Dịch Covid-19 khiến hàng ngàn người mất việc làm đang phải xoay xở mọi cách để duy trì cuộc sống. Người có ruộng cấy lúa, có sức thì lên rừng, xuống biển mong cho qua cơn khó khăn. Với nhiều người, hạnh phúc là còn sống trong thành phố an toàn với dịch bệnh. Và còn sống là còn hy vọng, và ai cũng vẫn hy vọng vào ngày mai tốt lành.

Thành Duy