Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng: Thận trọng từng giây, từng phút
Cùng với tuyến đầu chống dịch, trong khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các y bác sĩ cũng căng mình, chiến đấu từng giây, từng phút để “giành giật sự sống” cho từng bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình trạng nặng.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện cùng BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương để giúp bạn đọc hiểu hơn về công việc của những người “chống lại tử thần”.
PV:Xin bác sĩ chia sẻ về tình hình dịch bệnh và công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thời điểm hiện tại?
BS Thân Mạnh Hùng: Thời điểm hiện tại, chúng tôi đang điều trị cho 60 bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó, gần 30 bệnh nhân phải thở máy và kèm theo hơn 10 bệnh nhân phải lọc máu. Một số bệnh nhân có nền ung thư, bệnh lý nền nặng nên anh em phải làm việc căng thẳng và vất vả hơn rất nhiều.
Những đợt dịch trước, kể cả vào thời điểm cao điểm, khoa Cấp cứu chỉ điều trị khoảng 5-7 bệnh nhân nặng, khối lượng công việc ít hơn rất nhiều so với đợt dịch này. Có những thời điểm bệnh nhân phải cấp cứu kịp thời, chỉ trong vài phút, toàn bộ kíp trực phải tập trung thao tác, chỉ cần sai một thao tác cũng có thể khiến bệnh nhân không thể qua khỏi. Chúng tôi phải tập trung cao độ từng giây, từng phút.
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi nhận trường hợp nhân viên y tế mắc Covid-19, dẫn đến việc cách ly bệnh viện. Bác sĩ có thể chia sẻ về tâm tình của các y bác sĩ trong khoảng thời gian này?
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương: “Ở đây, chúng tôi không có khái niệm thứ, ngày, tháng. Giờ giấc cũng được đong đếm bằng cơn đói, cơn khát nên cũng chẳng cần tới đồng hồ. Với chúng tôi, chỉ có tập trung điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng, cùng họ vượt qua cơn nguy kịch”.
-Thời gian vừa qua, một điều không may mắn là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có trường hợp nhân viên y tế mắc Covid-19. Các y bác sĩ, nhân viên khác thời điểm đó đã trở thành F1 nhưng không được thực hiện cách ly như những trường hợp bình thường. Bản thân những F1 này vẫn phải tiếp tục công tác, điều trị và chăm sóc cho những F0, đây là điều khá đặc biệt.
Đến thời điểm này, chúng tôi, các nhân viên y tế của khoa Cấp cứu đã ở lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được hơn 1 tháng, điều trị và cùng nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng vượt qua cơn nguy kịch. Mỗi lần bệnh nhân qua cơn nguy kịch, chúng tôi lại “thở phào nhẹ nhõm”. Dường như, anh em cũng không còn quan tâm đến khái niệm thời gian, chỉ tập trung vào những tờ bệnh án, những diễn biến của bệnh nhân, thận trọng từng giây, từng phút để có phác đồ điều trị kịp thời đối với từng diễn biến.
Hiện tại, bệnh viện đã chia làm 2 nhóm. Đối với một số đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ, số lượng bệnh nhân có xu hướng giảm nên Bệnh viện đã lên kế hoạch rút bớt lực lượng để thực hiện cách ly, để sớm trở lại với cuộc sống hàng ngày.
Còn đối với một số đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng như khoa Cấp cứu, số bệnh nhân nặng vẫn chưa có hồi kết nên đây sẽ là cuộc chiến trường kỳ. Đến thởi điểm này, tôi đã ở lại bệnh viện 1 tháng, thời điểm đầu năm 2020, tôi đã ở bệnh viện 3 tháng. Vậy nên đây chưa phải là lần xa nhà đi chống dịch lâu nhất đối với tôi.
Cảm xúc của bác sĩ thế nào khi trong số những bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có những người là đồng nghiệp của mình?
-Khi điều trị những ca bệnh này, tôi có cảm xúc rất đặc biệt, khó có thể mô tả hết bằng lời nói. Bản thân tôi đã trực tiếp theo dõi, điều trị 3 trường hợp là y bác sĩ mắc Covid-19 diễn biến nặng. 3 trường hợp này đều phải hỗ trợ thở oxy, đặc biệt 1 bác sĩ phải thực hiện thở máy.
Đối với trường hợp bác sĩ mắc Covid-19 nặng phải thở máy, khi đưa vào bệnh viện, phổi của bác sỹ này đã tổn thương khá nhiều, hiện tượng suy hô hấp ngày càng tăng. Từng ngày, từng giờ, chúng tôi chiến đấu với con virus để cứu đồng nghiệp. Hiện tại, bác sĩ mắc Covid-19 phải thở máy đã được bỏ ống nội khí quản, cai thở máy và dần qua cơn nguy kịch.
Trân trọng cảm ơn ông!