Thu hút FDI không còn dễ dãi
Qua rồi thời trải thảm đỏ đón các dòng vốn FDI một cách “thả phanh”, hiện tại các địa phương đã có sự chọn lọc, chỉ hút những dòng vốn chất lượng cao và không tiếp nhận những dự án FDI chất lượng thấp, không đảm bảo tiến độ, có tác động không tốt tới môi trường.
Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong tháng 5/2021, song song với việc tiếp nhận, cấp phép cho các dự án FDI mới, địa phương này cũng đã mạnh tay thu hồi nhiều dự án FDI không đảm bảo tiến độ. Và tính từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương này đã xử lý, quyết định thu hồi 20 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 210 triệu USD.
Mới đây, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, địa phương này đã thẳng thừng từ chối nhiều dự án FDI do không đáp ứng được các tiêu chí về thu hút đầu tư, bao gồm những dự án có công nghệ lạc hậu, có khả năng gây ô nhiễm môi trường hoặc các dự án đầu tư nhằm tận dụng đất đai, tận dụng lao động giá rẻ...
Không chỉ Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mà nhiều tỉnh, thành phố đã tỏ rõ quan điểm, kiên quyết nói “không” với những dự án có vốn đầu tư nước ngoài kém chất lượng, không đảm bảo được những vấn đề về môi trường, chậm tiến độ... Đơn cử như hồi tháng 9/2020, tỉnh Quảng Nam đã rút giấy phép 3 dự án, đó là Dự án Bãi biển Rồng vốn đăng ký 4,15 tỷ USD, do Công ty Tano Capital LLC và Công ty Global C&D Inc (Mỹ) làm chủ đầu tư; Dự án du lịch sinh thái biển cao cấp Pegasus Fund của nhà đầu tư Mỹ; Dự án Khu du lịch Quê Việt của nhà đầu tư Ca-na-đa. Cũng trong thời gian này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dừng hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển AJ Vietstar (vốn Hàn Quốc) do không đủ năng lực tài chính...
Sự mạnh tay của các địa phương trong việc thu hồi các dự án FDI cho thấy, tư duy trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đã có những thay đổi rõ rệt. Có thể thấy việc trải thảm đỏ hút vốn đầu tư, thu hút tất cả những dòng vốn không cần tính đến chất lượng, đã và đang qua. Đại diện chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã thẳng thắn, kiên quyết khi nhấn mạnh: Sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là với các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song cũng kiên quyết thu hồi, hủy bỏ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án không thực hiện đúng cam kết, quá chậm tiến độ, không có khả năng triển khai.
Có thể nói, thời gian qua, nhiều dự án FDI chất lượng kém, chậm triển khai đã ảnh hưởng không tốt tới môi trường đầu tư ở Việt Nam. Trong khi quỹ đất sạch tại nhiều địa phương đang ngày càng trở nên khan hiếm thì việc các dự án FDI sở hữu một phần diện tích đất nhưng không triển khai đã khiến nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thật sự, cấp bách phải bỏ lỡ cơ hội. Ðây là sự lãng phí lớn về nguồn lực. Không chỉ vậy, tình trạng “treo” của các dự án FDI còn gây khó khăn, bức xúc cho người dân trong diện giải tỏa mặt bằng để thực hiện dự án.
Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành hiện nay, việc Chính phủ kiên định “mục tiêu kép” đã khiến các nhà đầu tư luôn đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, lựa chọn các dự án “sạch”, chất lượng cao chính là tiêu chí hàng đầu trong thu hút FDI. Chính bởi vậy, việc kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án FDI chất lượng kém, chậm triển khai, ảnh hưởng xấu đến môi trường của các địa phương cho thấy, chất lượng dòng vốn FDI ngày càng được nâng lên. Qua rồi thời các địa phương trải thảm đỏ, dễ dãi trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.