Tăng tốc ứng phó biến thể mới
Biến thể Delta vẫn đang là một mối nguy hiểm len lỏi trong cộng đồng chỉ chờ cơ hội để bùng phát. Tại Ấn Độ, mới đây người ta đã phát hiện ra biến thể mang tên Delta plus và nó có thể là một trong những thủ phạm tạo nên làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại nước này thời gian qua.
1. Hãng tin Sputnik của Nga mới đưa ra một thông tin cho biết, bang Maharashtra của Ấn Độ đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là “Delta plus” (B.1.617.2.1), là thể mới của biến thể Delta đã được phát hiện trước đó tại Ấn Độ.
Trả lời phỏng vấn với hãng truyền thông India TV, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu và giáo dục y khoa, TS Lahan cho biết chủng Delta plus được phát hiện ở Navi Mumbai, Palgar và Ratnagiri, trong đó 2/5 trường hợp nhiễm chủng này tại thành phố Ratnagiri không có bất kỳ triệu chứng nào.
Biến thể B.1.617 (Delta) được phát hiện ở Ấn Độ vào ngày 5/10/2020 tại bang Maharashtra - gần đây đã hiện diện ở nhiều quốc gia. Trước đây, 3 biến thể của chủng này đã được phát hiện là B.1.617.1, B.1.617.2 và B.1.617.3, trong khi biến thể mới Delta plus được phân biệt bằng sự hiện diện của đột biến K417N trong protein gai, có thể làm giảm hoạt tính của huyết thanh và kháng thể của những người đã bị bệnh hoặc đã tiêm vaccine Covid-19. Theo ghi nhận của các bác sĩ Ấn Độ, chủng virus này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 3 năm nay tại Châu Âu.
Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban phòng, chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Kwon Deok-cheol cho rằng, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là yếu tố đe dọa nghiêm trọng tới công tác phòng dịch của Hàn Quốc. Giám sát và phân tích về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là một trong những phương án đối phó với đại dịch Covid-19 của Chính phủ Hàn Quốc.
Theo thông tin từ giới chức y tế địa phương, biến thể Delta plus có thể là một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã đạt được tỉ lệ tiêm vaccine thần kỳ với 8,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 chỉ trong ngày 21/6, mức cao nhất từ trước đến nay trong một ngày kể từ khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng từ giữa tháng 1/2021.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, mức tăng đột biến này diễn ra trong ngày đầu tiên Ấn Độ triển khai giai đoạn phổ cập mới vaccine ngừa Covid-19 bắt đầu từ ngày 21/6.
2. Cùng với đó ở Mỹ, giới chuyên gia lo ngại biến chủng Delta đang có nguy cơ đe dọa nước Mỹ khi một số bang chậm tiêm vaccine đang ghi nhận số ca bệnh gia tăng.
Tại Mỹ, một số bang đang thực hiện rất trơn tru chương trình tiêm chủng, hướng tới mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, một số bang đang đối mặt với nguy cơ dịch bùng trở lại do chậm tiêm chủng và sự xuất hiện của biến thể Delta nguy hiểm, chủng gây ra làn sóng lây nhiễm bùng nổ ở Ấn Độ hồi tháng 4.
Sau 500 ngày chìm trong dịch bệnh và 600.000 người đã thiệt mạng tại Mỹ, các chuyên gia cho rằng, vaccine là chìa khóa để nước này có thể mở cửa an toàn trở lại cũng như kiểm soát các chủng nguy hiểm, có khả năng lây lan mạnh hơn, như chủng Delta.
Một nghiên cứu mới nhất do công ty về nghiên cứu gen Helix (Mỹ) thực hiện chỉ ra rằng, chủng Delta đang có xu hướng lây lan rất nhanh ở các hạt có tỷ lệ tiêm vaccine thấp.
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, các bang Missouri, Arkansas và Utah ghi nhận tỷ lệ nhập viện trung bình vì Covid-19 trong 7 ngày đã tăng 30% trong 14 ngày qua. Các ca nhập viện đặc biệt tăng cao với nhóm người trẻ, từ 18-29 tuổi.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, Mỹ còn một chặng đường xa để có thể sớm dập được đại dịch dù họ ít có khả năng sẽ bùng dịch quy mô lớn trong thời gian tới. Tuy nhiên, các ổ dịch trong các cộng đồng nhỏ, đặc biệt là những cộng đồng có tỷ lệ tiêm vaccine thấp là viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra.
Viễn cảnh này khá đáng lo ngại, khi một thống kê của Bloomberg chỉ ra rằng, chưa tới 25% dân số tại ít nhất 482 hạt ở Mỹ, đã tiêm đủ các liều vaccine. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, phương án tốt nhất để ngăn chặn chủng Delta lúc này chính là tiêm chủng và tiêm đủ mũi.
3. Trước thực tế trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, kể cả khi ngày càng nhiều người được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, nhưng lá chắn đó vẫn có thể bị chọc thủng nếu thế giới không có những bước đi tiếp theo.
WHO vẫn lo ngại nguy cơ các biến chủng mới trong tương lai có thể “vô hiệu hóa” vaccine trong khi chính phủ các nước đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng toàn dân với hy vọng đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước đại dịch.
Tại một cuộc họp báo ngày 21/6, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng bộ phận kỹ thuật phụ trách Covid-19 của WHO, cảnh báo, đến một thời điểm nào đó, các vaccine hiện tại có thể không còn tác dụng với “chùm biến chủng” xuất hiện trong tương lai.
Do vậy, chuyên gia của WHO nhấn mạnh, việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 thế hệ mới trong tương lai là điều cần thiết và ngoài ra “chúng ta cần thêm các công cụ khác” để ngăn đại dịch. Bà Van Kerkhove không nêu cụ thể “các công cụ khác” là gì, nhưng dường như đề cập đến các biện pháp phòng dịch lâu nay gồm đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giãn cách xã hội.
Thông thường, virus biến chủng liên tục và chủ yếu theo hướng giảm độc lực, tuy nhiên có những trường hợp virus biến chủng nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn. Hiện WHO đã đưa 4 biến chủng virus SARS-CoV-2 vào diện “đáng lo ngại” gồm biến chủng Delta phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, biến chủng tại Anh, biến chủng tại Nam Phi, biến chủng Brazil. Các biến chủng thuộc nhóm này có thể dễ lây lan hơn, độc lực cao hơn hoặc dễ né vaccine hơn.
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019, đến nay đã khiến gần 180 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, trong đó gần 4 triệu người tử vong. Các nước đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine trong bối cảnh sự xuất hiện của các biến chủng mới cũng khiến các hình mẫu chống dịch trước kia chao đảo. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là thế giới vẫn thiếu trầm trọng nguồn cung vaccine Covid-19, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.