Làm sao để chính sách gia hạn tiền nộp thuế, thuê đất phát huy tối đa hiệu quả?

H.HƯơng 23/06/2021 07:45

Nghị định 52/2021/NĐ-CP (Nghị định 52) gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 được xem là liều thuốc giúp DN “hồi sức” trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Theo ước tính của Bộ Tài chính dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định 52 là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai. Qua đó tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, tư tưởng và niềm tin của cộng đồng.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, Nghị định 52 đúng đắn về mặt pháp lý, tuy nhiên khi triển khai trong thực tế, một số DN vẫn có băn khoăn, chủ yếu do bối cảnh tác động tiêu cực do dịch.

Chẳng hạn, khi cơ quan thuế chấp nhận đề nghị gia hạn không có phản hồi, giả sử sau này DN sai về đối tượng hay nội dung, thì theo nguyên tắc DN tự chịu trách nhiệm, và nếu sai sẽ bị thanh tra và bị truy thu thuế.

Do đó, “đề nghị gia hạn thuế có giá trị pháp lý như thế nào? Nếu được hưởng chính sách này, sau đó cơ quan thuế lại thanh tra, mà có sai sót gì trong việc thực hiện thủ tục và bị nộp phạt thuế, hoặc bị truy thu thuế, thì rất khó khăn cho DN. Điều này cần thật rõ ràng để DN thông tư tưởng”, ông Phan Đức Hiếu nêu ý kiến.

Cũng theo ông Hiếu, về phía DN, cần suy nghĩ thận trọng, kĩ lưỡng về các biện pháp này để xác định khoản thuế nào định giãn, giãn đến bao lâu và phải coi đây là một phần chiến lược kinh doanh của DN.

Riêng đối với cơ quan thuế ở bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ về thuế cần tăng cường hỗ trợ về chuyên môn để giúp DN xác định có đúng đối tượng được giãn, hoãn hay không để giảm thiểu các rủi ro pháp lý sau này chứ không chỉ hỗ trợ các bước hoặc hướng dẫn họ phải liên hệ với ai.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ quan điểm, chính sách hỗ trợ phải quan tâm đến kết quả là đối tượng thụ hưởng phải được hưởng nhiều nhất.

“Đối với Nghị định 52, chúng tôi đề nghị kéo dài thời gian kê khai thêm 6 tháng nữa, tương ứng như vậy thời hạn nộp thuế sẽ kéo dài tương ứng với thời gian kê khai để phát huy hết ý nghĩa hỗ trợ của Chính phủ, của Nhà nước với cộng đồng kinh doanh đang gặp khó khăn”, ông Nam đề xuất ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) khẳng định: Nghị định 52 đã có thiết kế để giãn cách thời hạn thanh toán, không để dồn cục tất cả vào tháng 12. Ví dụ thuế GTGT của tháng 3 sẽ được gia hạn 5 tháng, thì tháng 9 sẽ phải nộp thuế, thuế GTGT tháng 4 thì tháng 10 nộp thuế… chứ không phải tất cả nộp trong tháng 12. Hoặc như tiền thuê đất, nếu tiền thuê đất đợt 1 phải nộp vào NSNN vào ngày 31/5 thì được thiết kế là gia hạn 6 tháng, có nghĩa đến 31/11 mới phải đóng.

Bà Hà cho rằng, Nghị định 52 được thiết kế theo hình thức một giấy đề nghị gia hạn nộp thuế sẽ áp dụng cho nhiều mục đích, như áp dụng cho nhiều loại thuế và nhiều khoản thu khác nhau, nộp 1 kỳ nhưng được áp dụng nhiều kỳ.

Nếu người nộp thuế có hoạt động kinh doanh ở nhiều địa bàn, nhiều địa phương khác nhau, nhưng đều có hoạt động thuộc đối tượng được thụ hưởng này, thì ngành thuế có trách nhiệm trao đổi thông tin, quản lý thuế giữa các địa bàn để các cơ quan thuế cập nhật thông tin và xác định người nộp thuế được gia hạn nộp tiền thuế mà người nộp thuế không phải gửi giấy đề nghị đến nhiều cơ quan thuế khác nhau.

H.HƯơng