Số vụ kiện phòng vệ thương mại tăng: Không đáng lo!

Minh Phương 23/06/2021 07:30

Từ đầu năm đến nay, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đã nhận được không ít yêu cầu điều tra thương mại từ các nước nhập khẩu. Số vụ kiện phòng vệ thương mại có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt cần chủ động về thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Mật ong xuất khẩu lần đầu tiên bị yêu cầu điều tra bán phá giá từ Hoa Kỳ.

Gia tăng các vụ kiện

Kể từ khi hội nhập WTO đến hết năm 2020, đã có 201 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tác động đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch và hàng chục nghìn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019. Trong 5 tháng đầu năm 2021, chúng ta cũng phải đối mặt với 6 vụ việc do phía DN yêu cầu điều tra thương mại.

Đáng chú ý, nếu như trước đây, thép, thủy sản là những ngành hàng dễ bị kiện PVTM quốc tế thì nay nhiều mặt hàng của Việt Nam cũng đã bị thị trường nhập khẩu “soi”.

39 vụ hàng hoá Việt Nam bị kiện PVTM quốc tế trong năm 2020 là một con số cao. Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra PVTM nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2020 với 8 vụ việc, bao gồm 5 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc chống lẩn tránh thuế.

Đơn cử, sản phẩm mật ong chưa từng bị phía nước nhập khẩu đưa ra yêu cầu điều tra PVTM, nhưng hồi tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên mật ong xuất khẩu cũng đã nhận “đơn kiện” từ phía đối tác. Theo đó, tại thị trường Hoa Kỳ, các DN xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam đã nhận được yêu cầu từ phía Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ và Hiệp hội mật ong Sioux điều tra bán phá giá. Hàng hóa bị yêu cầu điều tra là mật ong thô được phân loại theo mã HS 0409.00. Thời kỳ điều tra bán phá giá đề xuất từ 1/10/2020 đến 31/3/2021. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ 1/1/2018.

Không chỉ mật ong, các sản phẩm của Việt Nam lần đầu tiên bị “dính” vào các vụ kiện PVTM còn phải kể đến máy cắt cỏ, lốp xe, giấy bọc thuốc lá và nhiều sản phẩm khác cũng bị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Không đáng lo

Nhận định về thực tế này, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, việc ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam bị các nước điều tra PVTM không phải quá đáng lo, ngược lại nó chỉ càng chứng tỏ hàng hóa của chúng ta ngày càng thâm nhập được sâu rộng vào thị trường quốc tế, gia tăng sức cạnh tranh.

Đơn cử như sản phẩm mật ong của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ hàng chục năm qua. Số liệu thống kê cho biết, năm 2020, Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ khoảng 50,7 nghìn tấn mật ong, với kim ngạch xuất khẩu là 60,4 triệu USD, là quốc gia xuất khẩu mật ong lớn nhất vào thị trường này. Mật ong của chúng ta có chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh, khiến lần đầu tiên sản phẩm này bị điều tra PVTM, cụ thể là kiện chống bán phá giá.

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, năng lực sản xuất của các DN Việt ngày càng nâng lên, có tính cạnh tranh cao khiến cho DN tại nước xuất khẩu khó khăn cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam và họ tìm cách chứng minh thiệt hại để yêu cầu điều tra PVTM.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, khi đàm phán thành lập tổ chức WTO, cũng đã lấy cốt lõi từ PVTM của các nước lớn, do đó, chúng ta không có gì lạ khi thấy nhiều nước sử dụng công cụ này để bảo vệ sản xuất trong nước họ. Các biện pháp PVTM là thực tế phổ biến trên thế giới trong bối cảnh tự do hóa thương mại. Đây là hoạt động bình thường trong nền kinh tế toàn cầu hóa.

Nhiều DN Việt Nam lần đầu tiên bị điều tra đều có tâm trạng lo lắng nhưng đó là thực tế của việc hội nhập sâu. Điều quan trọng là các DN cần có sự chuẩn bị kỹ càng về thông tin, tư liệu để sẵn sàng sử dụng minh chứng cho những cáo buộc từ phía nước bạn rằng sản phẩm của chúng ta không phá giá, không có trợ cấp...

Bộ Công thương cũng cho biết, lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM đánh vào hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Việc cắt giảm thuế quan theo các FTA sẽ khiến quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác được thúc đẩy và gia tăng mạnh mẽ.

Quy mô xuất khẩu tăng trưởng thời gian qua cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn, hàng hóa của ta đã thâm nhập được và giá cả cạnh tranh tại nhiều thị trường. Điều đáng nói là nhận thức của cộng đồng DN Việt Nam về cạnh tranh thương mại đã được nâng cao so với trước đây.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công thương cho biết, nhiều DN đã dần thích nghi và đã có kinh nghiệm xử lý cũng như chuẩn bị chiến lược ứng phó phù hợp đối với mỗi vụ kiện. Không ít DN đã có bộ phận nhân lực về pháp luật chuyên xử lý các vụ kiện về PVTM của nước ngoài, đặc biệt là trong một số ngành xuất khẩu quan trọng như thủy sản, thép, dệt may...

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, phải đối diện với các vụ kiện PVTM cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, tác động đến lợi nhuận chi phí của DN. Bởi vậy, tốt hơn cả là các DN cần luôn cẩn trọng khi xuất khẩu hàng hóa ra thế giới với việc tuân thủ các quy chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như những điều kiện liên quan đến xuất xứ hàng hóa... để tránh thấp nhất nguy cơ “dính” kiện PVTM.

Minh Phương