Hà Nội với chiến lược phát triển văn hóa

Phạm Sỹ 23/06/2021 06:30

Chiến lược phát triển văn hóa được thực hiện theo lộ trình, chuyên nghiệp, hiện đại phát huy lợi thế của Thủ đô Hà Nội - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước. Tuy nhiên để có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, trong tương lai thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, thu hút khách du lịch. Ảnh: Quang Vinh.

Phát triển văn hóa là một trong ba nhiệm vụ chủ yếu được Thành ủy Hà Nội đặt ra trong Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 - 2025.

Từ đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Trong thời gian tới, vấn đề nâng cấp chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó là kế hoạch dài hơi cho chặng đường 5 năm tới.

Những năm qua, Hà Nội đã thực thi chính sách phát triển, thành phố đã tổ chức, phối hợp tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo. Nhiều không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng đem lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế, như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Phố bích họa Phùng Hưng, Phố sách Hà Nội...

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nhận định: Phát triển du lịch văn hóa ở Hà Nội là thế mạnh. Việc chọn lựa những nét văn hóa đặc trưng để quảng bá, cũng như việc quảng bá văn hóa Hà Nội như thế nào là những vấn đề cơ bản cần bàn luận hiện nay để tạo ra hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, một cái nôi của nền văn hóa Việt.

Du lịch văn hóa của Thủ đô Hà Nội cần đặt trên nền tảng kiến trúc cổ, bởi đây là đặc sắc của văn hóa Hà Nội có thể tạo ưu thế trong du lịch. Văn hóa Hà Nội có sự đan xen giữa nhiều di chỉ văn hóa, được trầm tích qua thời gian thể hiện trên cả khía cạnh văn hóa vật thể và phi vật thể, đi vào tiềm thức, ý thức, tâm lý người dân Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn là nơi có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch cộng đồng tại Hà Nội vẫn chưa thật sự phát triển. Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân thì vai trò của công tác quản lý là rất quan trọng.

Năm 2019, thành phố Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO. Sự kiện này đã giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế. Hà Nội phấn đấu đạt được mục tiêu “Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước” trong chiến lược của Chính phủ.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết: Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa, thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, khơi dậy ý chí và khát vọng đổi mới sáng tạo, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Là một nhạc sĩ có nhiều sản phẩm âm nhạc đóng góp cho Hà Nội với các không gian âm nhạc sáng tạo, Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: Hà Nội có nhiều tiềm năng nhưng lại thiếu sản phẩm văn hóa quốc tế hấp dẫn du khách. Để phát triển công nghiệp văn hóa một cách hiệu quả, thành phố nên tận dụng được nguồn lực xã hội hóa và có những chính sách khuyến khích để thu hút sự tham gia sáng tạo của các đơn vị nghệ thuật nhà nước và tư nhân.

Cùng với đó, Hà Nội nên mạnh dạn giao các dự án cho các đơn vị tư nhân có uy tín và năng lực, xây dựng các chế độ quản lý chất lượng, chế độ ngân sách tài chính để các đơn vị ngoài nhà nước được quyền tham gia và sử dụng ngân sách của thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong cho biết: Để có thể thực hiện tốt việc phát triển công nghiệp văn hóa, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ chú trọng vào một số phần việc như: Tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hóa (nhà hát, quảng trường, bảo tàng...); hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp; tạo ra một hệ sinh thái văn hóa sáng tạo bao gồm thị trường văn hóa,…

“Đây là việc làm dài hơi và cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài, vì thế, thành phố đã xây dựng chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô gồm nhiều giai đoạn với những nhiệm vụ cụ thể”- theo ông Phong.

Trước đó, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới, Hà Nội còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam: “Để phát triển công nghiệp văn hoá, Hà Nội cần phải đầu tư, sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị lõi. Để làm được điều đó Hà Nội cần phải có cơ sở hạ tầng tốt với những địa điểm biểu diễn nghệ thuật đặc thù riêng”.

Phạm Sỹ