‘Gió lành Đoan Dương’

T. Linh 24/06/2021 14:00

Để tạo thêm các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, hằng năm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đều tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, phong tục độc đáo của cha ông ta trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã triển khai tổ chức triển lãm trực tuyến “Gió lành Đoan Dương” từ ngày 10/6.

Triển lãm năm nay có nhiều nét mới như: Lần đầu tiên trưng bày, giới thiệu chiếc quạt mang đậm tính chất cung đình có kích thước 2,4 m đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông viết trên quạt năm 1503; một số mẫu quạt dành cho nhà vua, hoàng hậu và các quan được phỏng dựng dựa trên các nguồn tư liệu; những chiếc bùa ngũ sắc được phục hồi dựa theo hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Cộng hòa Pháp) và không gian đầy màu sắc của một cửa hàng thuộc phố Hàng Mụn xưa. Ngoài ra, các phong tục ngày Tết Đoan Ngọ như hái lá thuốc Nam, gội đầu bằng nước lá thơm, lá xông giải cảm…cũng được giới thiệu cùng với những chiếc lá ngải hình con trâu tương ứng năm Tân Sửu.

Triển lãm cũng đưa đến nhiều thông tin bổ ích cho khách tham quan muốn tìm hiểu về Tết Đoan Ngọ. Đoan Ngọ (Đoan Dương) là Tết cổ truyền của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Ngày Tết Đoan Ngọ trong các triều đại phong kiến, trong cung đình và dân gian có những nghi thức và phong tục khác nhau.

Trong cung đình, dưới thời Lê, vua và triều đình long trọng tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và ban yến, ban quạt cho các quan thể hiện quyền uy của bậc thiên tử và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Các nghi thức tế lễ được tổ chức ở Thái Miếu và điện Chí Kính.

Ngày Tết Đoan Ngọ có một nghi lễ đặc biệt là lễ ban quạt. Nhà vua tiến hành ban quạt cho các quan. Trước đó, triều đình giao cho bộ Hộ cấp phát tiền công để chuẩn bị quạt ban trong ngày Tết Đoan Ngọ. Làng Đào Xá thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương xưa (nay là làng Đào Quạt, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) được giao trọng trách làm các loại quạt như quạt ngà voi, quạt đồi mồi… để phục vụ đời sống cung đình, quan lại, quý tộc và quạt bình dân phục vụ đời sống nhân dân.

Quạt sau khi làm xong được đệ tiến vào Văn miếu, Vũ miếu và vua sai ban cho Hoàng thân, Vương thân, quan văn võ đang tại chức, binh doanh các cơ, đội thuộc Bộ. Lễ ban quạt cũng được tổ chức ở bên Phủ Chúa. Ân điển ban quạt của nhà vua còn ý nghĩa sâu sắc là ban “Phúc lành, Sức khỏe, Bình an”.

Ngoài những nét đặc sắc về nghi lễ cung đình, thì trong dân gian, ngày Tết Đoan Ngọ cũng có những phong tục hết sức độc đáo trong đó có tục đeo bùa ngũ sắc. Bùa ngũ sắc (còn gọi là dây trường mệnh, bùa tua bùa túi) được khâu từ các mảnh lụa hoặc the vụn thành hình các loại quả có ở địa phương và buộc chỉ ngũ sắc kết tua để xua đuổi côn trùng chống gió còn là vật trang sức, cầu may mắn, bình an.

Thế kỷ XX, có một con phố nhỏ của Hà Nội chuyên làm những chiếc bùa ngũ sắc vào dịp Tết Đoan Ngọ - đó là phố Hàng Mụn. Đây là một phố của dân nghèo, cuộc sống trông vào buôn bán vặt trong chợ và khâu vá, may thuê cho các cửa hàng thợ may. Cũng vì không có vốn nên những người nghèo khó này đã mua vải vụn các màu của thợ may đem về may mũ, yếm dãi cho trẻ em, thứ mũ múi nhiều màu đính mặt kính nhỏ, họ làm những dây bằng chỉ ngũ sắc đeo các thứ “bùa tua bùa túi”, khánh bằng thiếc.

Sau Cách mạng tháng Tám, phố Hàng Mụn đổi thành phố Hàng Bút. Tên phố Hàng Mụn xưa gắn liền với một phong tục độc đáo ngày Tết Đoan Ngọ đã đi vào ký ức của nhiều người Hà Nội một thời.

T. Linh