Nuôi lươn đồng
Các nông hộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang rất phấn khởi vì nuôi thâm canh lươn đồng theo công nghệ tuần hoàn nước đã giúp họ ổn định sinh kế, vươn lên làm giàu.
Đây là thành tựu nghiên cứu được triển khai vào thực tế của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Cần Thơ.
PGS. TS Phạm Thanh Liêm, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Trường Đại học Cần Thơ, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ, xuất phát từ thực tế các hộ nuôi lươn tại Cần Thơ đang triển khai hai hình thức nuôi, có đất và nuôi không đất với giá thể thực vật hoặc vỉ tre/nylon đều có những giới hạn.
Bởi, đối với mô hình nuôi có đất, con giống thả nuôi có kích thước lớn, thường sử dụng con giống tự nhiên, thức ăn sử dụng là cá tạp hay thức ăn tự chế, mật độ nuôi thấp, lươn ẩn nấp trong bùn nên trở ngại trong việc quản lý thức ăn và sức khỏe lươn nuôi. Trong mô hình nuôi không đất, nếu là lươn giống thu từ tự nhiên thì tăng trưởng và năng suất thấp hơn mô hình nuôi đất. Nhịp thay nước trong cả 2 hình thức nuôi dao động từ 1-1,3 lần/ngày với 100% nước mới.
Cả hai hình thức trên đều cho năng suất nuôi lươn thấp dưới 10 kg/m2. Nếu gia tăng mật độ nuôi thì tỉ lệ thay nước tăng và làm tăng rủi ro dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm.
Từ năm 2018, nhóm nghiên cứu triển khai mô hình nuôi thâm canh lươn đồng theo công nghệ tuần hoàn nước. Đây là mô hình đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trong khi vẫn duy trì chất lượng môi trường và bảo vệ được các nguồn tài nguyên tự nhiên. Điểm mạnh của mô hình là việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật và sinh học, tự làm sạch và tái sử dụng nguồn nước, gia tăng mật độ nuôi lươn tối đa có thể lên đến 600 con/m2 và tăng năng suất lên 25 kg lươn thương phẩm/m2. Năng suất lươn nuôi cũng tăng từ 2,5-4 lần so với mô hình nuôi thông thường; hiệu suất lợi nhuận đạt từ 36,5-60,2%.
Các hộ nuôi lươn theo mô hình mới đảm bảo được quá trình vận hành an toàn, kiểm soát mầm bệnh, sức khỏe và chất lượng sản phẩm lươn nuôi; giảm tối đa tỉ lệ thay nước, tăng sản lượng lươn nuôi; cải thiện và làm gia tăng tốc độ tăng trưởng, chất lượng lươn và hiệu quả sản xuất; cho phép xử lý nước ô nhiễm và giúp kiểm soát quá trình xả thải. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường; hình thành và phát triển công nghệ nuôi tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Thành Tân, Chủ trại nuôi Bình Thủy, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy đã triển khai mô hình nuôi lươn theo hình thức tuần hoàn nước từ năm 2019, trên diện tích thử nghiệm 30m2, gồm 5 bể, mỗi bể 6m2. Bể nuôi được thiết kế kết nối với hệ thống tuần hoàn nước gồm một bể lọc sinh học, một bể lắng chất thải rắn và bể chứa nước. Lưu lượng nước qua bể nuôi được điều chỉnh từ 0,5 – 0,8 lít/phút.
Lươn giống được ươm tạo trong 90 ngày, kích cỡ từ 1,4-3,2 g/con. Thức ăn cho lươn là viên công nghiệp, có hàm lượng đạm 41%. Thay vì phải thay nước hàng ngày như mô hình cũ, ở mô hình tuần hoàn nước từ 2-3 tuần mới thay nước một lần. Điều này giúp nông hộ giảm chi phí nhân công, chi phí nước, cũng như giúp ổn định chất lượng nước bể nuôi, lươn khỏe mạnh và mau lớn hơn. Sau từ 8-9 tháng, lươn thương phẩm có thể đạt tới 400 g/con, nông hộ thu lợi nhuận tăng gấp đôi so với mô hình cũ.