Kỹ thuật nuôi tôm sú luân canh trồng lúa

Quang Thanh 23/06/2021 14:00

Mô hình nuôi tôm sú luân canh với trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu được đánh giá là mô hình canh tác bền vững, đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít rủi ro.

Hiện nay các vùng sản xuất tôm – lúa nằm xen trong các khu nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, hệ thống thủy lợi phục vụ mô hình tôm – lúa chưa đồng bộ, vấn đề quản lý nguồn nước, dịch bệnh chưa chặt chẽ. Người nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi truyền thống, chưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhiều trong canh tác.

Người dân nên bố trí mùa vụ: Từ tháng 1 (Dương Lịch) đến tháng 5, 6 (Dương Lịch) là thời vụ thả nuôi tôm sú chính, tháng 7 (Dương Lịch) tiến hành rửa mặn, tháng 8 đến tháng 11 thì trồng lúa và có thể thả cá bổ sung.

Giữa 2 vụ tôm – lúa nên giữ nước ngập chân ruộng, tránh để chân ruộng bị khô và nứt chân chim có thể dẫn đến hiện tượng xì phèn làm cho mật độ pH thấp.

Xây dựng ruộng: Mỗi ruộng nuôi phải có bờ và mương bao xung quanh, đỉnh bờ cao hơn mực nước lũ trong năm ít nhất 0,5 m trở lên; mương bao rộng từ 3 – 4 m phải nện thật chặt nền để tránh rò rỉ , sâu từ 1 – 1,2 m. Ngoài ra mỗi ruộng nuôi nên có ao lắng nước diện tích bằng 20 – 30% diện tích nuôi. Phải có cống để cấp thoát nước . Đối với vùng đất phèn nên tránh việc đắp lớp nước phèn lên mặt bờ mương. Nên làm một bờ phụ trên bờ kinh để ngắn nước mưa cuốn phèn từ bờ xuống ao. Vét bùn đối với ruộng đã nuôi nhiều vụ. Còn ruộng mới đào ao nên ngâm nước 2 -3 ngày rồi bỏ, lặp lại ít nhất 2- 3 lần. Loại bỏ bớt gốc rạ, trục hoặc xới trên mặt ruộng nhằm loại bỏ khí độc và làm tăng dinh dưỡng cho ruộng nuôi. Phơi khô mặt ruộng, nhưng tránh khô nứt.

Chọn và thả tôm giống: Quan sát thấy tôm sú giống tỏ ra linh hoạt, khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sáng,râu chụm lại , đuôi xòe khi bơi lội, phản xạ nhanh nhẹn, phân bổ đều trong bể nuôi, hình dáng thon dài, ruột đầy thức ăn (màu nâu dọc theo lưng ,khả năng bắt mồi tốt), tỉ lệ tòe đầu nhỏ hơn 10%. Kiểm tra khả năng thích nghi trong môi trường thay đổi nồng độ mặn bằng cách thả một ít tôm giống vào nước đã giảm một nửa độ mặn thông thường. Sau 1-2 giờ nếu thấy số tôm giống bị “sốc” chết chỉ chiếm từ 0 – 10% (tốt), 11-35% (khá), trên 35% là tôm giống không tốt.

Nên chọn mua ở các trang trại có uy tín và giống đã thông qua kiểm dịch. Trước khi thả tôm ít nhất 1 ngày kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chình cho phù hợp. Có thể thả vào ao ương thuần dưỡng 15 – 20 ngày rồi mới thả ra ao nuôi. Trong điều kiện ruộng nuôi chuẩn bị tốt thì có thể thả trực tiếp tôm vào ruộng. Thời điểm thả: 6- 7h sáng hoặc 5 – 6 h chiều, không thả giống lúc trời sắp mưa, đang mưa. Mật độ thả: 7 – 10 con/m2. Nếu ruộng có cá tạp, nên thuốc cá trước khi thả tôm giống. Kiểm tra độ mặn trước khi thả giống tránh chênh lệch độ mặn quá 4%.

Thức ăn cho tôm sú: Trong mô hình nuôi tôm luân canh với trồng lúa, thức ăn tự nhiên chiếm một phần quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng cho tôm sinh trưởng do vậy trong tháng đầu của chu kỳ nuôi cần định kỳ 10 -15 ngày bón phân cho ruộng để duy trì màu nước tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

Quang Thanh