Sứ giả trẻ lan tỏa văn hóa Việt
Họ là những gương mặt còn khá trẻ, đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, nhưng đều có chung một khát vọng đưa các giá trị đặc trưng, đặc sắc của văn hóa Việt lan tỏa, hòa nhập với thế giới.
1. Trong số những nghệ sĩ trẻ được nhiều người nhắc tới với những hoạt động âm nhạc đều đặn có nghệ sĩ opera trẻ Ninh Đức Hoàng Long.
Sinh năm 1991 quê ở Ninh Bình, Hoàng Long sang Hungary tháng 10/2013. Một năm sau đó, anh vừa học về văn hóa, ngôn ngữ, các môn ngành xã hội tiếng Hungary vừa tham gia khóa học dự bị để thi đầu vào Học viện Âm nhạc Liszt. Sau gần 4 năm, tháng 7/2017, Long hoàn thành khóa học đại học và tiếp tục theo học hệ thạc sĩ Opera.
Hoàng Long cho biết, anh vừa tốt nghiệp Thạc sĩ, hiện làm việc ở Nhà hát Opera Hungary. Nhưng ngay từ khi còn đang học, Hoàng Long đã có nhiều dịp cọ xát, trưng trổ tài năng của mình qua các cuộc thi, các cuộc biểu diễn, trình diễn, giao lưu văn hóa. Anh từng đoạt giải nhất các cuộc thi: Thanh nhạc quốc tế Simandy Jozsef lần 9 bảng dưới 26 tuổi năm 2016, thanh nhạc quốc tế Simandy Jozsef lần thứ 10 bảng trên 26 tuổi năm 2018, Operett quốc tế Lehar Ferenc năm 2019 tại Slovakia, âm nhạc cổ điển trên truyền hình Hungary Virtuozok do Tổng thống Hungary bảo trợ. Anh là Gương mặt tiêu biểu của Cộng đồng Việt Nam tại Hungary; đạt giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2016 và năm 2020.
Theo dõi hành trình của Hoàng Long, nhiều người vẫn còn nhắc lại sự kiện: Năm 2014, cộng đồng mạng Hungary “dậy sóng” với clip chàng trai Việt Nam Ninh Đức Hoàng Long mặc áo cờ đỏ sao vàng thể hiện ca khúc “Tổ quốc tôi” (Hazám Hazám) bằng tiếng Hungary đầy cảm xúc của một người xa quê hương. Hai năm sau, Hoàng Long như một nghệ sĩ opera Hungary thực thụ ca vang “Tổ quốc tôi” chinh phục tất cả thành viên ban giám khảo ở cuộc thi Opera quốc tế Simandy Jozsep lần thứ 9.
Từ đó, Ninh Đức Hoàng Long nhận được nhiều lời mời tham gia các vở diễn, giành thêm nhiều giải cao nhất trong các cuộc thi âm nhạc. Ở mùa điễn 2021-2022 tới, Nhà hát Opera quốc gia Hungary có dàn dựng vở “Simon Boccanegra” (Verdi) với sự tham gia của nhiều ca sĩ tài năng như Andrea Rost, Levente Molnár, Alexandru Agache và đặc biệt là huyền thoại Placido Domingo trong vai chính tên vở. Giọng tenor trẻ của Việt Nam Ninh Đức Hoàng Long cũng được tham gia một vai nhỏ trong dàn dựng fullstage đỉnh cao này. Dù không phải vai chính, nhưng đây cũng là một thành tích ấn tượng với một nghệ sĩ Opera xuất thân từ trong nước khi được cùng đứng chung sân khấu với những tên tuổi lẫy lừng như thế.
2. Thuộc thế hệ 8X, Ngô Hồng Quang cũng là cái tên được nhiều người nhắc đến, bởi anh là nghệ sĩ hoạt động khá hiệu quả, để lại nhiều dấu ấn. Trong thời gian sống và làm việc tại Hà Lan, anh đã kết hợp cùng các nghệ sĩ của thế giới để lan tỏa các giá trị âm nhạc dân tộc của nhiều vùng đất của Việt Nam đến với thế giới.
Ngô Hồng Quang được đánh giá là một trong những đại diện cho khái niệm “nghệ sĩ âm nhạc dân tộc hiện đại”. Anh học hỏi từ thế giới phương Tây nhưng không hề chối bỏ quá khứ của mình. Ở Ngô Hồng Quang, tính hiện đại không thay thế truyền thống, mà mang truyền thống đến một tầm cao sống động hơn.
Đam mê sáng tạo cùng với mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến với bạn bè thế giới thông qua lăng kính của riêng mình, kết hợp với những kiến thức được tiếp thu ở Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, nhiều ý kiến cho rằng, Ngô Hồng Quang đã bắc được những cây cầu nhỏ để âm nhạc dân tộc bước vào thế giới với sự tìm tòi sáng tạo đầy khám phá.
Ấn tượng để lại trong lòng công chúng với mỗi sản phẩm của Ngô Hồng Quang là sự thể nghiệm, sáng tạo. Anh kết hợp những nhạc cụ dân tộc để làm nên một hình thức đối thoại Đông - Tây hết sức thú vị. Album “Nam nhi” với những bài hát giao duyên quan họ Bắc Ninh trên nền ngũ tấu dàn dây là ví dụ. Ngô Hồng Quang chia sẻ, sau "Nam nhi", anh kết hợp chất liệu âm nhạc dân tộc trên lời thơ của Phan Lê Hà - Giáo sư Đại học Hololulu, Hawaii.
Đầu năm nay, trong thời gian về Việt Nam vì đại dịch Covid-19 bủa vây, Ngô Hồng Quang ra mắt thêm album và MV “Tình đàn”. Đây là dự án âm nhạc mang dấu ấn thời gian và khoảnh khắc cá nhân rất rõ nét. Theo đó, “Tình đàn” là cuộc trò chuyện giữa âm nhạc dân tộc Việt Nam với đàn Santur của Iran, đàn Ngoni và bộ gõ của Senegal bằng cả hai ngôn ngữ âm nhạc truyền thống thuần túy và âm nhạc dân tộc đương đại. Ngoài những tác phẩm âm nhạc dân gian Việt Nam được trình diễn theo lối nguyên bản với sự hòa âm độc đáo của các nhạc cụ quốc tế, khán thính giả sẽ được thưởng thức những tác phẩm mới mang đậm âm hưởng Việt Nam của Ngô Hồng Quang và hơn thế nữa là cả một tinh thần kết nối, hội nhập văn hóa âm nhạc của cả ba nước bằng sự kết hợp của những khí nhạc mang đậm hồn cốt dân tộc của mỗi nước.
Ngô Hồng Quang nói: Khi bước ra thế giới, tình yêu của tôi với các nhạc cụ dân tộc càng ngày càng mạnh hơn. Lúc đó tôi biết rằng đứng giữa một cái nôi văn hóa âm nhạc đa dạng tôi phải biết mình là ai và có những cái gì và yêu quý nó như thế nào.
Khi ra nước ngoài, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, Ngô Hồng Quang cho rằng, người nghệ sĩ cần xác định mình đến từ đâu, nền tảng của mình là ở đâu. Không có cái riêng thì mình lờ nhờ, làng nhàng, rất khó phát triển.
3. Cách đây ít lâu, chúng tôi có dịp gặp nghệ sĩ trẻ Thùy My ở Hà Nội. Trò chuyện với cô gái 9X này, ít ai ngờ cô lại sinh ra và lớn lên tại thành phố Dresden, CHLB Đức.
Sinh ra trong một gia đình bố mẹ không ai theo nghệ thuật, Thùy My quê gốc Hải Phòng. Bố mẹ qua Đức lập nghiệp và sinh Thùy My bên đó. Tuy nhiên, khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa, Thùy My được cha mẹ dạy nói tiếng Việt, nấu đồ ăn Việt. Vì thế, từ năm 18 tuổi, lên Berlin học, My vẫn giữ thói quen tự nấu đồ ăn Việt Nam.
Thùy My kể, khi mới lên 5 tuổi, cô được bố mẹ cho đi học Piano. Bố mẹ nhận ra khả năng ca hát của con gái. Vậy là, dù mẹ có một chuỗi studio làm đẹp ở CHLB Đức, muốn Thùy My theo học Kinh tế quốc tế để sau này về quản lý, nhưng năng khiếu âm nhạc đã khiến My bước sâu hơn vào việc sáng tác ca khúc. Và con đường âm nhạc dường như đã mở rộng hơn khi Thùy My trở thành nữ nhạc sĩ gốc Việt duy nhất được ký hợp đồng với Công ty âm nhạc lớn nhất thế giới là Universal Music tại Đức. Đáng ngạc nhiên hơn, khi đó, Thùy My mới học năm thứ 2 Đại học.
Với quan niệm: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi được đường xa thì đi đông, Thuỳ My bảo, cô muốn đi đường xa. Khi ở vai trò là nhạc sĩ, ca sĩ và nhà sản xuất của Universal Music tại Đức, Thuỳ My nỗ lực kết nối để đưa các tài năng âm nhạc Việt Nam ra nước ngoài giao lưu, học hỏi, sau đó những tài năng này lại trở về quê hương.
Dù là nữ nhạc sĩ gốc Việt được ký hợp đồng với Công ty âm nhạc lớn nhất thế giới là Universal Music tại Đức, nhưng Thùy My vẫn khiêm tốn tự nhận: “Em chỉ là con cá bé xíu trong một hồ lớn”.
Từ nhìn nhận ấy, Thùy My luôn phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Đến nay, Thùy My đã sáng tác khoảng 300 ca khúc. Trong chuyến về Việt Nam vừa rồi, Thùy My không chỉ sáng tác và biểu diễn ca khúc “Nụ cười”, cô gái 9X này còn tranh thủ quay MV “Purpose” tại Hà Nội. Với Thùy My, đây là một kỷ niệm đáng nhớ. MV sẽ được ra mắt trong thời gian tới, qua đó, những hình ảnh về một Hà Nội trẻ trung, năng động sẽ được lan tỏa với những người Việt ở xa Tổ quốc và khán giả yêu nhạc trên thế giới.
“Âm nhạc không có biên giới, âm nhạc là phi ngôn ngữ, âm nhạc có sức mạnh diệu kì và có sức kết nối mọi người theo cách riêng của nó”- Thùy My nói.