Sự im lặng của Cẩm
Dù sống cuộc đời không dài, thậm chí ngắn ngủi, họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm (1959-2011) để lại dấu ấn của mình trong mỹ thuật Việt. Phong cách hội họa của anh từng ảnh hưởng tới một số họa sĩ lớp sau. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn từng ví, Hoàng Hồng Cẩm là “Cậu Hoàng Bé” của mỹ thuật Việt, với tâm hồn mãi lành sạch như mặt hồ trong, như chồi vẫn biếc và lá vẫn xanh giữa ánh ngày… Năm nay, tròn 10 năm Hoàng Hồng Cẩm đã bỏ lại đĩa màu hội họa đầy biến ảo giữa trần gian…
1. Tôi biết tới họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm bắt đầu bởi những bức tranh minh họa “nhỏ xíu” trên báo. Hồi cuối thập niên 1990 ấy, tôi còn đang là sinh viên năm cuối, cộng tác bài vở với tờ Hà Nội mới cuối tuần do nhà thơ - nhà báo Vương Tâm phụ trách. Tờ báo có chuyên mục “Hà Nội tạp văn” ở trang 5, nhưng thường được “kéo” ra trang nhất, đặt ở góc dưới bên trái. Định dạng cố định của chuyên mục ở trang nhất rất trang trọng, với tít bài và bản minh họa màu cho bài tạp văn đăng số đó. Tất cả được in màu, rất ấn tượng. Tôi thích những minh họa ký tên “Cẩm” bắt đầu như thế.
Giữa nhiều họa sĩ vẽ minh họa cho chuyên mục này hồi đó, tôi thích nét vẽ của Hoàng Hồng Cẩm, cảm nhận những nét duyên dáng tài hoa. Dù anh vẽ “Ngõ nhỏ phố nhỏ” hay vẽ những vẻ đẹp dung dị của miền quê ngoại thành với “Mùa nhót chín”, chỉ thoáng qua, thậm chí che chữ ký đi, vẫn nhận ra đó là Hoàng Hồng Cẩm vẽ. Tôi thích những minh họa ấy đến mức, còn cắt ra để lưu giữ. Sau này, khi ra trường, tôi mới có dịp gặp gỡ họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm. Đó là một lần anh và tôi cùng tới báo Hà Nội mới lấy nhuận bút. Mái tóc cắt ngắn, thoáng vẻ lầm lì ít nói, khiến ai lần đầu tiếp xúc thấy khó gần. Nhưng gặp rồi, thì không hẳn vậy.
Cũng từ đó, tôi có dịp quen anh, và biết anh còn vẽ minh họa cho nhiều tờ báo, trong đó có tạp chí Diễn đàn Văn nghệ. Có lần, ở sân 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), anh tặng tôi tờ tạp chí Âm nhạc - nơi anh công tác, trong đó tôi thấy rất nhiều minh họa của anh. Xem những minh họa đen trắng ở đây, thấy một Hoàng Hồng Cẩm khác. Chỉ có nét và nét, run run, nom rất tình cảm. Trong vai trò họa sĩ trình bày và minh họa, Hoàng Hồng Cẩm đã góp phần tạo nét riêng biệt, sang trọng cho tạp chí Âm nhạc suốt một thời gian dài. Chính Hoàng Hồng Cẩm là người thiết kế logo cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một logo ít nét và mang tính biểu tượng cao, đến nay vẫn là logo chính thức của Hội.
Sau này, quan sát anh trên báo chí, thấy cái tên Hoàng Hồng Cẩm còn gắn bó nhiều trên các ấn phẩm khác nhau. Trong đó có tờ Văn nghệ, Văn nghệ quân đội… Đặc biệt, nhiều số báo Tết của tờ Lao động, những tranh minh họa của Hoàng Hồng Cẩm gợi cho độc giả rất nhiều cảm xúc…
2. Biết anh từ những bức tranh minh họa trên báo chí, rồi mới biết thêm, đó chỉ là mảng việc rất nhỏ của Hoàng Hồng Cẩm. Anh còn vẽ tranh sơn dầu khổ lớn, và ngay từ hồi đó đã được một số nhà sưu tập săn đón.
Đã thích tranh minh họa của Cẩm, đương nhiên, tôi thích những bức tranh sơn dầu của anh. Dù anh vẽ những người thân trong gia đình, khi anh tự họa, hay khi anh vẽ tĩnh vật quanh mình, thì vẫn thấp thoáng đâu đó một nỗi buồn, thoảng nhẹ. Nhưng hòa sắc và nét của Cẩm khiến tôi mê tranh anh. Nhất là những khi anh vẽ trẻ con. Hồn hậu. Ngộ nghĩnh. Và trong veo.
Tranh Cẩm, thường nhìn được lâu, bởi người ta nhận được năng lượng tích cực trong đó, dù có những bức tranh thấp thoáng vẻ tĩnh lặng, u buồn. Cái bản năng có phần “khụng khiệng”, “ngông ngông” của Cẩm ở ngoài đời, có thể thấy qua nét vẽ của anh, nó vượt thoát khỏi những khuôn phép nghiêm ngắn của mỹ thuật một thời…
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn bảo, mỗi bức tranh của Hoàng Hồng Cẩm là một trạng thái của nỗi cô đơn toát ra từ màu, từ hình. Những con người, đa phần là đàn bà, mang vẻ mặt thuần hậu ngơ ngác đến mức lạc thời, lẻ loi trong khoảng không gian chập chờn nửa thực nửa hư, bên cạnh một con gà, con cá hay ngọn đèn. Tuồng như chúng hiện diện để tăng thêm nỗi cô đơn hơn để chia sẻ. Còn họa sĩ Trịnh Tú nhận xét: “Tranh Hoàng Hồng Cẩm lúc nào cũng mênh mang một nỗi buồn ngọt ngào tìm niềm hy vọng… Ngoài đời, Hoàng Hồng Cẩm thích đùa bao nhiêu thì tranh Hoàng Hồng Cẩm trầm tĩnh, yên lặng đến đó. Hoàng Hồng Cẩm là thế, anh ồn ào chốn đông đúc để mọi người biết quý sự bình yên…”.
3. Những ai đã gặp Hoàng Hồng Cẩm, đều nhận ra ở anh một cá tính kỳ lạ. Cá tính ấy có người thấy ngại. Nhưng khi đã gặp, đã thân, đã nhận ra sự cô đơn và trẻ thơ trong con người Hoàng Hồng Cẩm, người ta lại cảm thấy quý anh, thương anh. Cũng bởi thương yêu, quý trọng, bạn bè thân còn gọi anh với nhiều biệt danh: “Cẩm say”, “Cẩm điên”, “Cẩm quan họ”… Riêng chuyện say của anh cũng rất nhiều điều ngỡ như giai thoại. Dù Cẩm không phải là người uống nhiều, nhưng hay uống. Mà những người hay uống thì thường ăn rất ít. Người ngoài nhìn vào cứ như người đó đang tự hành hạ thân xác của mình. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sinh thời từng kể: “Vì mê rượu nên có lần Cẩm đã lỡ việc được giao. Đó là lần Cẩm lỡ hẹn lên ma-két tạp chí Âm nhạc. Trưa liên hoan gì đó ở cơ quan Hội Nhạc sĩ, Cẩm bảo “chiều em làm, xong ngay”. Nhưng rượu đã cuốn mất Cẩm. Và anh say, về tòa soạn nằm dài trên salon…”
Tôi không có nhiều cơ hội uống rượu với anh, nhưng đã có vài lần chứng kiến anh uống rượu. Thứ rượu phổ biến hồi những năm 90 ấy chủ yếu là “cuốc lủi”. Trong những cuộc rượu ấy, người ta thấy Cẩm hát những bài quan họ quê hương, thấy Cẩm chơi ghita, thấy Cẩm vẽ chân dung bè bạn, và thấy Cẩm say… Rượu đã làm cho Hoàng Hồng Cẩm thăng hoa khi chìm vào bảng màu hội họa. Nhưng rượu cũng đã góp phần tước đoạt đi thời gian sống của một “cậu Hoàng Bé” của mỹ thuật Việt. Anh qua đời khi mới 53 tuổi, sau một thời gian đau ốm. Trong phòng vẽ của anh nhiều bức tranh còn dang dở, nhiều bức vẽ chưa kịp ký tên...
4. Họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm tuổi Kỷ Hợi (1959), là con trai út của danh họa Hoàng Lập Ngôn. Trong di cảo để lại, thấy Hoàng Hồng Cẩm có nhiều tâm sự. Ví như: Khi tôi vào học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (chuyên ngành Điêu khắc), có lần họa sĩ Bùi Xuân Phái đến nhà chơi, bác Phái xem những bức tranh sơn dầu đầu tiên của tôi vẽ và khen hai chữ: “Được đấy!”. Đợi bác Phái về, cha tôi mới nói với tôi: “Bác ấy đùa thôi, đừng vội mừng”. Tôi tự hiểu cha tôi muốn dạy tôi một bài học rằng: Không bao giờ được thỏa mãn trong sáng tạo. Cha thường bảo tôi rằng: Con phải vẽ thế nào để người xem thấy bức tranh như đang “nở” ra.
Và đây nữa: Tôi dấn thân vào hội họa và nhận ra rằng, nghệ thuật là con đường riêng của mỗi người. Quan trọng nhất là mình không giống bất kỳ ai. Nghệ thuật không có con đường vòng, nó là con đường thẳng, và nếu anh chấp nhận đi trên con đường ấy, anh phải trả giá.
Tôi cảm giác, Hoàng Hồng Cẩm đã thực thi nghiêm ngặt quan niệm nghệ thuật này. Anh lựa chọn cho mình một con đường riêng. Để rồi anh im lặng. Đúng như nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân từng nói: “Họa sĩ vẽ không phải để nói là để giữ im lặng”. Sự im lặng của Hoàng Hồng Cẩm ngay cả khi anh còn sống, và sau khi anh “về cõi” đến nay vừa tròn 10 năm, nhưng những tác phẩm của anh, vẫn tự thân cất lên ngôn ngữ nghệ thuật riêng.
Khi tôi cầm cọ, tôi luôn mong muốn là, khi xem những bức tranh mình vẽ, mọi người sẽ cảm nhận được cuộc sống này thật đẹp, và hãy gác lại muộn phiền để đón nhận những niềm vui đang đến với mình khi mỗi bình minh thức dậy… Nhưng khi đã nhìn thấy ánh dương, thì cũng phải nhận ra sự cô đơn của chính mình!