Cần giải pháp căn cơ
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ra quân tổng kiểm tra nhiều kho hàng tại Hà Nội và một số tỉnh phụ cận, phát hiện nhiều sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái, hàng giả, hàng lậu. Lực lượng chức năng đã thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ của nhiều chủ hàng chuyên bán trên mạng.
Dư luận ủng hộ việc cơ quan chức năng tổng kiểm tra, xử lý các chủ hàng chuyên bán hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Song, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là phương pháp giải quyết “đằng ngọn” mà không phải là giải pháp căn cơ để triệt tiêu gian lận thương mại, lừa dối và gây thiệt hại cho khách hàng.
Luồng ý kiến trên không phải là không có cơ sở, khi mà cứ lâu lâu lực lượng chức năng lại “ra quân” rầm rộ, nhưng sau đó mọi sự lại... “nguyễn y vân”. Chẳng khác nào “đánh trống, bỏ dùi”, “bắt cóc bỏ đĩa” thiếu bài bản khiến gian thương sinh ra nhu nhơ, nhờn luật. Mỗi khi có “chiến dịch” truy quét của lực lượng chức năng, họ “nằm yên” nghe ngóng, đợi sau khi lắng xuống lại ngoi ra gây hại cho xã hội.
Giả sử như các gian thương buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng lậu một cách lén lút thì cơ quan chức năng còn có thể lấy lý do là không biết do “lực lượng mỏng”. Nhưng đằng này, họ công khai livestream trên mạng xã hội để bán hàng với hàng chục nghìn lượt người theo dõi, nhưng lại không gặp phải bất cứ trở ngại nào của các cơ quan quản lý.
Một số gian thương không chỉ có các kênh riêng của mình trên các mạng xã hội như facebook, youtube... mà còn ngang nhiên quảng cáo, bán hàng nhái, hàng giả, hàng lậu trên các sàn thương mại điện tử có tiếng. Sự kinh doanh gian dối, phi pháp trên các nền tảng thương mại điện tử của các gian thương hiện nay gần như khó kiểm soát.
Đơn cử, người tiêu dùng tin tưởng đặt mua hàng trên một sàn thương mại điện tử chính thống được pháp luật công nhận, nhưng vẫn phải nhận những sản phẩm kém chất lượng, giả nhãn mác nổi tiếng... với số tiền tương đương với mua sản phẩm “xịn”. Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử lại không có bất cứ trách nhiệm gì với người tiêu dùng.
Đến mua sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử mà khách hàng còn bị lừa, nói gì đến những kênh bán hàng riêng của các gian thương trên mạng xã hội. Chính vì không có ai, cơ quan nào bảo vệ người tiêu dùng nên các gian thương mặc sức tung hoành bá đạo, mặc sức làm mưa làm gió, tha hồ bán hàng nhái, hàng giả, hàng lậu.
Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tiêu dùng đành ngậm bồ hòn làm ngọt khi trót dại mua sản phẩm được quảng cáo ầm ầm trên các nền tảng thương mại điện tử. Họ không biết kêu ai, tới đâu để được giải quyết cái sự ấm ức của mình khi bị các gian thương lừa đảo bán hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nói như vậy sẽ có ý kiến cho rằng thiếu khách quan, bởi đã có Hội bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương)... làm trọng tài để phân xử “phải quấy” cho khách hàng. Song, thực tế hầu hết khách hàng không thể đòi lại tiền, cũng như quyền lợi của mình khi bị gian thương lừa. Có khiếu nại thì cũng chỉ là “con kiến mà kiện củ khoai”, “chờ được vạ thì má sưng”.
Dù cho có người đủ kiên trì “theo kiện” đến lúc giành thắng lợi, thì các sàn thương mại điện tử, các gian thương cùng lắm cũng chỉ bị phạt hành chính vài đồng nhẹ hèo, không ăn thua gì so với “lãi ròng” mà họ thu được từ hành vi bất chính. Trong khi đó, để đòi lại được quyền lợi, người tiêu dùng phải “hầu” các cơ quan chức năng hàng tháng.
Việc thiếu chế tài đối với các hành vi gian lận thương mại, lừa dối khách hàng khi cố tình bán hàng nhái, hàng giả, hàng lậu... chính là lý do mà các gian thương không biết sợ, ngang nhiên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Có tiền lệ xấu nên người nọ học người kia, vậy là gian thương cứ mọc lên như nấm sau mưa rào tha hồ lừa dối khách hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi mà các hành vi gian lận thương mại, lừa dối khách hàng không bị chế tài mạnh để răn đe, trấn áp, chừng đó sẽ rất khó kiểm soát vấn nạn bán hàng nhái, hàng giả, hàng lậu tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử. Dù lực lượng QLTT, cảnh sát kinh tế có liên tục “ra quân” cũng chỉ làm cho các gian thương “co vòi” tạm thời, rồi sau đó lại vươn vòi bạch tuộc đến mọi ngõ ngách để gây hại.
Vậy nên, đã đến lúc cần có giải pháp căn cơ để không còn ai dám ngang nhiên rao bán các loại hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, cũng như ngoài thị trường thực. Chỉ có vậy mới có thể trấn áp được các hành vi gian dối trong kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.