Mối lo đến từ Delta Plus
Thông tin về biến thể Delta Plus xuất hiện trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang trên đà giảm nhanh tại Ấn Độ. Tuy nhiên, trước sự nguy hiểm của biến thể và những dự báo về làn sóng tiếp theo sẽ sớm xuất hiện khiến Chính phủ Ấn Độ phải tăng cường cảnh giác.
Biến thể đáng quan ngại
Ngày 23/6, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ tuyên bố, biến thể Delta Plus của virus SARS-CoV-2 đã được xếp vào danh mục “biến thể đáng quan ngại” ở nước này.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, biến thể Delta Plus đã được phát hiện trên 22 ca bệnh tại nước này; trong đó 16 ca đang sinh sống tại các quận Ratnagiri và Jalgaon của bang miền Tây Maharashtra. Các trường hợp còn lại được xác định tại bang Kerala và Madhya Pradesh.
Thứ trưởng Y tế Ấn Độ Rajesh Bhushan cho biết, biến thể này đã được xếp vào danh mục “biến thể cần quan tâm”. Nhưngchỉ vài giờ sau đó, Chính phủ Ấn Độ đã nâng cấp mức độ cảnh báo với Delta Plus lên thành “biến thể đáng quan ngại”.
Ngoài Ấn Độ, Delta Plus cũng đã được phát hiện tại 9 quốc gia khác trên thế giới gồm Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Trung Quốc và Nga.
Cảnh báo của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh chủng Delta vẫn đang lây lan ở quốc gia này và đang gây nên thách thức y tế nghiêm trọng cho nhiều nơi khác trên thế giới, khi nó đã lan tới ít nhất 62 quốc gia, vùng lãnh thổ. Delta lần đầu bị phát hiện là ở Ấn Độ vào tháng 10/2020.
Các chuyên gia cảnh báo Delta Plus thậm chí còn có khả năng lây lan mạnh gấp đôi Delta và độc lực mạnh tới nỗi sẽ khiến tỷ lệ nhập viện chữa trị của bệnh nhân Covid-19 cao hơn.
Đây là thông tin đáng lo ngại với Ấn Độ khi họ vừa trải qua tháng 4 và tháng 5 kinh hoàng với những bệnh viện quá tải bệnh nhân, nhà xác, lò hỏa thiêu, nghĩa trang đồng loạt vỡ trận vì số ca bệnh và tử vong quá lớn.
Bộ Y tế Ấn Độ vừa ra khuyến cáo ba bang gồm Maharashtra, Kerala, Madhya Pradesh phải triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn và tăng cường xét nghiệm tầm soát để nắm bắt trước tình huống xấu có liên quan tới biến thể Delta Plus.
3 địa phương này sẽ phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại các quận và khu dân cư nơi đã phát hiện ra biến thể Delta Plus. Ngoài ra, chính quyền trung ương Ấn Độ còn yêu cầu thu thập mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính để tiến hành giải trình tự gen SARS-CoV-2 tại các phòng thí nghiệm được chỉ định của Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG).
Liên quan tới chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của Ấn Độ, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình nước này khẳng định 2 loại vaccine đang được sử dụng là Covishield và Covaxin đều có hiệu quả chống lại biến thế Delta. Tuy nhiên, mức độ kháng lại virus và tỷ lệ kháng thể được tạo ra nhờ vaccine sẽ được công bố trong thời gian tới.
Củng cố thêm, ông Ngụy Thịnh, giáo sư Học viện Y Đồng Tế thuộc Đại học Khoa học kỹ thuật Hoa Trung, Trung Quốc cho biết: “Kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy, các loại vaccine hiện có vẫn có tác dụng đối với biến thể Delta. Đặc biệt là từ kinh nghiệm phòng chống dịch tại Quảng Châu vừa qua, những người tiêm xong các mũi vaccine cho dù mắc Covid-19 biến chủng Delta thì khả năng xuất hiện các diễn biến nghiêm trọng đều thấp hơn người chưa tiêm vaccine. Do đó có thể khẳng định, các loại vaccine mà chúng ta đang sử dụng hiện nay có hiệu quả với biến thể Delta”.
Delta Plus là gì?
Delta Plus - được cho là thế hệ tiếp theo của biến thể Delta, vốn được phát hiện lần đầu tại bang Maharastra, Ấn Độ tháng 10/2020 và giờ đã có mặt tại 80 quốc gia trên thế giới. Biến thể Delta Plus được đặt tên kỹ thuật là B.1.617.2.1 hoặc AY.1, lại được phát hiện đầu tiên ở châu Âu vào tháng 3 năm nay và giờ đang khiến các nhà chức trách Ấn Độ lo lắng.
Delta Plus chia thành ít nhất hai nhóm, gọi là Delta-AY.1 và Delta AY.2, trong đó Delta AY.1 phổ biến hơn.
Cơ quan Y tế Anh coi cả ba biến chủng đều đáng lo ngại, bao gồm Delta gốc phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, cũng như Delta-AY.1 và Delta AY.2. Chúng có thể gây rủi ro cao hơn so với virus gốc, như dễ lây lan hơn, kháng vaccine hoặc giảm miễn dịch ở người đã từng nhiễm Covid-19.
Phát biểu trên trang India Today, nhà virus học Ấn Độ Shahid Jameel cảnh báo rằng biến thể Delta Plus có thể vượt qua lá chắn bảo vệ của vaccine và kháng thể tự nhiên được tạo ra trước đó do nhiễm SARS-CoV-2. Các nhà khoa học còn lo ngại rằng biến thể Delta Plus thậm chí có thể dễ lây truyền hơn so với biến thể Delta.
Còn kết luận ban đầu của Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG) cho rằng, Delta Plus có các đặc điểm như tăng khả năng lây truyền; liên kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng giảm phản ứng kháng thể đơn dòng.
Dù hiện tại, chưa có nhiều bằng chứng khoa học rõ ràng về độ nguy hiểm của Delta Plus, nhưng theo quy luật sinh học, mọi đột biến thành công đều làm cho virus có khả năng sống sót cao hơn. Và nếu Delta Plus là một phiên bản đột biến thành công của biến thể Delta, nó có thể giữ lại tất cả các thuộc tính nguy hiểm của Delta như khả năng lây truyền lớn hơn; bệnh nặng hơn đồng nghĩa tỷ lệ nhập viện nhiều hơn; kháng vaccine tốt hơn và thoát khỏi kháng thể Covid-19 trên người bệnh.
“Biến thể Delta Plus đang khiến nhiều người phải lo ngại sau khi các nhà khoa học tìm thấy nó ở các ca bệnh trong khoảng 1 tuần qua. Tới thời điểm này, số lượng ca mắc vẫn chưa nhiều. Chúng ta vẫn chưa có đủ số lượng mẫu để tiến hành giải trình tự gen và đánh giá độc lực, khả năng lây truyền và mức độ tàn phá của đột biến mới này. Quan sát sự xuất hiện của biến thể này tại các nước khác, ta thấy những tín hiệu rất đáng cảnh báo. Bởi vậy rất nên cảnh báo, chờ đợi và thu thập thêm các mẫu bệnh phẩm phục vụ giải trình tự gen để có thông tin chính xác hơn”, Tiến sỹ Lekha Bhat, làm việc tại Đại học Trung ương bang Tamil Nadu, Ấn Độ cho biết.
Biến thể Delta đang trở thành biến chủng nổi trội ở Mỹ, theo các chuyên gia, cứ 5 ca mắc Covid-19 ở Mỹ thì có 1 ca do nhiễm biến thể Delta. Các nhà theo dõi mô hình dịch tễ cho rằng, biến thể này có thể gây ra sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong nửa cuối năm nay.