Nâng tầm kiểm định chất lượng giáo dục
Bộ GDĐT vừa quyết định cho phép 3 tổ chức kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Như vậy, bên cạnh 7 tổ chức KĐCL giáo dục trong nước, việc có thêm 3 tổ chức KĐCL giáo dục nước ngoài tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong việc đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).
Phong phú tổ chức kiểm định
Cụ thể, các tổ chức KĐCL vừa được Bộ GDĐT cấp phép hoạt động tại Việt Nam gồm FIBAA, AQAS và ASIIN. Thời gian được công nhận và hoạt động tại Việt Nam là 5 năm. Cả 3 tổ chức này đều có trụ sở tại Đức.
Theo đó, FIBAA được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận tại Việt Nam đối với cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH thuộc các lĩnh vực: Pháp luật, Kinh doanh và quản lý, Khoa học xã hội và hành vi. Hiện có 9 chương trình đào tạo bậc ĐH, thạc sĩ của các trường ĐH tại Việt Nam được FIBAA kiểm định, công nhận đạt chuẩn.
ASIIN được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận tại Việt Nam đối với cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
AQAS được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận tại Việt Nam đối với cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH theo quy định của Việt Nam .
Việt Nam hiện có 5 trung tâm kiểm định thuộc các cơ quan nhà nước là: Trung tâm KĐCL giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội; Trung tâm KĐCL giáo dục - ĐH Quốc gia TPHCM; Trung tâm KĐCL giáo dục - ĐH Đà Nẵng; Trung tâm KĐCL giáo dục (ĐH Vinh); Trung tâm KĐCL giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam.
Cùng với đó là 2 trung tâm KĐCL giáo dục tư nhân,gồm: Trung tâm KĐCL giáo dục Sài Gòn (Công ty cổ phần đầu tư giáo dục TPHCM); Trung tâm KĐCL giáo dục Thăng Long (Công ty cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội).
Thúc đẩy cạnh tranh trong kiểm định
Từ lâu, vấn đề đặt ra là làm sao để việc KĐCL với lĩnh vực GDĐH phải đi vào thực chất, tránh hình thức.
Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Tú (Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội), KĐCL giáo dục mang lại những giá trị đích thực của quy trình đào tạo, phản chiếu chất lượng đào tạo ở mỗi một cơ sở. Kết quả kiểm định (đánh giá chính xác hiện trạng là cơ sở để phân tầng năng lực đào tạo, và trả lời cho xã hội biết về chất lượng đào tạo được công khai với cơ quan chức năng quản lý và xã hội. Ðiều đó sẽ thúc đẩy tích cực các cơ sở giáo dục phải tìm nhiều giải pháp, giải bài toán đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục của mình.
Trên thực tế, đối với bậc đào tạo ĐH, việc thực hiện KĐCL hiện cũng đã được Chính phủ đưa ra và có các quy định cụ thể trong các điều luật của Luật GDĐH. KĐCL trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo. Cụ thể một trong những điều kiện để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH được quy định là phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, kết quả kiểm định, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GDĐT cho rằng các trường phải xác định mục tiêu kiểm định không phải là để đạt hay không đạt mà là thông qua hoạt động kiểm định để nhận thức mình còn yếu chỗ nào, từ đó có kế hoạch tổng thể nâng cao chất lượng đào tạo. Ông Khuyến nhấn mạnh: KĐCL là một thủ tục có tính pháp lý nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để các trường nhận ra “điểm nghẽn” của mình. Tất nhiên, để tạo được uy tín, vị thế của mình trong hệ thống GDĐH thì các trường phải làm rất nhiều việc khác, phải phát triển theo xu hướng thúc đẩy chất lượng.
Theo phân tích từ các chuyên gia giáo dục: Việc có thêm 3 tổ chức KĐCL giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là tín hiệu tích cực. Trước hết là tạo thuận lợi cho các trường trong việc lựa chọn tổ chức kiểm định để đánh giá chương trình đào tạo cũng như kiểm định cấp trường. Chi phí cho kiểm định, nhất là kiểm định theo chuẩn quốc tế cũng được cạnh tranh. Ngoài ra, chất lượng kiểm định của các tổ chức kiểm định cũng sẽ được cạnh tranh và nâng lên. Bên cạnh đó, chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho trường lẫn người học. Người học theo học chương trình được kiểm định sẽ được các trường nước ngoài công nhận, khi tiếp tục học cao hơn sẽ không phải học lại một số môn.
Đây là quyết định tích cực của Bộ GDĐT trong bối cảnh hội nhập với giáo dục khu vực cũng như quốc tế. Muốn nói đến chất lượng thì phải có thước đo, tiêu chí đánh giá rõ ràng chứ không thể nói suông.