‘Tổng đài viên ảo’ tham gia chống dịch
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, Bộ Y tế vận dụng tối đa công nghệ thông tin để cập nhật kịp thời dữ liệu sức khỏe của người dân, phát hiện người có triệu chứng nhiễm virus SARS-Cov-2; hỗ trợ chăm sóc người bệnh để phòng lây nhiễm chéo... Trong đó có việc ứng dụng hệ thống Callbot (tổng đài viên ảo), robot call.
Tự động giải quyết vấn đề
Khi dịch Covid-19 xuất hiện những diễn biến phức tạp, cách tiếp cận mới trong phòng chống dịch Covid-19 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính, phòng ngừa là thường xuyên, cơ bản, quyết định. Ba mũi tấn công gồm có: xét nghiệm chủ động, sớm; công nghệ bắt buộc và vaccine.
Trong đó, ứng dụng Bluezone đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất là một trong những công nghệ bắt buộc sử dụng để chủ động tấn công dịch bệnh. Việc người dân cài đặt và sử dụng Bluezone sẽ giúp cho họ có thể kịp thời nhận được cảnh báo và sự hỗ trợ của cơ quan y tế khi có tiếp xúc với ca nhiễm bệnh. Khi mọi người đều tham gia, hệ thống Bluezone sẽ giúp truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly chính xác, ngăn chặn nhanh dịch bệnh.
Tại Bắc Ninh, những ngày qua, hệ thống Callbot (tổng đài viên ảo) đã vận hành hết công suất, gọi cho tất cả các thuê bao tại Bắc Ninh, Bắc Giang chưa cài Bluezone để vận động, hướng dẫn họ cài đặt và sử dụng ứng dụng này nhằm bảo vệ mình và cộng đồng trước dịch Covid-19. Điều đặc biệt thú vị là các “tổng đài viên ảo” có khả năng ghi nhớ và phân tích các vấn đề của người gọi để giải quyết vấn đề đó một cách tự động.
Như vậy, tính đến nay Bắc Ninh có trên 600 nghìn người cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh, chiếm hơn 42% dân số tỉnh, đứng thứ 2 trong 63 tỉnh, thành cả nước; toàn tỉnh có 10.519 cơ sở lập mã QR code từ hệ thống tờ khai y tế để người dân checkin bằng ứng dụng Bluezone.
Sở Y tế tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng hệ thống robot call tự động gọi điện hỏi thăm sức khoẻ và cập nhật thông tin y tế tới người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo đó, các robot call làm việc như những nhân viên y tế, gọi điện tới từng người dân, đặc biệt người dân trong vùng dịch để hỏi thăm về sức khỏe cũng như cập nhật các thông tin y tế. Từ đó phân tích và tự động xuất danh sách đề xuất những ai có triệu chứng bệnh để ngành y tế kịp thời nắm bắt, tổ chức xét nghiệm.
Phần mềm được xây dựng trong 7 ngày
Cùng với robot call thì phần mềm tổng hợp, phân tích, báo cáo tình hình dịch bệnh do các chuyên gia Tổ Công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ phận thường trực Bộ Y tế tại Bắc Ninh đã xây dựng chỉ trong 7 ngày cũng vừa được chuyển giao cho các điểm nóng.
Trước đó, ngay sau khi tới Bắc Ninh hỗ trợ công tác phòng chống dịch, Tổ Công nghệ thông tin và truyền thông đã làm việc với địa phương và nhận thấy trước diễn biến quá nhanh của dịch bệnh, việc báo cáo, tổng hợp số liệu gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng công việc rất lớn, thiếu nhân lực, các biểu mẫu báo cáo chưa được chuẩn hoá; dữ liệu lên đến hàng triệu bản ghi mất rất nhiều thời gian cho công tác tổng hợp, báo cáo; thông tin cung cấp không được chi tiết, nhanh chóng, kịp thời.
Sau khi thực hiện khảo sát, phân tích, chuẩn hoá toàn bộ các biểu mẫu báo cáo, các chuyên gia đã bắt tay vào xây dựng phần mềm báo cáo, phân tích tình hình dịch bệnh. Phần mềm được triển khai tới các quận/huyện, bao gồm các chức năng: báo cáo ca bệnh F0, báo cáo danh sách F1, F2; báo cáo danh sách gửi mẫu xét nghiệm, quản lý kết quả xét nghiệm; báo cáo tình hình tiêm vắcxin. Ngoài ra, phần mềm thu thập các thông tin về cơ sở dữ liệu công nhân, bảo hiểm y tế, nhân lực y tế; khai báo y tế.
Dựa trên các thông tin đầu vào, phần mềm cung cấp các phân tích dữ liệu rất chi tiết, theo nhiều chiều, chuyên sâu về tình hình dịch bệnh, cung cấp cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp bức tranh đầy đủ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, phần mềm được xây dựng trong khoảng thời gian rất ngắn tuy nhiên đã cung cấp đầy đủ, chi tiết thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
“Trong đợt dịch này, rất nhiều các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã được triển khai như phần mềm: Khai báo y tế tự nguyện NCOVI dành cho người dân; Khai báo y tế khi di chuyển bao gồm trong nước và di chuyển nội địa: tokhaiyte.vn (Vietnam Health Decralation); Bluezone phát hiện tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm thông qua Bluetooth của điện thoại thông minh: hiện đã có hơn 37 triệu người dùng; Hệ thống bản đồ chống dịch: An toàn Covid (antoancovid.vn) để các cơ sở đông người trước mắt là trường học, cơ sở khám chữa bệnh khai báo và công bố an toàn Covid hằng ngày… Đặc biệt là triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm Covid-19, robot hỗ trợ chăm sóc người bệnh nhằm giảm tải cho nhân viên y tế trong chăm sóc và phòng bệnh” - PGS.TS Trần Quý Tường cho biết.
Khi người dân gọi vào tổng đài để khai báo các thông tin về tình hình sức khoẻ của bản thân như tiếp xúc với người nghi nhiễm, đi về từ vùng có dịch… ngay lập tức hệ thống robot call cũng sẽ tự động cập nhật thông tin này. Ưu điểm của các robot call là có thể làm việc 24/7, đồng thời tổng hợp và gửi báo cáo tới ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh một cách chính xác và nhanh nhất có thể.