Các hành vi nào bị cấm khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài?

Lan Hương 24/06/2021 13:52

Từ ngày 1/1/2022, sẽ có thêm các hành vi bị cấm khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 đã chính thức được thông qua tháng 11/2020, thay thế cho Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

Hiện nay để từng bước phục hồi dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTB&XH đã đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2021 đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Theo nội dung của luật mới này, đã bổ sung nhiều hành vi bị cấm khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: Phân biệt đối xử trong lao động, cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; Lợi dụng việc tuyển dụng lao động để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động; Áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, ngoài ký quỹ và bảo lãnh; Thu tiền môi giới của người lao động; Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định; Tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật hoặc tự ý chấm dứt hợp đồng không đúng quy định…

Bên cạnh bổ sung thêm các hành vi bị cấm khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Luật mới này cũng đã quy định thêm danh mục các khu vực bị cấm khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gồm: Khu vực đang có dịch bệnh nguy hiểm; Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự; Khu vực đang bị nhiễm xạ; Khu vực bị nhiễm độc.

Cùng với bổ sung quy định mới trên, Luật mới đã bỏ quy định“Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ LĐTB&XHnêu tại Khoản 1, Điều 20 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

Như vậy, từ năm 2022, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ không cần hoàn trả tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ. Từ đó giúp người lao động giảm thiểu chi phí tiền dịch vụ khi đi làm việc ở nước ngoài.

Lan Hương