Quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Trong đó, Bộ đề xuất quy định mới tại Pháp lệnh về mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và thêm đối tượng hưởng chế độ ưu đãi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9/12/2020, thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Thêm đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng đã bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi.
Cụ thể, so với các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh số 04 năm 2012, Điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh) đã bổ sung thêm một số đối tượng người có công với cách mạng gồm:
- Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh (bổ sung thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993).
- Người làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày (trước đây chỉ có người hoạt động cách mạng, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc thuộc đối tượng người có công).
Đồng thời, về đối tượng thân nhân của người có công với cách mạng, khoản 2 Điều 2 Pháp lệnh năm 2005 không quy định rõ gồm những ai. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh năm 2020 đã liệt kê gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con gồm con đẻ và con nuôi, người có công nuôi liệt sĩ.
Trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Một trong những điểm mới của Pháp lệnh này là quy định mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Để nâng cao chất lượng đời sống cho người có công và thân nhân người có công, trong Pháp lệnh 02 đã định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp hằng tháng với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn.
Mức chuẩn hiện hành theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng/tháng. Như vậy, pháp lệnh 02 đã bỏ quy định trợ cấp tuất theo số con liệt sĩ với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà cố định rõ, đảm bảo các bà mẹ Việt Nam Anh hùng sống tốt mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.
Ngoài ra, nếu như pháp lệnh hiện hành nêu rõ: “Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sống ở gia đình được Nhà nước mua bảo hiểm y tế” thì tại pháp lệnh 02 mới đã dành ra Điều 19 quy định chế độ ưu đãi đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Bổ sung trợ cấp cho vợ liệt sĩ tái giá
Hiện nay, khoản 8 Điều 1 Pháp lệnh năm 2012 không đề cập đến chế độ dành cho vợ/chồng liệt sĩ đã lấy chồng/vợ khác. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 20 Nghị định 31/2013/NĐ-CP nêu rõ: “Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng một lần mức chuẩn”. Như vậy, theo quy định này, hiện nay, vợ hoặc chồng liệt sĩ mà lấy chồng hoặc vợ khác thì được hưởng 1.624.000 đồng/tháng.
Thương binh được nhận thêm nhiều quyền lợi
Chế độ ưu đãi dành cho thương binh được nêu tại Điều 24 Pháp lệnh năm 2020, gồm:
- Trợ cấp hằng tháng căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể và loại thương binh (trước đây căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động và loại thương binh).
- Bảo hiểm y tế.
- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên thì được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.
- Ưu tiên, hỗ trợ trong giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể.
- Được hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang bị, thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế với cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh (mới).
- Căn cứ vào thương tật và trình độ nghề nghiệp được tạo điều kiện làm việc trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.
Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng
- Khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.
- Vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
- Lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng để vi phạm pháp luật.