Vẽ minh họa thời 4.0
Không hiểu sao tôi vẫn tin rằng, dù báo chí có phát triển tới mức nào ở thời 4.0 hay công thức báo chí có sự thay đổi từ 5W đến 5I, thậm chí sẽ đến lúc robot viết thay nhà báo, thì những minh họa do các họa sĩ bằng xương bằng thịt vẽ cộng tác với các ấn phẩm báo chí vẫn còn, vẫn được trân trọng và tạo một nét riêng không thể thay thế.
1. Tin là như thế. Là bởi, với giới báo chí ở đâu không rõ lắm, chứ ở Việt Nam, việc họa sĩ vẽ minh họa cho các ấn phẩm báo chí đã định hình khá rõ. Làm nên một bản sắc riêng. Ngược dòng thời gian, lật lại những trang báo xưa, thấy dấu ấn của các tranh minh họa rất rõ nét. Có thể, đó là dấu ấn của những họa sĩ trình bày báo, và rất nhiều minh họa do các họa sĩ tên tuổi từng thời kỳ vẽ cộng tác. Ở cái thời ảnh chụp còn khó khăn, thì dường như mời hay nhờ họa sĩ vẽ minh họa lại có phần dễ dàng hơn?
Ta có thế thấy lại dấu ấn của giới họa sĩ trên hầu hết các ấn phẩm báo chí cho nam - phụ - lão - ấu. Họa sĩ Đỗ Phấn nhớ lại: “Từ sau hòa bình lập lại 1954, cả nước gần như chỉ có ba tờ báo dùng đến tranh minh họa thường xuyên: Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Thiếu niên tiền phong. Những báo khác thảng hoặc có vài minh họa nhưng không đều và cũng không thu hút được sự quan tâm của giới mỹ thuật”.
Họa sĩ Đỗ Phấn kể: Ba tờ báo ấy cũng có những họa sĩ gần như độc quyền của mình. Tạp chí Văn nghệ quân đội với những họa sĩ mặc áo lính từ thời Tây tiến như Văn Đa, Quang Thọ, Nguyễn Nghiêm cho đến Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Vũ Giáng Hương, Ngọc Thọ… Tờ Văn nghệ với những tên tuổi lẫy lừng của hội họa Việt Nam là Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Sĩ Ngọc… Tờ Thiếu niên tiền phong với các ông Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Mai Long, Tạ Lựu, Huy Toàn… Từ thập niên 70 trở đi các tờ báo lần lượt có thêm những họa sĩ minh họa mới. Văn nghệ quân đội có thêm Trương Hạnh, Trương Hiếu, Huy Toàn, Phạm Học Hải, Phạm Ngọc Sĩ, Tiểu Bạch, Đỗ Phấn… Tờ Thiếu niên tiền phong có thêm Tuấn Dũng, Đoàn Thanh, Đặng Thạc… Tờ Văn nghệ cũng có thêm đội ngũ vẽ minh họa hoàn toàn mới với những tên tuổi giờ đã trở thành quen thuộc Thành Chương, Phạm Minh Hải, Đỗ Dũng, Đỗ Phấn, Công Quốc Hà, Hoàng Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu…
“Do công nghệ của hơn một thế kỷ đầu tiên báo chí quốc ngữ không có nhiều thay đổi, tranh minh họa báo chí thời kỳ này còn rất thô sơ, bởi kỹ thuật khắc gỗ của người Việt không đủ để đáp ứng yêu cầu mỹ thuật của báo chí. Họa sĩ buộc lòng phải chọn lối vẽ đơn giản nhất, có thể dễ dàng thực hiện trên ván khắc. Thường thì tranh vẽ chỉ có hai sắc độ đen và trắng. Những họa sĩ chuyên nghiệp đầu tiên của chúng ta đều phải chọn cách vẽ này kể từ các ông Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Đinh Minh… Cách vẽ này còn kéo dài mãi sang những năm cuối cùng của thế kỷ 20 dù rằng lúc ấy đã phổ biến kỹ thuật làm bản kẽm cho tất cả các loại báo chí in trên giấy”, họa sĩ Đỗ Phấn cho biết.
2. Dù chỉ là cộng tác với báo chí, và ít họa sĩ coi việc vẽ minh họa là công việc chính, song dấu ấn của mỗi họa sĩ trên các tranh minh họa khá rõ ràng. Người ta nhìn là nhận ra nét tài hoa của Văn Cao, sự kỹ lưỡng và hoạt bút của Văn Đa… Tương tự như vậy, dấu ấn của họa sĩ Thành Chương thông qua minh họa báo Văn nghệ những năm 80, 90 của thế kỷ 20, thậm chí cả sau này, là rất đậm nét. Và phong cách minh họa mới mẻ, táo bạo của Thành Chương dường như có tác động, hay nói cách khác là “khai đường”, “mở lối” cho một số họa sĩ vẽ minh họa thế hệ sau.
Họa sĩ Thành Chương từng nêu ra quan niệm, mỗi số báo là một cuộc triển lãm. Vì thế, khi nhận lời vẽ minh họa, ông toàn tâm toàn ý và cố gắng “vẽ khác”. Chính quan niệm này, khiến bây giờ, lật lại tuần báo Văn nghệ thấy hàng ngàn tranh minh họa của Thành Chương, đó là một văn bản thứ hai song hành cùng truyện ngắn, thơ, ký của hàng loạt nhà văn tên tuổi.
“Nghề này muốn minh họa hay thì chắc chắn họa sĩ phải vẽ đẹp. Nhưng cũng có rất nhiều họa sĩ vẽ tranh rất đẹp mà minh họa vẫn không hay”, Thành Chương bày tỏ.
Thuộc thế hệ sau, họa sĩ Phạm Hà Hải có hơn 15 năm theo đuổi nghiệp vẽ minh họa cho các báo, tạp chí. Họa sĩ nhớ lại lần đầu tiên anh vẽ minh họa là cho tờ Văn nghệ do họa sĩ Thành Chương mời. Phạm Hà Hải cho biết, anh có niềm đam mê vẽ minh họa, và có ý thức rất rõ trong việc cộng tác với các cơ quan báo chí. Khi đã nhận lời, anh luôn đúng hẹn, bất kể có bận việc cá nhân như thế nào. “Nét và mảng khi vẽ minh họa có những liên hệ trong từng giai đoạn tư duy trong sáng tác. Nếu khi bày cả chuỗi 15 năm tôi đã vẽ minh họa sẽ nhận ra những chuyển biến ở đó” - họa sĩ Phạm Hà Hải bày tỏ, đồng thời cho biết, anh có kế hoạch chọn lọc, trưng bày những tranh minh họa yêu thích nhất vào một thời điểm thích hợp.
3. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, chúng ta chứng kiến sự thay đổi rất mạnh của báo chí truyền thống. Nhiều tờ báo đã phải dừng hoạt động, nhiều tạp chí dừng phát hành báo in. Trong số các tờ báo có mảng văn nghệ cũng ít nhiều biến động, theo đó, các chuyên mục cần đến minh họa của họa sĩ không còn nhiều. Sự phát triển của các thiết bị chụp ảnh và tranh vẽ kỹ thuật số cũng đã khiến vai trò vẽ minh họa của giới họa sĩ ảnh hưởng. Tuy thế, những tờ báo “thuần” văn hóa - văn nghệ vẫn luôn cần sự song hành của các họa sĩ. Đơn cử như báo Văn nghệ, Văn nghệ công an, Thời báo Văn học nghệ thuật, tạp chí Văn nghệ quân đội; hay những tờ báo có ra ấn phẩm cuối tuần, cuối tháng; các tạp chí văn nghệ địa phương, các số chuyên đề văn chương thì “đất” cho tranh minh họa vẫn còn.
Chính vì thế, hiện nay, đội ngũ các họa sĩ vẫn để lại dấu ấn sáng tạo của mình trên các tranh minh họa báo chí. Như họa sĩ Đỗ Phấn, Ngô Xuân Khôi, Phạm Hà Hải, Lê Trí Dũng, Đặng Tiến, Nguyễn Đăng Phú, Vũ Đình Tuấn… vẫn đều đặn xuất hiện và để lại ấn tượng với độc giả…
Dù mỗi người, khi đến với việc vẽ minh họa có mục đích riêng và có quan niệm không hẳn đã trùng khít, nhưng tất cả đều có chung một niềm đam mê. Bằng khả năng của mình, họ đã đồng hành với “văn bản chữ” bằng những bức tranh minh họa, góp phần hấp dẫn độc giả từ cái nhìn đầu tiên, đồng thời tăng tính thẩm mỹ cho các ấn phẩm báo chí. Bên cạnh đó, ở thời kỳ vật liệu sáng tác phong phú, nhiều họa sĩ còn vẽ minh họa bằng các chất liệu tốt, trên các loại giấy khác nhau để có hiệu quả thẩm mỹ khác nhau…
Tuy nhiên, quan sát tranh minh họa khi báo chí bước vào thời 4.0 cũng thấy có dấu hiệu của sự dễ dãi. Một số họa sĩ, ở một số thời điểm cho độc giả cảm giác về việc “vẽ cho xong”. Có họa sĩ giữ phong cách minh họa với một số nét nhất định, lặp lại ở nhiều tác phẩm khác nhau, qua nhiều năm tháng khác nhau. Bên cạnh đó, việc một số nơi một số lúc sử dụng minh họa có phần dễ dãi. Nhiều tranh minh họa chưa thật đúng với nội dung, có khi “bê” nguyên một bức tranh để in kèm tác phẩm văn học, dù màu sắc bắt mắt nhưng chẳng có chút tương quan gì đến nội dung văn bản.
Thời kỹ thuật số, bên cạnh tác động mạnh đến báo chí, thì cũng giúp họa sĩ rất nhiều trong việc vẽ và gửi minh họa. Có họa sĩ vẽ minh họa hoàn toàn trên máy tính. Có họa sĩ thì dùng máy tính để thi triển những kỹ thuật phức tạp, giúp việc vẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, 99% họa sĩ đã không phải “lóc cóc” mang minh họa tới nộp cho tòa soạn báo mà chỉ cần ngồi nhà, bật smartphone chụp lại rồi “ấn nút email”.