Nhà văn DI Li: Chỉ hài lòng khi sống và làm việc điên cuồng
Hoạt động văn học từ những năm đầu 2000, mỗi năm nhà văn Di Li đều xuất bản vài ba tác phẩm. Số lượng là điều khiến nhiều người bất ngờ nhưng quan trọng là ở chất lượng mỗi cuốn sách...
Chưa bao giờ xuất sắc ở trường lớp
Di Li tự nhận xét bản thân chưa bao giờ là “con ngoan, trò giỏi”. Sinh trưởng trong gia đình có bố mẹ đều là trí thức, nữ nhà văn biết đọc từ thuở mẫu giáo. Ở độ tuổi mà người ta bảo “vắt mũi chưa sạch” ấy, người phụ nữ sinh năm 1978 đã háo hức khi nhìn thấy giá sách lớn của bố mẹ. Cầm trên tay những cuốn truyện dành cho thiếu niên lúc mới 4 tuổi, Di Li đọc hết sức hăng say. Bố chị là người đủ tài “cầm kỳ thi họa”, ông sưu tầm vô số tác phẩm chất lượng và kinh điển. Vì thế, trong thư viện gia đình, sách gì cũng có. Lên 9 tuổi, Di Li đã đọc “Chiến tranh và hòa bình” cùng nhiều tiểu thuyết trinh thám, tâm thần học, tâm lý học tội phạm,… đến nỗi bố mẹ phải nghi ngại và ngăn cấm vì họ cho rằng ở lứa tuổi này, đọc các tác phẩm “nặng ký” kia là không phù hợp.
Mâu thuẫn là nữ nhà văn chưa bao giờ đạt điểm cao ở lớp. Di Li từng công khai bảng điểm “học dốt” thời phổ thông để chứng minh điểm số trung bình không dẫn đến một cuộc đời bỏ đi. Không có ý ám chỉ mối liên hệ giữa điểm chác và thành đạt của con người về sau, nhưng bảng điểm của nhà văn cũng đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Di Li bồi hồi nhớ lại: “Hồi trung học, tôi từng hỏi thầy giáo rằng học cái này thì ứng dụng được gì trong cuộc sống. Vì bản thân lúc ấy tự nhủ nếu không thể ứng dụng, chẳng phải kiến thức này là bỏ đi?” Thật vậy, những người theo nghiệp đóng tàu, máy bay mới phải dùng những công thức này, trong khi, toán học ở Việt Nam quá cao siêu khiến nhiều thế hệ trẻ vô cùng áp lực và mệt mỏi vì chuyện bài vở. Toán học ở châu Âu đơn giản hơn, nhưng học đến đâu, có thể ứng dụng trong cuộc sống đến đó.
“Công chúng luôn bắt người khác phải nghĩ giống họ”
Những hiện tượng già trước tuổi, hoặc có niềm đam mê học những gì họ thích khi còn nhỏ có thể hiếm ở Việt Nam nhưng không phải quá hiếm tại các nước phát triển. Và công chúng luôn có xu hướng bắt người khác phải nghĩ giống như họ.
Nhà văn Di Li chia sẻ: “Hồi còn nhỏ, tôi học dốt vì tôi cố tình không học. Bản thân chỉ thích tìm tòi nghiên cứu những thứ mà bản thân thực sự đam mê. Tất cả tư duy và quan điểm sống đều được hình thành từ bé, chỉ là lúc ấy, tôi chưa đủ khả năng lập luận. Nhưng, tôi chắc chắn có đến 80% quan điểm của mình không giống với những người xung quanh”.
Có đầy rẫy những người là học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, thành phố, thậm chí quốc gia nhưng không trở thành nhà văn sau này. Những gì mà hồi đó họ viết ra chỉ để làm hài lòng ban giám khảo, nhưng lối viết ấy đồng thời cũng triệt tiêu sự sáng tạo. Lúc 4 tuổi, Di Li đòi mẹ dạy học, chị không bao giờ ngủ trưa. Hễ cả nhà yên ắng, chị lại lôi sách ra đọc. Lên 5, 6 tuổi, chị bắt đầu học tiếng Anh. Cô giáo dạy vài ba từ “a desk, a book” thì sau vài phút, Di Li đã thuộc lòng nên khi về nhà, không còn từ mới nào nữa, chị bắt đầu cảm thấy khó chịu.
Nữ nhà văn kể: “Tôi cực kì khao khát kiến thức, luôn thích tìm tòi, khám phá và tò mò về mọi thứ xung quanh. Vì bản tính già nua mà tôi cũng chỉ chơi được với những người lớn tuổi, nếu không lớn tuổi thì họ phải thực sự trưởng thành. Như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là một trong những người mà tôi chơi thân. Trước đến giờ, tôi đã quen nghe nhạc tiền chiến, tiếp cận tranh Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân từ rất sớm. Tôi cho rằng sự trưởng thành của một con người chưa hẳn đã tỷ lệ thuận với thời gian như nhiều người suy nghĩ. Có những người đã 50 tuổi nhưng suy nghĩ y hệt cậu bé 13. Trong khi đó, có những người mới 25 nhưng dường như đã sống đến 60 năm cuộc đời.
“Con người giống như vũ trụ, đôi lúc chúng ta không biết phải bắt đầu từ đâu”
Có tác phẩm đầu tay vào năm 2007, tức ở độ tuổi 29, Di Li mới chính thức khuấy động thị trường văn học nước nhà. Chị cũng không phải là người bộc lộ ham mê viết lách từ nhỏ, nhưng như nữ nhà văn chia sẻ: “Cái khám phá bản thân mới điều quan trọng nhất. Mỗi người chúng ta giống như một vũ trụ vậy, quá rộng và đôi lúc không biết phải bắt đầu từ đâu. Hồi trước, tôi không nghĩ bản thân có khả năng gì nhưng bây giờ, tôi tự tin mình có thể gánh vác được rất nhiều thứ. Ai cũng vậy thôi, họ chỉ đang sử dụng khoảng 5% khả năng của mình, 95% còn lại phải tự khám phá thì mới có thể sử dụng”.
Mỗi năm xuất bản vài ba cuốn sách, dạy hàng ngàn giờ đồng hồ, Di Li phải thức khuya dậy sớm và làm việc liên tục. Người ta thường bị áp lực khi phải làm việc quá nhiều, nhưng riêng với chủ nhân của tiểu thuyết “Trại hoa đỏ”, chị lâm vào khủng hoảng tinh thần khi quá thảnh thơi. Nhưng định nghĩa “thảnh thơi” trong cuộc sống của Di Li có lẽ vẫn là guồng quay căng thẳng của không ít người bên ngoài. Chỉ là nhịp độ làm việc của nữ nhà văn trôi chậm hơn so với bình thường.
Thời sinh viên, Di Li trải qua biết bao nhiêu nghề khác nhau, nào là dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, kinh doanh hàng hoa,… trong khi vẫn xoay xở thời gian để học và tốt nghiệp với hai tấm bằng đại học. Chị vừa ra trường thì có biên chế ngay. Gắn bó với sự nghiệp giảng dạy gần hai thập niên, Di Li tự nhận nghề này mang đến cho chị sự tự do mà công việc văn phòng không bao giờ có thể đáp ứng.
Song, bên cạnh nghiệp nhà giáo, Di Li vừa là nhà văn nổi tiếng, MC tài năng và có chuyên môn trong lĩnh vực PR, truyền thông với sự ra đời của tác phẩm “Tôi PR cho PR” khá thành công về mặt doanh số bán hàng. Nhiều lúc tôi gật đầu tự nhủ “người phụ nữ này không phải là một con người bình thường”.
Sống và làm việc đều phải điên cuồng
Thật vậy, trong cuộc sống lẫn công việc, Di Li cứ phải điên cuồng lên mới chịu hài lòng và tận hưởng ngay cả điều nhỏ nhất trong cuộc sống mà nhiều người đã lỡ bỏ qua.
Chị thốt lên với tôi: “Tôi thích những buổi sáng có ánh nắng ban mai chiếu qua cửa sổ, niềm hạnh phúc ấy thực sự khó tả. Đôi khi, nghe một bản nhạc hay đứng trước công trình kiến trúc vĩ đại cũng có thể khiến tôi nổi da gà và ứa nước mắt vì nó quá đẹp! Có những người thấy điều đó rất bình thường, họ không cảm nhận được”. Trong chuyến du lịch là đề tài cho tác phẩm “Bình minh ở Sahara”, Di Li kể lại đôi lúc chị có cảm giác buồn man mác, rồi nữ nhà văn bất giác phát hiện hóa ra bản thân đã quen với việc đi du lịch như trời hành. Trong các chuyến đi mà Di Li trải nghiệm, nhiều người hồ hởi với việc “checkin”, chụp ảnh, hoặc thậm chí thờ ơ với khung cảnh tuyệt đẹp bên ngoài xe. Còn chị lại ngó nghiêng, tập trung quan sát vì sợ rằng mình không còn cơ hội quay lại nơi này hoặc nếu có thể quay lại, chưa chắc đã là đi con đường này và bắt gặp khoảnh khắc y hệt như thế này lần thứ hai.
Với thành công nổi bật như hiện tại, nhiều người cho rằng nhà văn Di Li “đa nhiệm”, tức làm nhiều việc cùng một lúc. Nhưng, thông qua những gì mà nữ nhà văn chia sẻ, đúng hơn là chị có thể làm nhiều việc nhưng luôn luôn tập trung vào duy nhất một việc trong khoảng thời gian đủ để hoàn thành xuất sắc và chỉn chu công việc ấy. Ra nước ngoài du lịch nhiều lần, ngoài nhắn tin hỏi thăm con ở nhà (theo thời gian cố định), chị không nhắn tin, gọi điện, làm việc,… vì đang bận thưởng thức vẻ đẹp cuộc sống. Thậm chí, khi sáng tác, Di Li tắt hết điện thoại để chuyên tâm viết lách. Đối với nữ nhà văn, việc nào ra việc nấy, có thế, sản phẩm mới hoàn hảo như ý muốn của bản thân.
Về sự nghiệp văn chương, Di Li là một nhà văn thành công và gây tiếng vang ở thể loại tiểu thuyết trinh thám. Là người có nền tảng tốt về tâm lý học và năng khiếu thiên về thể loại liên quan đến giám định pháp y, hình sự,… nhưng sau khi hoàn thành tác phẩm, Di Li vẫn thường tìm gặp những người có chuyên môn trong ngành để tham vấn. Chị phải gặp từ hai người trở lên mới yên tâm cho xuất bản tác phẩm. Trong số các tác phẩm của mình, nữ nhà văn dành nhiều tình cảm cho “Câu lạc bộ số 7”, là cuốn sách mà Di Li sáng tác trong 6 năm. Không phải liên tục trong 6 năm nhưng đó là cuốn sách hấp dẫn và khó khăn về đề tài giới tính thứ 4, tà giáo, ấu dâm, ma túy,… tất cả những thứ mà bây giờ người ta đang bàn luận.