Cựu giám đốc CDC Hà Nội: 'Tôi làm việc quên mình'
Cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm phủ nhận được chia phần trăm khi mua máy xét nghiệm Covid-19; cho rằng "đã làm việc quên mình nên bỏ qua các rủi ro dẫn đến sai phạm".
Trong phiên xét hỏi sáng 24/6 tại TAND Cấp cao tại Hà Nội, bị cáo Cảm thừa nhận có vi phạm quy định về đầu thầu mua máy, mong được xem xét các tình tiết giảm nhẹ. Ông hơn 5 lần nói vì nhu cầu cấp bách "chống dịch như chống giặc" nên phải mua sắm máy móc vào thời điểm đó.
Ông Cảm cho hay Covid-19 bùng phát, thế giới công bố là đại dịch nên CDC Hà Nội được Sở Y tế, UBND Hà Nội chỉ đạo phải nhanh chóng sắm thiết bị xét nghiệm vào đầu 2020. Trước thời điểm đó, CDC chỉ làm công tác chuyên môn, chưa có kinh nghiệm về mua sắm, đấu thầu. Thiết bị này trên thị trường khá khan hiếm nên ông phải đi tham khảo về giá và chất lượng ở khắp nơi.
Phủ nhận đã thoả thuận giá để "hưởng chênh lệch", ông nói thực tế còn đứng ra đàm phán để được giá có lợi nhất cho CDC. Cựu giám đốc CDC Hà Nội cho rằng giá 7 tỷ đồng là thấp nhất thị trường, trong khi nhiều đơn vị khác mua "giá cao hơn rất nhiều".
Về quy trình lựa chọn nhà thầu, ông Cảm cho trường hợp này thuộc tình trạng cấp bách, theo Luật Đấu thầu được lựa chọn theo thủ tục chỉ định thầu thông thường hoặc rút gọn. "Chỉ định thầu thông thường sẽ mất thời gian và công sức hơn nhưng khách quan hơn nên bị cáo đã chọn cách này. Dù cấp bách, CDC Hà Nội vẫn thực hiện đầy đủ các bước nhưng không được đúng y xì như quy trình nên dẫn đến sai phạm", ông Cảm nói.
Cuối phần trả lời thẩm vấn, ông Cảm phân trần: "Bị cáo không phạm tội với lỗi cố ý bởi động cơ duy nhất là phục vụ công tác phòng chống dịch. Những người làm chuyên môn ai cũng biết khi loại virus này lây lan nhanh sẽ gây chết rất nhiều người nên bị cáo làm việc quên mình mà bỏ qua các rủi ro. Hơn nữa, bị cáo cũng không được ai nói là sẽ chia chia 15% giá trị máy xét nghiệm Covid-19".
Cũng giống như ông Cảm, bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội, cho hay không có động cơ vụ lợi mà chỉ vì "dịch bệnh cấp bạch nên làm sai quy trình cho kịp tiến độ và đối phó với cấp trên". Lúc đó, Thanh cùng các đồng nghiệp chỉ nghĩ làm thế nào để có được máy xét nghiệm Covid-19 càng sớm càng tốt.
CDC Hà Nội không phân công chức năng mua sắm, đấu thấu cho đơn vị nào nên mới lập ra một hội đồng riêng để mua máy xét nghiệm, đảm bảo khách quan. Sau khi được Sở Y tế phê duyệt kinh phí, nhóm cán bộ CDC bắt đầu công việc mua sắm. "Do cấp bách và bị kiểm tra liên tục, bị cáo đã ký lùi ngày trên hồ sơ đấu thầu cho kịp tiến độ", Thanh khai.
Bốn bị cáo còn lại khi trả lời xét hỏi đều thừa nhận về hành vi và tội danh bị tuyên phạt ở phiên sơ thẩm song mong được giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng trừ bị cáo Cảm bị tuyên ở mức thấp nhất ở khung hình phạt của tội danh là 10 năm tù, các bị cáo còn lại đều được tuyên phạt ở mức dưới khung. Ai cũng xin giảm nhẹ mà lại không đưa ra được các tình tiết mới thì "rất khó để HĐXX xem xét".
Có mặt tại toà với tư các bị hại, đại diện CDC Hà Nội có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho 4 bị cáo là cựu cán bộ của đơn vị này. CDC Hà Nội giải thích các bị cáo không có kinh nghiệm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị. Bối cảnh lúc đó là tình hình dịch bệnh căng thẳng nên cần nhanh chóng có máy xét nghiệm.
Trong phần luận tội, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
VKS cho rằng ông Cảm phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án khi tổ chức đấu thầu theo hình thức chỉ định thông thường để mua máy xét nghiệm Covid-19. Ông trực tiếp thoả thuận và thống nhất về giá máy xét nghiệm trước khi thực hiện các thủ tục chỉ định thầu thông thường, trái quy định.
Cựu giám đốc CDC Hà Nội còn bị cáo buộc tham gia cùng đối tác làm giả mạo hồ sơ thẩm định giá, chỉ đạo cấp dưới đồng nhất hồ sơ chỉ định cho Công ty MST trúng thầu trái quy định pháp luật.
"Hành vi của ông Cảm và các đồng phạm đã vi phạm quy định về chỉ định thầu thông thường, không thực hiện đúng trách nhiệm được giao như trong Luật Đấu thầu. Những người này còn vi phạm quy định về thẩm định giá, cung cấp thông tin không trung thực gây sai lệch kết quả đấu thấu làm thiệt hại cho tài sản nhà nước", VKS quan điểm buộc tội.
VKS cho đánh giá ông Cảm là Phó giáo sư, Tiến sĩ, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Trước phiên phúc thẩm, ông được cơ quan chủ quản và nhiều đồng nghiệp trên khắp cả nước làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên mức án 10 năm tù đã ở mức thấp nhất của khung hình phạt (10-20 năm tù), VKS không có căn cứ xem xét.
Các bị cáo còn lại là cựu cán bộ CDC đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Cảm để giả mạo hồ sơ, hợp thức hồ sơ và quy trình chỉ định thầu gây thiệt hại cho nhà nước.
Trong hai ngày từ 24/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Cảm, Thanh và 4 người khác là Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ và Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành.
Tại phiên sơ thẩm, cùng về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, ông Cảm bị phạt 10 năm tù, Dung 6 năm, Thanh 6 năm 6 tháng, Quỳnh 5 năm và Vinh 6 năm 6 tháng, Duy 6 năm.
Nội dung vụ án thể hiện, lợi dụng tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp, từ tháng 2/2020, các bị cáo dưới sự chủ mưu của ông Cảm đã vì động cơ vụ lợi mà thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm. Ông Cảm trực tiếp bàn với Tuyền, Nhất, Vinh để ấn định giá các thiết bị trong gói thầu số 15 là hơn 9,5 tỷ đồng, trong đó hệ thống máy Realtime PCR tự động của hãng Qiagen (Đức) giá 7 tỷ đồng, bảo hành 36 tháng.
Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu với giá được ấn định, CDC Hà Nội đã tham gia mua bán lòng vòng, ấn định đơn vị trúng thầu trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Cảm còn thông đồng giả mạo hồ sơ, chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục trái quy định để thực hiện sai phạm.
Hành vi trên của các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.