Ninh Bình: Chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm luật đấu thầu?

Nhóm PV 25/06/2021 11:29

Cài cắm tiêu chí “lạ” để hạn chế nhà thầu tham gia, đưa ra tiêu chí chỉ một nhà thầu có thể đáp ứng, phớt lờ các kiến nghị của nhà thầu… là những vi phạm thường thấy trong hoạt động đấu thầu. Những vi phạm này ngày một nhiều, có thể do chế tài chưa đủ mạnh nên không ít chủ đầu tư “nhờn luật”, đặc biệt là ở những dự án có chủ đầu tư cấp huyện trở xuống.

Quy định cho vui?

Theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 2, Điều 92, Luật Đấu thầu số 43/2014/QH13 quy định: “Nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu; Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu”.

Nhưng tại gói thầu số 03: Thi công xây dựng nâng cấp rải bê tông nhựa các tuyến đường trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) giai đoạn 1, nhà thầu tham gia dự thầu gửi đơn kiến nghị 2 tháng không được chủ đầu tư giải quyết khiến nhà thầu phải gửi thư kiến nghị đến các cơ quan báo chí để phản ánh.

Được biết, ngày 30/3/2021, UBND xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình “chủ đầu tư” tiến hành mở thầu qua mạng ĐTQG gói thầu số 03: Thi công xây dựng nâng cấp rải bê tông nhựa các tuyến đường trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Đồng Hướng giai đoạn 1 với hai nhà thầu tham gia là Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô Incoland và Công ty TNHH xây dựng Xuân Quyền.

Ghi nhận tại biên bản mở thầu trên hệ thống ĐTQG, nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô Incoland giảm giá tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 750 triệu đồng, nhà thầu này cũng khẳng định đáp ứng các tiêu chí cơ bản trong E- HSMT của Chủ đầu tư nhưng vẫn bị đánh trượt.

Ngày 28/4/2021 nhà thầu đã gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư nhưng không được giải quyết. Chính sự phớt lờ của chủ đầu tư khiến nhà thầu nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, thiếu minh bạch trong việc lựa chọn nhà thầu tại UBND xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Trong đơn kiến nghị, Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô Incoland đề nghị tới các cơ quan chức năng xem xét lại quá trình đánh giá E-HSDT gói thầu số 03: Thi công xây dựng nâng cấp rải bê tông nhựa các tuyến đường trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Đồng Hướng giai đoạn 1, gói thầu có giá dự toán được duyệt là 12,5 tỷ đồng, được mời thầu từ ngày 19/3/2021 đến 30/3/2021, làm rõ năng lực nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH xây dựng Xuân Quyền trong việc trùng lặp nhân sự và thiết bị cùng lúc tham gia cho nhiều gói thầu...

Nhưng việc kiến nghị chưa được chủ đầu tư xem xét.

Vi phạm luật đấu thầu?

Theo dữ liệu ghi nhận cho thấy nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô Incoland đã trúng 6 gói thầu trong thời gian gần đây.

Đó là, gói thầu thi công xây dựng công trình tại thành phố Hưng Yên với giá trúng thầu 9,8 tỷ đồng; Gói thầu số 5 tại huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương với giá trúng thầu 5,5 tỷ đồng; Gói thầu thi công xây dựng các hạng mục đường giao thông, thoát nước, cấp nước, hào kỹ thuật, điện chiếu sáng do UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư với giá trúng thầu 132,5 tỷ đồng và còn nhiều gói thầu khác......

Nhà thầu Công ty TNHH xây dựng Xuân Quyền có địa chỉ tại đường Thống Nhất, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Quyền, từ năm 2017 trở lại đây nhà thầu đã tham gia 36 gói thầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong đó trúng 32 gói thầu.

Nhà thầu Công ty TNHH xây dựng Xuân Quyền cũng từng bị phản ánh về chất lượng thi công công trình một số dự án, tận dụng gạch non, gạch vỡ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật do mình sản xuất để xây dựng các công trình đã trúng thầu.

Cụ thể, bạn đọc phản ánh tại dãy nhà 2 tầng Trường Tiểu học Yên Thắng, huyện Yên Mô nhà thầu thi công thiếu hầu hết các cổ kết cấu kỹ thuật chịu lực giữa các đầu cột không có sự kết nối, cốt thép hở không có bê tông, sử dụng gạch non vỡ, không tuân thủ quy định an toàn trong xây dựng, không có biện pháp che chắn khi thi công…

Công trình trường học do Xuân Quyền thi công bị phản ánh thiếu chuyên nghiệp, phi kỹ thuật, sử dụng vật liệu không đảm bảo. (Ảnh bạn đọc cung cấp).

Để có thông tin khách quan hơn trước phản ánh của bạn đọc, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Tân Thành Đô Incoland về việc UBND huyện Kim Sơn, UBND xã Đồng Hướng có dấu hiệu thiếu minh bạch trong công tác đấu thầu, không phản hồi đơn kiến nghị khẩn của nhà thầu, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có trao đổi với ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn.

Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Trường chỉ trả lời ngắn gọn “dự án trên thuộc thẩm quyền của xã Đồng Hướng”.

Việc chủ đầu tư phớt lờ sự kiến nghị của nhà thầu trong việc đánh giá E-HSDT có dấu hiệu cố tình loại nhà thầu ngoài để tạo điều kiện cho nhà thầu địa phương trúng thầu, vi phạm vào điểm a, điểm b, khoản 2, Điều 92, Luật Đấu thầu số 43/2014/QH13.

Theo điểm c, điều 92, Luật Đấu thầu số 43/2014/QH13 cũng quy định: “Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản trả lời hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu. Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập; cấp bộ, cơ quan ngang bộ do Bộ trưởng, thứ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập; cấp địa phương do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu ở địa phương thành lập”.

Nếu như chủ đầu tư nào cũng phớt lờ kiến nghị của nhà thầu như UBND xã Đồng Hướng thì chắc chắn nhà thầu lại phải khiếu kiện lên cấp cao hơn. Và nếu cấp cao hơn trả lời thẩm quyền thuộc về cấp dưới như Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn thì không biết các nhà thầu phải đi những đâu…

Có lẽ đã đến lúc cần có những chế tài mạnh hơn nữa với các chủ đầu tư cố tình vi phạm luật đấu thầu.

Nhóm PV