Cứu doanh nghiệp như cứu người

H.Vũ 25/06/2021 07:35

Ngày 24/6, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành phiên họp toàn thể theo hình thức trực tuyến để thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Chính phủ nhìn nhận việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.

Do đó ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine phòng Covid-19 và tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hằng năm. Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch.

Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, trong 6 tháng cuối năm 2021, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp hơn nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn đối với đúng các đối tượng được thụ hưởng. Chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế còn khuyến nghị Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; sớm đưa một số khu công nghiệp đang bị phong tỏa hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, khẩn trương đề xuất, xây dựng, triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân bị ảnh hưởng, trong đó cần làm rõ đối tượng, điều kiện được hỗ trợ, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, dễ tiếp cận hiệu quả, tiết kiệm.

Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, trong lúc này cần quan tâm tới đầu tư công. Bởi sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì đầu tư công là động lực lan toả. Do đó cần quan tâm đến phân bổ, giải ngân để thúc đẩy đầu tư công.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giai đoạn này phải xác định “sống chung với dịch”. Theo ông Cường, trong 6 tháng cuối năm 2021, Chính phủ cần quy định chi tiết về phương châm hành động cho mục tiêu kép, cách ly đúng đối tượng, phong toả hẹp, tránh để mỗi nơi có những quy định riêng dễ dẫn đến “ngăn sông cấm chợ”.

Bên cạnh việc chống dịch, ở góc độ kinh tế, ông Cường nhìn nhận cần quan tâm tới doanh nghiệp cần “cứu trợ doanh nghiệp như cứu người”. Bởi khi họ vượt qua khó khăn, không bị phá sản thì có thể “bắt tay” liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để hình thành chuỗi sản xuất theo mô hình làm ăn kiểu mới để vượt qua khó khăn.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần quan tâm tới xây dựng môi trường kinh doanh mới, đầu tư cho ngành kinh tế, bởi nền kinh tế vững chắc mới có thể “sống chung với Covid”.

H.Vũ