Khách đi xe buýt giảm kỷ lục

Hạnh Nhân 25/06/2021 13:00

Sản lượng hành khách đi xe buýt trợ giá trong tháng 5/2021 chỉ đạt 14,5 triệu lượt người (giảm 37,9% so với sản lượng tháng 4/2021 và giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2020).

Có tuyến chỉ đạt 16,1%

Theo ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội: Nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt đã giảm rất nhiều sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Cụ thể, sản lượng hành khách đi xe buýt trợ giá trong tháng 5/2021 chỉ đạt 14,5 triệu lượt người (giảm 37,9% so với sản lượng tháng 4/2021 và giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, tuyến 52A (Công viên Thống Nhất-Lệ Chi) vắng khách nhất, chỉ đạt 16,1%.

Lý giải nguyên nhân sản lượng hành khách đi xe buýt giảm kỷ lục, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, do tác động của Covid-19 (học sinh, sinh viên nghỉ học, thực hiện giãn cách trong thời gian dịch bệnh bùng phát,...) cùng với việc thực hiện miễn phí đối với người cao tuổi, quý I/2021, sản lượng vé lượt chỉ đạt 53% so với đặt hàng, đấu thầu, giảm 10,7% so với cùng kỳ 2020. Sản lượng vé tháng ước đạt 87,2% kế hoạch, thị phần bán tem vé tháng xe buýt đạt 63% toàn mạng, bằng năm 2020. Tổng doanh thu xe buýt đạt khoảng 52% và giảm khoảng 68 tỷ đồng so với doanh thu dự kiến đặt hàng và đấu thầu.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến các tuyến xe buýt sân bay không trợ giá và xe buýt Citytour tiếp tục có sản lượng và doanh thu giảm sâu so với kế hoạch. Sản lượng chuyến, lượt phải cắt giảm 35-50%, sản lượng hành khách sụt giảm 60-70% so với thời điểm bình thường do hoạt động du lịch từ nước ngoài vẫn đang tạm dừng, khách đi lại đường hàng không, nhất là tuyến bay quốc tế còn hạn chế.

Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách công cộng của Hà Nội, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội (HAPTA) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho DN. Theo đó, Hiệp hội này đề nghị giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; Cho vay mới DN bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị miễn thuế giá trị gia tăng năm 2021; Cho các DN vận tải hành khách công cộng được miễn đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; Miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.

Vẫn đầu tư nghìn tỷ cho xe buýt

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp cùng Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan xem xét đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” do Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) xây dựng.

Theo tờ trình của Transerco, giai đoạn 2020-2025, tổng số tuyến buýt mở mới dự kiến là 90-100 tuyến, trong đó có 10 tuyến buýt phục vụ học sinh, sinh viên, công nhân…, cùng với 126 tuyến buýt năm 2019, nâng tổng số tuyến đến năm 2025 lên 220-230 tuyến. Số tuyến mở mới năm 2020 là 17 tuyến; năm 2021 là từ 30 đến 35 tuyến; các năm tiếp theo mỗi năm mở mới khoảng 9 - 10 tuyến/năm.

Số phương tiện phát triển mới trong giai đoạn này từ 1.600 đến 1.800 xe, nâng tổng số phương tiện hoạt động lên 3.400 - 3.800 xe, trong đó, tỷ lệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch đạt 15-20%. Sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt (gồm buýt thường và BRT) đạt từ 16% đến 18% tổng nhu cầu đi lại của toàn thành phố. Kinh phí trợ giá bình quân hằng năm trong giai đoạn 2020-2025 vào khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng/năm.

Trong giai đoạn 2026-2030, tổng số tuyến mở mới dự kiến từ 60 đến 70 tuyến (12-14 tuyến/năm), nâng tổng số tuyến buýt toàn thành phố lên 280-300 tuyến. Số phương tiện phát triển mới đạt 1.500-1.700 xe, tổng số đoàn phương tiện hoạt động buýt đạt từ 5.000-5.300 xe, trong đó, tỷ lệ phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch đến năm 2030 đạt trên 25%.

Sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt đạt từ 22% đến 25% tổng nhu cầu đi lại của toàn thành phố. Kinh phí trợ giá bình quân hằng năm giai đoạn 2026-2030 vào khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng/năm.

Tại Tổng công ty vận tải Hà Nội, đơn vị chủ lực đang nắm giữ hơn 80% thị phần xe buýt Thủ đô, doanh thu vé lượt tháng 5/2021 chỉ đạt 23% so với kế hoạch và doanh thu của tổng công ty trong 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 115 tỷ đồng, chỉ bằng 50% so với dự toán đấu thầu.

Hạnh Nhân