Hàm lượng đường mà bạn không ngờ đến ở các loại thực phẩm

Lan Anh 26/06/2021 14:30

Một số thực phẩm chứa nhiều đường hơn bạn nghĩ. Việc sử dụng nhiều đường hơn mức cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Sốt salad không béo

Sốt trộn salad không béo có ít chất béo và calo hơn các loại sốt thông thường nhưng loại nước sốt này lại bị tăng lượng đường. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên tự làm nước sốt salad tại nhà để đảm bảo không thêm đường và chất bảo quản.

Bạn có thể làm nước sốt trộn salad tại nhà với các nguyên liệu như dầu ô liu, 2 muỗng giấm, một ít muối và tiêu. Đây đều là những nguyên liệu lành mạnh giúp bạn giảm thiểu hấp thụ đường một cách tối đa.

Ảnh minh họa.

Tương cà chua, sốt cà chua

Mỗi muỗng canh tương cà chua chứa khoảng 4 g đường. Mặc dù được đánh giá là một trong những gia vị phổ biến nhất trên thế giới vì hương vị thơm ngon và tính tiện lợi nhưng hầu hết loại tương cà được bán trên thị trường đều chứa một lượng sirô ngô có đường fructose cao. Thành phần này liên quan đến bệnh béo phì và bệnh tim.

Ảnh minh họa.

Sốt cà chua đóng hộp được cho là thực phẩm lành mạnh vì là sự kết hợp giữa nước và cà chua nguyên chất. Tuy nhiên, để cân bằng độ chua của cà chua, nhà sản xuất phải sử dụng rất nhiều đường. Một hộp sốt cà chua chứa hàm lượng đường khá lớn, bạn nên chú ý lượng nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Bơ đậu phộng

Một số loại bơ đậu phộng công nghiệp chứa nhiều dầu và đường không tốt cho sức khỏe, có thể chứa tới 8 g đường trên mỗi muỗng canh. Vì vậy, tốt nhất bạn nên lựa chọn bơ đậu phộng tự nhiên giúp cung cấp nguồn protein dồi dào, chứa ít đường hoặc không chứa đường, bạn nên đọc kỹ bảng thành phần trước khi mua.

Ảnh minh họa.

Sữa chua và sữa chua ít béo

Sữa chua là một loại thực phẩm chứa rất nhiều đường, một số loại có tới 29 gram đường mỗi khẩu phần, thậm chí nhiều đường hơn cả đồ ăn vặt.

Bạn hãy tìm những thương hiệu có không quá 20 gram đường cho mỗi hộp, tránh các loại có hương vị và chất béo vì chúng có xu hướng có nhiều đường hơn sữa chua thường.

Ảnh minh họa.

Nhiều loại sữa chua ít béo, có hương vị nhưng vẫn chứa chất ngọt không tốt cho sức khỏe như đường sucrose hoặc siro ngô có hàm lượng fructose cao. Nhà sản xuất thường bổ sung một chút đường vào sữa chua ít béo hằm giảm bớt hương vị và độ đặc béo của chất béo.

Các chuyên gia khuyên bạn nên lựa chọn sữa chua nguyên chất và kết hợp với các loại trái cây tươi để tăng hương vị và giảm thiểu lượng đường không đáng có.

Trái cây sấy khô

Trái cây sấy khô được xem là món ăn nhẹ lành mạnh và giàu vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, trái cây sau quá trình sấy khô sẽ được loại bỏ hoàn toàn nước và đường được nén lại. Vì vậy, trái cây khô sẽ có hàm lượng đường tự nhiên rất cao.

Ảnh minh họa.

Nước tăng lực và nước ép trái cây

Một chai nước tăng lực tương đương với 5 muỗng cà phê đường. Nước cam thậm chí còn tệ hơn, chứa tới 10 muỗng cà phê, giống như một lon soda.

Nước tăng lực hay các loại thức uống thể thao thường chứa nhiều natri, glucose để bổ sung năng lượng cho cơ thể sau khi tập luyện, đổ nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra rằng, mỗi chai nước như vậy có thể chứa từ 30 - 34 gr đường, nhiều hơn lượng đường trung bình trong 1 thanh kẹo.

Thực tế, nước ép hoa quả chủ yếu chứa vitamin và khoáng chất đi kèm với một lượng đường lớn, thậm chí chứa rất ít chất xơ. Hơn nữa, để có một cốc nước ép hoa quả bạn sẽ cần phải sử dụng rất nhiều trái cây, đồng nghĩa với việc bạn sẽ nạp nhiều đường từ uống nước ép hơn là lúc ăn chúng. Tốt nhất bạn nên ăn trái cây thay vì ép chúng ra thành nước.

Lan Anh