Hết lòng vì điệu hát trống quân
Người đó là ông Nguyễn Đình Lâu, ở thôn Lau, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm - Hà Nam). Quê hương ông có điệu hát trống quân độc đáo. Song cuộc sống nhiều đổi thay, môn nghệ thuật dân gian truyền thống bị mai một. Ông Lâu đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng, giúp nghệ thuật trống quân Liêm Thuận có thể “sống” trong cuộc sống hôm nay.
Xứng danh ở một vùng văn hóa
Nhiệt tình, cởi mở và luôn hết mình với công việc. Đó là điều tôi cảm nhận được từ ông Nguyễn Đình Lâu. Câu chuyện về việc bảo tồn văn hóa của ông đã giúp tôi hiểu thêm rằng, trong những vùng quê thanh bình vẫn có những tấm gương thầm lặng, làm những việc cao quý.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, tuổi thơ của ông Lâu đã gắn bó với những câu hát trống quân do các bà, các mẹ, từ những nông dân chân lấm, tay bùn thể hiện, nên ngay từ nhỏ đã thuộc các làn điệu hát. Với tình yêu nghệ thuật và sự ham học hỏi, năm 1959 ông Lâu đã được các nghệ nhân trong xã Liêm Thuận, đặc biệt là cụ Nguyễn Văn Xuyên - một người giỏi về hát trống quân ở thôn Sông, xã Liêm Thuận, truyền dạy các bài hát và cách làm, đánh trống quân. Song năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông làm đơn tham gia lực lượng thanh niên xung phong, cùng toàn quân và dân ta chống đế quốc Mỹ.
Ông Lâu nhớ lại: “Năm 1985 sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, tôi trở về quê công tác. Lúc này tôi nhận thấy các làn điệu hát trống quân đã bị mai một, không còn nhiều người biết đến. Trong tôi luôn suy nghĩ rằng nếu không có ai đứng lên sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ sau thì chẳng mấy chốc các làn điệu hát trống quân do cha ông bao đời sáng tác và truyền lại sẽ bị mất và chẳng còn ai biết đến. Muốn để người dân mai sau biết đến thì trước tiên phải đi sưu tầm các bài hát cổ sau đó mới truyền dạy”.
Nghĩ và làm, ông Lâu thu xếp việc nhà, bắt tay vào đi sưu tầm các bài hát cổ từ những nghệ nhân trong thôn, xã. Khi đã thu lượm được một số vốn khá lớn các bài hát Trống quân, ông mạnh dạn đề đạt với lãnh đạo thôn Sông, thôn Chảy, thôn Lau cho phép xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ và là người trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy các bài hát, cách làm và đánh trống cho người dân địa phương. Sau khi được chấp thuận ông đã trực tiếp đến từng nhà động viên các chị, các mẹ, các anh tham gia những buổi sinh hoạt văn nghệ và mọi người tham gia nhiệt tình. Từ làng quê hồn hậu, những buổi sinh hoạt, ngày xuân, ngày hội thôn làng, những điệu hát vang lên.
“Dưới sự hướng dẫn của ông Lâu, hoạt động văn nghệ tại các thôn trong xã đã phát triển và đã xây dựng được những hạt nhân giỏi hát và cách đánh Trống quân làm nòng cốt để phát triển về sau này. Trong suốt những năm tháng qua, hầu hết các chương trình văn hóa, văn nghệ, các buổi lễ do thôn, do xã tổ chức đều có sự đóng góp của các nghệ nhân hát Trống quân do ông Lâu truyền dạy”- ông Nguyễn Sỹ Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Thuận xác nhận.
Tạo nên sức sống
Thật may, năm 2006, Bảo tàng tỉnh Hà Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa về khôi phục và bảo tồn điệu hát trống quân Liêm Thuận. Ông Lâu được mời tuyển chọn nghệ nhân, đồng thời tiếp tục biên soạn, truyền dạy các làn điệu hát trống quân cho nhóm hoạt động văn nghệ.
Được sự cổ vũ của lãnh đạo UBND xã Liêm Thuận, hiểu được tầm quan trọng của các làn điệu hát trống quân đối với đời sống của người dân nơi đây và nhằm bảo tồn các giá trị của các làn điệu hát trống quân cho các thế hệ trẻ mai sau, cũng trong năm 2006 ông Lâu đã mạnh dạn đề xuất và được sự nhất trí của lãnh đạo UBND xã Liên Thuận, thành lập CLB Hát trống quân Liêm Thuận. “Ban đầu CLB có 15 người, nhưng với sự hướng dẫn của tôi, CLB dần hoạt động sôi nổi và đã phát triển ngày càng lớn mạnh và được nhân dân địa phương và các tỉnh bạn lân cận nhiệt tình đón nhận. Từ năm 2007 đến nay chúng tôi đã tham dự liên hoan các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam do Bảo tàng tỉnh Hà Nam tổ chức, được mời tham gia biểu diễn tại các Liên hoan Dân ca và Chèo tại Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Nam; tham gia biểu diễn tại các lễ hội, các sự kiện chính trị tiêu biểu của tỉnh, huyện... Đặc biệt năm 2013 CLB tham dự Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực đồng bằng và trung du bắc bộ và được tặng giấy khen”, ông Lâu chia sẻ.
Chị Phạm Thị Huệ, hiện là Chủ nhiệm CLB Hát trống quân Liêm Thuận chia sẻ: Không dừng lại ở những việc đã làm được, năm 2012, ông Lâu đã báo cáo và được sự chấp thuận của lãnh đạo UBND xã Liêm Thuận, đồng ý viết giáo án “Truyền cảm nét trống quân Liêm Thuận” truyền dạy tại các buổi sinh hoạt của Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên của các thôn trong xã Liêm Thuận. Tiếp sau đó lại đưa chương trình học hát, làm trống và đánh trống quân vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường trung học cơ sở, trường tiểu học và trường mầm non xã Liêm Thuận. Năm 2014 chương trình học ngoại khóa các làn điệu hát trong quân đã được đưa vào giảng dạy tại xã Liêm Thuận.
Với sự nhiệt tình, chịu khó, chịu nghe và nghĩ, tính đến nay ông Lâu đã sưu tầm được gần 300 bài hát cổ trong đó có: 98 bài hát đối đáp giao duyên, 146 bài hát đúm, 18 bài hát địch vận trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp… ngoài ra ông còn tham gia viết sách, báo nhằm tuyên truyền, quảng bá các làn điệu hát trống quân đến nhân dân. Vậy, hát trống quân ở Liêm Thuận có gì khác biệt?
Ông Lâu bảo rằng, do cuộc sống gắn liền với sông nước nên họ có nhu cầu giao tiếp trên mặt nước, sau này sinh nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa sông nước. Từ đó người ta đã đem hát trong quân trên cạn xuống thuyền và trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Hát trống quân ở Liêm Thuận là một làn điệu gần với tiếng nói, thường dùng thể thơ lục bát. Ở câu lục cứ hát hai âm đầu thì thêm âm “thời” và hát hai âm tiếp theo thì thêm âm “i” và hát hai âm cuối cùng kéo dài ra. Ở câu bát: hai âm đầu thêm (thời), hai âm tiếp theo thì thêm (í) và hai âm tiếp theo thêm (i), hát hai âm cuối cùng kéo dài ra và cứ hát hai âm thêm một nhịp phách.
Trong các đám hát, hội hát thì chiếc trống đóng một vai trò quan trọng, nó là một nhạc khí thô sơ nhưng không thể thiếu là nhân tố cầm nhịp cho câu hát. Nhạc cụ dùng đệm hát trống là một cái vò, hay vại sành (một cái chum) một mâm gỗ, hay một miếng tấm ván mỏng, một thanh tre và một sợi dây thừng. Nếu hát trên cạn, các bè hát thường chôn một cái chum xuống lòng đất, trên mặt chum có một miếng gỗ, trên mặt gỗ có một thanh tre dựng đứng làm trụ. Lấy thừng tre vặn buộc vào trụ gỗ rồi kéo ra hai bên theo hình tam giác, sau đó buộc chặt vào cọc. Nếu hát ở trên thuyền, buộc thừng tre vào hai bên mạn thuyền. Khi dùng thanh tre gõ vào hai bên dây thì ở vò, vại sẽ phát ra âm thanh “thì thình thì”. Hai âm này không đanh rắn như tiếng trống chèo, không nhịp hồi giòn giã như trống rước hội xuân mà nó rì rì, âm âm, vang vang từ sợi dây thừng truyền vào khoảng trống của lòng vò, lòng vại, tạo nên nét riêng biệt của vùng đất chiêm trũng Hà Nam.
Là một thương binh với lòng yêu văn hóa dân gian, ông Lâu đã truyền dạy cho hơn 100 học trò và nhiều người tiếp tục truyền dạy cho những người khác nữa. Nhờ sự dìu dắt của ông Lâu, hiện nay CLB Hát trống quân Liêm Thuận đã phát triển và qua đó các làn điệu hát trống quân đã được nhiều du khách biết đến. Điều đáng nói, gần 20 năm qua, ông Lâu đã phải khắc phục những khó khăn của gia đình, sống chung với bệnh ung thư phổi và tích cực vì hoạt động tại địa phương.
Với sự nhiệt thành và công lao đóng góp cho nghệ thuật dân gian truyền thống, năm 2019 ông Lâu đã được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Công lao ấy đã làm rộn lên không khí, phong trào văn hóa trong địa bàn xã. Từ đó cuộc sống lao động sản xuất của người dân cũng được cải thiện nhờ những câu hát kết nối, thắm tình.