Virus, vi khuẩn, vaccine và cuộc rượt đuổi chưa hồi kết

THẾ TUẤN (Tổng hợp) 26/06/2021 09:00

Biến thể B1617 (lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ, nay được Tổ chức Y tế thế giới gọi là biến thể Delta) của virus SARS-CoV-2 đã xâm nhập hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh bật các biến thể khác và tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt.

Vì sao biến thể Delta “lây lan như cháy rừng” và liệu có sự rò rỉ virus từ các phòng thí nghiệm, hay là vaccine có phải là vũ khí lợi hại để chống dịch? Những câu hỏi đại loại như vậy tới nay vẫn khiến người ta đau đầu.

Nói với tờ StraitsTimes, Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh, chuyên gia virus và là Giám đốc điều hành Viện Tin sinh học tại Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore, đã chỉ ra 4 đặc điểm điển hình của biến thể B1617 (biến thể Delta). Vị tiến sĩ này đã sử dụng 1 trong 3 phiên bản của biến thể B1617, đó là phiên bản thứ hai: B16172 để làm rõ điều gì khiến biến thể này khác biệt hẳn. Biến thể B16172 dường như đã át biến thể B16171 ở Singapore và toàn cầu. Phiên bản thứ ba là B16173 hiếm hơn.

Một minh họa cho thấy người mắc Covid-29 rất trông chờ vào ô-xy.

Tại thời điểm này, biến thể B1617 là mạnh nhất

Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh giải thích, virus SARS-CoV-2 vào trong tế bào vật chủ thông qua protein gai trên bề mặt virus. Protein gai này và các thụ thể có hình dạng không gian ba chiều đặc biệt, giúp chúng dính vào nhau. Virus chỉ gắn vào các tế bào có các thụ thể này nhưng từ đó chúng “nhân bản” rất nhanh để lập nên những “đội quân xung kích” tấn công vào phổi con người.

Trong khi đó, theo tờ Global Times, biến thể Delta (xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ) đang hoành hành mạnh đặc biệt ở châu Á, gây ra các làn sóng Covid-19 mới ở nhiều nước như Singapore, Thái Lan, Nepal, Malaysia… Tại Nepal, cơ sở y tế đã tới giới hạn chịu đựng khi mà số ca mắc hàng ngày tăng vọt. Số ca mắc ở Thái Lan cũng tăng mạnh, trong đó 82% số ca mới xuất hiện từ tháng 4.

Với châu Âu, lo ngại Delta, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi xem xét lại kế hoạch mở cửa trở lại vì rất có thể nó sẽ kích hoạt một làn sóng dịch bệnh mới.

B1617 (Delta) là biến thể SARS-CoV-2 mạnh nhất hiện nay nhưng rất có thể sẽ có những biến thể mạnh hơn xuất hiện. Câu hỏi đặt ra là tại sao biến thể này lây lan dễ dàng như vậy và chúng ta có thể chung sống "hòa bình" với nó không?

Bác sĩ Leong Hoe Nam - chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, Singapore cho rằng, ca mắc bệnh viêm phổi lạ đầu tiên, mà nay chúng ta đã quen thuộc với tên gọi là dịch bệnh Covid-19, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo ngày 31/12/2019. Kể từ đó, virus đã tồn tại bằng cách liên tục thích nghi trên vật chủ là con người. Chỉ chưa đầy 12 tháng, virus này đã tạo ra một đột biến mạnh nhất, đó là biến thể B1617 (Delta) lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ và hiện đã được ghi nhận tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Đây cũng là dấu hiệu cho thấy lối rẽ trong câu chuyện của chúng ta: Virus không ngừng biến chủng và vì thế chúng ta phải lên kịch bản cho việc sống chung với nó. Tiếp đó, câu hỏi đặt ra hiện nay là tại sao biến thể B1617 (Delta) có thể dễ dàng lây lan khắp các châu lục như vậy và liệu chúng ta có thể chung sống với nó không?”- bác sĩ Leong Hoe Nam đặt vấn đề.

Các nhà khoa học đã xác định vũ khí chủ yếu của một virus là bộ gene của nó. Nó sử dụng các acid ribonucleic (RNA hay ARN) mạch đơn để di truyền. RNA giúp virus có hàng nghìn cơ hội để biến chủng so với bộ gene của con người, vốn được mã hóa dưới dạng ADN. Một RNA mạch đơn tức là sẽ không có mạch bổ sung nào để kiểm soát những đột biến tình cờ xuất hiện.

Khi virus xâm nhập vào cơ thể con người, nó có nhiều cơ hội để biến chủng. Các nhà khoa học ước tính có từ 1 tỷ - 100 tỷ bản sao của virus chỉ trong cơ thể của 1 người. Đây là một con số khổng lồ, gấp hàng chục lần con số hiện nay của loài người sống trên hành tinh này. Hầu hết các đột biến có thể giúp chúng lây nhiễm dễ dàng hơn và có khả năng sống sót cao hơn.

Vẫn theo bác sĩ Leong Hoe Nam, đột biến trong biến thể B1617 (Delta) gần đây giúp virus SARS-CoV-2 có 3 lợi thế. Thứ nhất, chúng dễ dàng lây lan hơn với tải lượng virus cao hơn, dẫn đến có nhiều phân tử virus tập trung hơn trong mỗi lần một người nào đó ho. Thứ hai, virus có khả năng lây nhiễm cao hơn và có thể gắn vào các thụ thể protein ACE2 thuận lợi hơn. Cuối cùng, virus có thể thoát khỏi hệ miễn dịch dễ dàng hơn. Do vậy, B1617 là biến thể mạnh nhất hiện nay.

Đáng chú ý, theo quy luật, thậm chí nếu biến thể B1617 (Delta) không lây lan nữa, các biến thể khác có thể sẽ biến chủng theo cách thức tương tự dưới sức ép tiến hóa. Điều này được gọi là sự tiến hóa hội tụ, tức là virus từ những chủng khác nhau thích ứng với những đột biến có lợi mà chúng chưa từng gặp.

Vaccine Covid-19 được chuyển đến Singapore.

Vaccine là cứu tinh?

Hầu hết những nhà sản xuất vaccine trên thế giới đều tập trung vào việc phát triển hệ miễn dịch nhằm chống lại protein gai - một phần của virus gắn với các thụ thể trên tế bào con người để tấn công vào bên trong. Virus có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch do vaccine tạo ra bằng cách tạo ra đột biến trong cùng loại protein. Bằng chứng cụ thể được các chuyên gia y tế công bố chính là biến thể Delta đã làm giảm hiệu quả của vaccine mRNA do Pfizer và Moderna điều chế từ 94 - 95% xuống còn 70 - 75%.

Như vậy, có thể thấy trong cuộc chiến này, con người luôn phải “theo đuôi” virus. Chúng rất nhanh biến chủng để “thoát” khỏi vaccine. Tuy rằng, nếu được tiêm vaccine, triệu chứng của bệnh sẽ nhẹ hơn so với những người mắc biến thể mới mà không được tiêm vaccine. Điều đó cũng tức là một dịch bệnh nguy hiểm gây chết người có thể trở thành bệnh cảm lạnh thông thường.

Vì thế, dù bất cập thì vẫn rất rõ ràng là loài người phải cần tới vaccine trong cuộc rượt đuổi chưa có hồi kết này. Người ta cũng nhận thấy rằng, trong số những người được tiêm vaccine, việc lây nhiễm sang người khác sẽ giảm đáng kể. Một tài liệu nghiên cứu từ các bác sĩ Vương quốc Anh ước tính, nguy cơ những người được tiêm vaccine lây nhiễm cho người khác trong gia đình giảm hơn một nửa, tương đương với 54% trong khi khả năng lây nhiễm sang các nhân viên y tế giảm khoảng 92% vào 14 ngày sau khi tiêm mũi thứ hai.

Các dữ liệu cũng cho thấy việc tiêm vaccine có thể biến một dịch bệnh nguy hiểm thành một bệnh nhẹ hơn, giảm nhu cầu cần nhập viện, giảm gánh nặng lên hệ thống y tế và làm chậm sự lây lan trong số những người được tiêm vaccine.

Trong cuộc rượt đuổi này, giới khoa học đặt vấn đề: liệu liều vaccine thứ ba có thể thúc đẩy hiệu quả với công thức ban đầu hay không, hay sẽ cần một công thức khác. Khả năng về liều vaccine thứ ba có thể là một thực tế trong tương lai mà chúng ta phải đối mặt để hiểu về mức độ bảo vệ của các kháng thể. Vì thế, cần chuẩn bị tinh thần để sống chung với Covid-19. “Khi chuẩn bị sớm thì chúng ta sẽ càng bền bỉ trong việc đối phó với dịch bệnh. Mặc dù virus SARS-CoV-2 dường như có khả năng vượt trội hơn so với các loại virus Corona trước đó nhưng không có lý do gì để chúng ta đầu hàng trước chúng” - bác sĩ Leong Hoe Nam nói.

Những vụ rò rỉ virus gây bệnh từ phòng thí nghiệm

Với dịch Covid-19, đã không ít người cho rằng nó hiện hình từ việc “để sổng” virus từ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, người ta cũng bác bỏ nghi ngờ ấy. Vậy thì chúng từ đâu ra? Trong lúc mối ngờ vực chưa tan, thì người ta lật lại những vụ rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm đã đưa đến những đại dịch khủng khiếp.

Vào cuối thập niên 1970, bệnh đậu mùa đã bị xoá sổ trong tự nhiên, nhưng những nghiên cứu về căn bệnh này vẫn tiếp diễn ở một số phòng thí nghiệm trên thế giới, trong đó có một cơ sở ở Birmingham (Anh), nơi xử lý một chủng virus đậu mùa độc hại.

Mùa hè năm 1978, một nhiếp ảnh gia y tế làm việc tại đây tên là Janet Parker bị ốm. Khi mụn mủ lan rộng trên cơ thể của cô, bác sĩ địa phương đã chẩn đoán đó là một trường hợp mắc đậu mùa nặng.

Đó là lần rò rỉ thứ ba của virus đậu mùa chỉ trong thập kỷ đó từ một phòng thí nghiệm ở Anh. Chính phủ Anh đã quyết liệt ngăn chặn dịch bùng phát bằng cách khẩn cấp cách ly hàng trăm người và tiêm chủng cho nhiều người khác. Nhờ những nỗ lực đó, chỉ có một người khác nhiễm bệnh, đó là mẹ của Parker. Tuy vậy, nữ nhiếp ảnh gia đã trải qua một cái chết đau đớn, cô đơn trong khu cách ly, và được cho là nạn nhân tử vong cuối cùng được biết đến của bệnh đậu mùa.

Nhưng còn có nạn nhân khác của sự cố. Thời điểm đó giới báo chí đã đề cập đến giám đốc phòng thí nghiệm ở Birmingham, một chuyên gia về virus đậu mùa tên là Henry Bedson. Mặc dù không có bằng chứng, truyền thông vẫn đổ lỗi cho ông về sự việc. Bị cách ly ở nhà và trong nỗi tuyệt vọng, Bedson đã tự rạch cổ họng mình và qua đời ngay sau đó.

Người ta mong đợi an toàn phòng thí nghiệm, nhưng đáng tiếc là thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Sau khi dịch SARS bùng phát năm 2003, các phòng thí nghiệm khắp thế giới bắt đầu nghiên cứu về virus này. Kể từ thời điểm đó, đã có không dưới 6 vụ rò rỉ SARS trong phòng thí nghiệm.

Vụ đầu tiên xảy ra tại Đại học Quốc gia Singapore, nơi một sinh viên đã nhiễm bệnh từ một mẫu nhiễm virus. Tiếp theo là một sự cố tại Đài Loan/Trung Quốc, khi một nhà nghiên cứu nhiễm virus, có thể là trong quá trình khử khuẩn các chất thải từ phòng thí nghiệm...

Thực tế thì nói đến rò rỉ phòng thí nghiệm là phải nói đến một quá trình điều tra mất một thời gian dài, và đôi khi các câu trả lời vẫn không thoả mãn và không đầy đủ. Vậy thì với Covid-19, để đi tới nguyên nhân đích thực thì cũng không thể có được trong một vài năm, mà có khi phải mất vài chục năm. Trong quãng thời gian ấy, “hãy tạm quên nó đi để sống khỏe mạnh” - nói như bác sĩ Leong Hoe Nam.

“Kẻ mạo danh” giết người

Trong khi đang “mải mê” chống chọi với Covid-19, có lẽ người ta đã quên một “kẻ thù” khác vô cùng nguy hiểm, khả năng giết chết người cao gấp bội phần. Giới khoa học gọi chúng là “kẻ mạo danh” có thể giết chết bất cứ ai trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đó là bệnh Whimore.

Do không có các triệu chứng lâm sàng rõ ràng nên bệnh Whitmore (bệnh melioidosis hay còn gọi là bệnh "vi khuẩn ăn thịt người") thường được phát hiện muộn, tình trạng bệnh tiến triển rất nhanh.

Người ta ghi nhận, mỗi năm, Thái Lan phải chứng kiến hàng nghìn ca bệnh Whitmore tại các vùng nông nghiệp thâm canh. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm này có thể lên tới 75% ngay cả khi được điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Giới chức Y tế nước này cho biết, đây là căn bệnh truyền nhiễm gây chết người thứ ba, chỉ đứng sau AIDS và bệnh lao.

Trong số những người bị nhiễm bệnh, khoảng 40% người tử vong ngay cả khi họ đã được điều trị. Nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng bệnh và uống thuốc kháng sinh hiệu quả kịp thời, tỷ lệ tử vong còn cao hơn rất nhiều, đến 90%. Việc chẩn đoán sớm làm gia tăng cơ hội sống sót nhưng đây là quá trình gặp nhiều vấn đề nhất vì các triệu chứng ở mỗi bệnh nhân lại khác nhau.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) từng phân loại loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore là một vi sinh vật có thể được sử dụng như một “tác nhân khủng bố sinh học”, xếp nó vào cùng loại với bệnh than. Mặc dù loại khuẩn này chưa bao giờ được sử dụng trong khủng bố sinh học, nhưng cách phân loại trên cũng phần nào phản ánh mối nguy hiểm của nó đối với con người.

Không chỉ ở Thái Lan, virus gây bệnh Whitmore còn được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới từ Đông Á đến cận Sahara, châu Phi cũng như châu Mỹ Latinh và Trung Đông.

Căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1911 tại Yangon (Myanmar). Sau này, người Mỹ gọi căn bệnh này là “bom hẹn giờ” vì những người lính bị phơi nhiễm thường không biểu hiện các triệu chứng cho đến khi họ trở về nhà.

Vô cùng nguy hiểm, song trong nhiều thập kỷ qua, bệnh Whitmore dường như không nằm trong mối quan tâm của các tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu. “Đối với mọi người, dường như đây chỉ là căn bệnh ở Đông Nam Á và Australia. Nhưng chúng tôi phát hiện ra căn bệnh này đã lan ra rất nhiều khu vực khác của toàn cầu” - Tiến sĩ Eric Bertherat làm việc cho WHO bày tỏ, đồng thời dẫn chứng một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2016 trên tạp chí Nature Microbiology chỉ ra rằng vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sinh sống trong đất và nguồn nước của 45 quốc gia và có khả năng lây lan ra 34 quốc gia khác. Tất cả những nước này có vị trí địa lý bao quanh khu vực nhiệt đới. Nghiên cứu này dự báo một gánh nặng tiềm ẩn của căn bệnh này lớn hơn nhiều so với những gì người ta thường nghĩ, với số ca mắc mỗi năm có thể lên 165.000 ca.

Con số đó tương đương với số ca bệnh dại hàng năm và là một bệnh lý nghiêm trọng. Với tỷ lệ tử vong cao, nghiên cứu ước tính có khoảng 90.000 ca tử vong mỗi năm do bệnh Whitmore, tương đương với số ca mắc sởi và gấp vài lần so với bệnh sốt xuất huyết.

Nếu như đại dịch Covid-19 đang càn quét là do virus gây ra, thì căn bệnh Whitmore là do vi khuẩn. Theo Tiến sĩ Bart Currie - nhà vi sinh vật học tại Trường Nghiên cứu Y tế Menzies ở Australia, bệnh Whitmore có thể đã giết chết nhiều người trong hàng chục năm qua nhưng những ca bệnh có thể bị bỏ sót do không có các triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Chính vì thế người ta gọi nó là "kẻ mạo danh".

“Với bệnh Whitmore, cái chết sẽ đến rất nhanh. Có nhiều người đã được điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả trong một thời gian. Nhưng đến thời điểm các bác sĩ chẩn đoán là bệnh Whitmore thì bệnh nhân đã qua đời” - Tiến sĩ Direk Limmathurotsakul, nhà vi sinh vật học làm việc tại Đại học Oxford, giải thích vì sao nó được gọi là “kẻ mạo danh”, do nó “khôn khéo” nấp dưới một chứng bệnh khác để “đánh lạc hướng” bất cứ một chuyên gia y tế nào.

Cũng chính vì rất khó “vạch mặt” vi khuẩn gây bệnh Whitmore nên Tiến sĩ Donald Woods, người đã nghiên cứu căn bệnh này trong nhiều thập niên, đang làm việc tại Đại học Calgary đã phải thốt lên: “Tại Mỹ, loài khuẩn này được nghiên cứu như một tác nhân khủng bố sinh học”.

Trong khi Ấn Độ đang phải chống chọi với cơn cuồng phòng Covid-19 thì giới y tế nước này cũng lại lên tiếng cảnh báo về làn sóng dịch bệnh khác, đó là bệnh nấm đen.

Bệnh nhiễm trùng nấm đen là căn bệnh nhiễm trùng nặng, chủ yếu ảnh hưởng đến những người có vấn đề sức khoẻ hoặc sử dụng các loại thuốc làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn và mầm bệnh của cơ thể. Các trường hợp nhiễm nấm xảy ra giống như tác dụng phụ ở những bệnh nhân đang hồi phục sau khi mắc Covid-19. Bệnh viện Ganga Ram tại thủ đô New Delhi đã ghi nhận 6 trường hợp nấm đen. Theo bác sĩ tại bệnh viện này, một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhiễm nấm gia tăng có thể là do lạm dụng quá nhiều thuốc steroid.

“Việc sử dụng steroid trong điều trị bệnh Covid-19, cùng với thực tế là nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng mắc bệnh tiểu đường, có thể là lý do khiến số ca nhiễm nấm gia tăng trở lại. Những bệnh nhân Covid-19 cũng có khả năng miễn dịch kém nên có nguy cơ nhiễm nấm Mucormycosis cao hơn” - bác sĩ Ajay Swaroop, Trưởng khoa Tai mũi họng tại Bệnh viện Ganga Ram cho biết, và cho rằng việc sử dụng steroid cho bệnh nhân tiểu đường trong quá trình điều trị Covid-19 có khả năng dẫn đến sự phát triển của loại nấm này. Thậm chí bệnh còn tấn công cả những bệnh nhân huyết áp cao.

“Theo báo cáo trên khắp Ấn Độ, gần 85% bệnh nhân nhiễm nấm đen sau khi mắc Covid-19 đều có tiền sử lượng đường trong máu cao và sử dụng liều lượng steroid lớn” - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Atul Patel cho biết.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), các triệu chứng của bệnh nấm đen gồm sưng một bên mặt, đau đầu, sốt, nghẹt mũi và xuất hiện ngày càng nhiều các đốm đen trên mũi hoặc bên trong miệng. Bệnh này có khả năng lây lan từ 15 đến 30 ngày, xuất hiện ở những bệnh nhân từng mắc Covid-19 chỉ trong vòng 2 đến 3 ngày. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ mũi, xương hàm và cũng có thể mất thị lực vĩnh viễn. Tỉ lệ tử vong đối với những bệnh nhân bị nấm đen lên não là khoảng 50%.

THẾ TUẤN (Tổng hợp)