Khơi thông dòng chảy FDI
Mới đây, trang lexology.com (ở Anh) đăng bài viết nhìn nhận kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan cho dù dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp. Một trong những chỉ dấu tích cực chính là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bài viết cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ chính sách mở cửa nền kinh tế. Đặc biệt là với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc… thì dòng vốn FDI sẽ chảy mạnh vào Việt Nam.
Lexology.com cũng cho rằng, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, các nhà đầu tư càng tin tưởng vào Việt Nam, nhiều dấu hiệu cho thấy FDI từ nhiều thị trường khác sẽ “nắn dòng” để chảy vào Việt Nam. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đang dồn sức tập trung các ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử và kỹ thuật phần mềm, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Lexology dẫn số liệu của Bộ Công thương Việt Nam cho thấy trong quý 1/2021, các doanh nghiệp FDI chiếm 95% doanh thu xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam. “Những nỗ lực về kinh tế và quản lý của Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy FDI đổ vào Việt Nam trong những năm tới”, bài báo viết.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xác định là một thành phần kinh tế quan trọng đối với Việt Nam. Chính vì thế, phát huy tốt vai trò của FDI trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề rất cần thiết. Tuy nhiên, đã qua rồi thời kỳ “trải thảm đỏ” cho FDI, mà đã sang thời kỳ tiếp nhận FDI có chọn lọc, theo chiều sâu với những dự án lớn, bảo vệ môi trường.
Không thể phủ nhận nhiều chục năm qua đầu tư trực tiếp nước ngoài đã kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Dẫu có một số dự án FDI phát sinh bất cập nhưng về tổng thể thì vai trò của FDI là rất lớn. Trong tình hình mới, đặc biệt là chuẩn bị cho sự hồi phục, tăng tốc phát triển khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu thì việc tiếp nhận, sử dụng dòng vốn FDI phải được coi là đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, cũng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên việc giải ngân dòng vốn FDI thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp.
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách Trung ương, năm 2021 cho các bộ, ngành là 16.636,75 tỷ đồng. Số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành tính đến hết ngày 10/6 là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao. Trong đó, 5/13 bộ, ngành có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở hai bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông vận tải.
Đáng chú ý là có đến 8/13 bộ, ngành vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài chậm đã ảnh hưởng tới việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021.
Ông Hà cho rằng, nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyên gia tư vấn không sang Việt Nam thực hiện hợp đồng tư vấn, ảnh hưởng đến tiến trình triển khai các dự án; Vật tư hàng hóa thiết bị nhập khẩu từ các nước có dịch Covid-19 cũng bị ách tắc làm dự án chậm tiến độ… Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là yếu tố chủ quan, trực tiếp là các là đơn vị chủ dự án trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn nhiều hạn chế.
Giải ngân vốn đầu tư công trong đó có FDI là cách trực tiếp nhất khôi phục sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng như nâng chỉ số tăng trưởng GDP. Không hề dễ khi thu hút được dòng vốn này, vì thế nếu giải ngân chậm sẽ mất đi nhiều ý nghĩa. Như người ta vẫn nói, có tiền mà không biết tiêu để sinh lợi thì đồng tiền sẽ “chết”.
Nhiều năm, chúng ta luôn khát vốn đầu tư, thì nay dù bất luận lý do nào cũng phải khơi thông được dòng chảy từ “kho tiền” đó. Thêm nữa, rất quan trọng là theo dự báo tới đây Việt Nam là điểm đến trong thu hút FDI, dòng tiền đầu tư từ bên ngoài vào sẽ còn mạnh mẽ hơn.
Vì vậy, theo giới chuyên gia, để dòng chảy FDI thông thoáng, hiệu quả thì đã đến lúc cần mạnh dạn điều chuyển dòng vốn này từ lĩnh vực chậm triển khai sang lĩnh vực có thể sớm triển khai. Dù chỉ là giải pháp tình thế nhưng cần thiết để thúc đẩy trách nhiệm giải ngân, để dòng vốn không ứ đọng từ đó hoạt động sản xuất hồi phục nhanh hơn cũng như hiệu quả kinh tế cao hơn.