Tham nhũng không có ‘vặt’
Thông tin do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố về chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR Index 2020) và chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính năm 2020 (SIPAS) của các bộ, ngành, địa phương, cho thấy tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh phí “bôi trơn”, lót tay tại một số cơ quan, đơn vị “tăng nhẹ” so với năm trước.
Cụ thể, có tới 48/63 tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng người dân khi tới các cơ quan công quyền thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính phải trả phí “bôi trơn”. Khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân, tổ chức phải trả phí “bôi trơn” khi có nhu cầu thực hiện các dịch vụ công trong năm 2020 trên cả nước là 0,59%, tăng 0,12% so với trước đó.
Tất nhiên, trong số cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết các thủ tục hành chính có cầm phong bì “lót tay” của người dân, thì chỉ số ít đòi hỏi trực tiếp, còn lại đa số chỉ “hành” để đạt được mục đích “chính”, đó là được nhận phí “bôi trơn”. Ai hiểu thì được cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, suôn sẻ, ai không hiểu thì... hãy đợi đấy.
Đó là lý do mà ở nhiều tỉnh, thành phố, người dân mỗi khi phải gõ cửa các cơ quan công quyền để “cậy nhờ” làm các dịch vụ công đều phải chạy đi chạy lại nhiều lần mới được giải quyết. Tỷ lệ người dân chỉ phải đi lại một lần mà giải quyết xong thủ tục hành chính chỉ đạt 29,69%. Đó là con số quá thấp so với kỳ vọng cải cách hành chính đặt ra.
Trong khi đó, tỷ lệ người dân muốn giải quyết ổn thỏa thủ tục hành chỉnh phải đi lại tới hai lần là 55,71%, phải đi lại tới ba lần là 9,64%, đi lại bốn lần là 4,41%. Thậm chí có một số người phải đi lại tới năm lần mới được giải quyết các thủ tục hành chính, chiếm 0,72%. Có ai bị hành đi lại tới lần thứ ba mà không “tặc lưỡi” đưa phong bì cho trôi việc?
Dĩ nhiên, việc người dân muốn làm các thủ tục hành chính phải đi lại nhiều lần cũng không phải tất cả đều do bị sách nhiễu, vòi vĩnh phí “bôi trơn”. Đôi khi là do người dân chưa thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Song, nếu mỗi cán bộ, công chức, viên chức có tâm, hướng dẫn tận tình thì người dân đâu phải vất vả đến vậy?
Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao những người thực thi công vụ ở các cơ quan thực hiện dịch vụ công, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân lại “lờ vờ”, thiếu nhiệt tình hướng dẫn, thậm chí còn quát tháo, cửa quyền? Phải chăng là do họ chưa được lót tay?
Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan cung cấp dịch vụ công, giải quyết các thủ tục hành chính nhũng nhiễu, hành dân để được nhận phong bì lót tay lâu nay vẫn được gọi bằng cái tên “tham nhũng vặt”. Song, đã tham nhũng thì có lẽ cũng chẳng có vặt hay lớn, dù nhận tiền nhiều hay ít thì đều là những con sâu đang đục khoét, hại dân, hại nước.
Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để moi tiền của Nhà nước, móc túi người dân đều là việc làm táng tận lương tâm, vi phạm pháp luật và đều có một tên chung là tham nhũng, không thể có cách gọi khác. Đừng nghĩ những con sâu đục khoét hàng trăm tỷ đồng mới nguy hiểm, loại sâu đòi phong bì chỉ vài triệu cũng gây hại không kém.
Tính một cách cơ học, với mỗi người dân chỉ là vài triệu, thì với 100 người dân sẽ là bao nhiêu, 1.000 người dân sẽ là thế nào, khi đó con số có còn là vặt nữa hay không? Đó là còn chưa kể, những loại sâu này gây ảnh hưởng nghiêm trọng, làm hoen ố hình ảnh của các cơ quan công quyền, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
Như vậy thì so với những con “sâu bự”, “ăn” một lần tới vài tỷ đồng thì loại này cũng gây hại không kém. Vì thế, cần chỉ mặt, đặt tên chung cho tất cả các loại sâu đục khoét là tham nhũng, không nhất thiết tách ra loại “vặt” hay “lớn”. Có vậy mới có thể nhận diện một cách chính xác để có quyết tâm đào thải, diệt trừ.
Sở dĩ tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh phong bì của người dân có chiều hướng gia tăng một phần là do chữ... “vặt”. Vì là “tham nhũng vặt” nên ít người “soi”, chưa cần phải diệt tận gốc “ngay và luôn” nên họ có cơ hội tồn tại, rồi dần dần phát triển.
Thiết nghĩ, cần nhận diện đúng bản chất của các hành vi tham nhũng, dù là số tiền ít hay nhiều, từ đó mới có biện pháp mạnh răn đe, trấn áp. Vấn nạn phí “bôi trơn” chỉ có thể chấm dứt khi mà mọi thứ minh bạch, người vi phạm nếu bị phát hiện bị xử lý nghiêm minh, không có bao che, xuê xoa chỉ vì... tham nhũng vặt ấy mà.