Giá rẻ, chất lượng sẽ không cao
Tính đến hết 15/6/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 145,32 tỷ USD, tăng 36,4% (tương ứng tăng 38,76 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó những nhóm hàng tăng mạnh nhập khẩu phải kể đến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,07 tỷ USD, tương ứng tăng 24,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 5,76 tỷ USD, tương ứng tăng 37,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,8 tỷ USD, tương ứng tăng 51,2%... so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng vọt. Trong đó, mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất từ thị trường này chính là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập mặt hàng này đến giữa tháng 6 ước đạt gần 21 tỷ USD, tăng gần 8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Với lợi thế giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi, lại có trung gian môi giới tận... chân công trình, máy móc thiết bị Trung Quốc có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu từ thị trường này tăng vọt trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, thông thường giá rẻ sẽ đi kèm với chất lượng không cao, do đó, không loại trừ những nguy cơ, rủi ro của việc gia tăng nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc cũng là gia tăng việc nhập thiết bị cũ từ thị trường này.
Theo phân tích của giới chuyên gia, Trung Quốc đang tập trung chuyển đổi mạnh nền kinh tế công nghiệp thâm dụng năng lượng, nhân công, nguyên liệu sang công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa... Quá trình này sẽ thải loại hàng loạt các máy móc, thiết bị cũ . Vì thế, để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra, khâu nhập khẩu cần phải rất chặt chẽ.