Lình xình thuế thương mại điện tử
Từ 1/8, sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) có trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch TMĐT.
Đây là giải pháp để tăng thu ngân sách, siết quản lý thuế hoạt động bán hàng online. Dù sắp có hiệu lực nhưng tính khả thi của giải pháp vẫn còn nhiều băn khoăn.
Quy định rõ trách nhiệm cá nhân
Tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 40/2021/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành có quy định rõ: Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện kê khai thuế thay, nộp thuế thay các cá nhân theo lộ trình cơ quan Thuế.
Song song với trách nhiệm của các sàn TMĐT, những quy định mới này cũng đã rõ ràng hơn trách nhiệm của cá nhân kinh doanh trên các sàn. Theo đó, các cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT phải có địa điểm kinh doanh cố định, phải đăng ký thuế tại nơi có địa điểm kinh doanh để được cấp mã số thuế và quản lý thuế theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật kinh doanh TMĐT. Cá nhân kinh doanh thông qua sàn có thể là hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán hoặc theo phương pháp kê khai.
Các thông tin cung cấp cho sàn cũng được quy định tại Điều 37 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, bao gồm: tên, địa chỉ trụ sở hoặc thường trú của cá nhân, thông tin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số thuế cá nhân, số điện thoại, thông tin về hàng hóa, dịch vụ, thông tin về giá cả, thông tin về vận chuyển và giao nhận, thông tin về các phương thức thanh toán.
Người trong cuộc: Kêu khó!
Liên quan đến việc sàn giao dịch TMĐT kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Phó Tổng Giám đốc Công ty EY Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng: Trước đây không có quy định cụ thể về việc kê khai và nộp thuế thay của các sàn giao dịch TMĐT. Khi Thông tư 40 ra đời và có hiệu lực ngay từ 1/8/2021 sẽ gây áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp. Theo thống kê trung bình hiện nay có tới 35 triệu giao dịch/ngày qua các sàn giao dịch TMĐT. Chính vì vậy khối lượng công việc đối với các sàn là rất lớn. Vì vậy, cơ quan thuế cần tổ chức các tổ chuyên gia về công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế để phối hợp với các sàn nâng cấp phần mềm, tích hợp thêm các chức năng quản lý thuế.
Theo bà Huyền, Thông tư 40 quy định cá nhân có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm sẽ không phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân, trong khi đó các sàn giao dịch TMĐT không có cơ sở dữ liệu để kiểm soát các cá nhân chưa đến ngưỡng chịu thuế. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về cơ chế trao đổi thông tin để đảm bảo quyền lợi của các cá nhân nộp thuế.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Lazada Vũ Thị Minh Tú cho biết: Lazada hoạt động tại nhiều quốc gia khác nhau do đó phần mềm ứng dụng được xây dựng thống nhất để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn. Chính vì vậy, việc thay đổi các yếu tố kỹ thuật để phục vụ công tác phối hợp trong quản lý thuế cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sàn giao dịch TMĐT và cơ quan thuế. Do đó, đề nghị ngành Thuế tính toán lại lộ trình và thời gian triển khai cho phù hợp với thực tiễn.
Hiệp hội thương mại điện tử: Không khả thi!
Còn Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng Thông tư chưa được lấy ý kiến cơ quan này trước khi ban hành và không khả thi.
Theo VECOM, ngày 1/6, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư có một số quy định về việc sàn TMĐT phải khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh trên sàn cũng như cung cấp nhiều thông tin tới cơ quan quản lý thuế.
Tuy nhiên, 15 ngày sau khi Thông tư trên được ban hành, Tổng cục Thuế mới cùng VECOM tổ chức cuộc họp đầu tiên trao đổi về các quy định của Thông tư cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các sàn giao dịch TMĐT và các bên liên quan về việc triển khai thực hiện Thông tư này.
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch VECOM cho hay: Đây là lần đầu tiên Hiệp hội và các hội viên được tiếp cận tới Thông tư này. Thông tư 40/2021/TT-BTC được ban hành có nhiều nội dung mới so với bản dự thảo đăng tải đầu tiên ngày 12/3/2021 nhưng Ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Do đó, một số quy định trong Thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn TMĐT cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn.
Theo đại diện các sàn TMĐT, sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trong các trách nhiệm của sàn TMĐT theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, không có trách nhiệm phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Nghị định 52 cũng nêu rõ người bán trên sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.
Một trong những nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 52 coi các mạng xã hội cung cấp dịch vụ bán hàng là sàn TMĐT, như vậy nếu theo Thông tư 40/2021/TT-BTC các mạng xã hội kể cả của các nhà cung cấp nước ngoài cũng phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh.
Các sàn TMĐT cũng nêu kiến nghị về việc khó khăn khi kê khai thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn khi họ có thể là cá nhân ở các địa phương khác nhau trên toàn quốc khi tham gia kinh doanh trên sàn. Theo Điều 45 Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, các sàn TMĐT có thể có địa điểm kinh doanh ở tỉnh khác (thường là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).
“Vậy, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại tỉnh khác. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương”- VECOM nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, về lộ trình dự kiến triển khai, theo Thông tư là từ ngày 1/8 tới đây, như vậy là quá vội vàng, không đủ thời gian để sàn TMĐT có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Ngày 5/6, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt được thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu sau nhiều năm thảo luận.
Theo đó, G7 đồng ý trên nguyên tắc mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%, áp dụng tùy theo từng nước. Việc làm này nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế thông qua việc yêu cầu các công ty trả thuế ở những nước họ có hoạt động kinh doanh.
Theo đánh giá từ ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cơ chế áp dụng thu thuế TNDN toàn cầu chưa có biểu hiện sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam về phương diện thu ngân sách nhà nước, vì nếu có doanh nghiệp FDI nào thuộc đối tượng áp dụng cơ chế, thì tiền thuế TNDN phát sinh thêm sẽ được nộp về quốc gia nơi công ty Mẹ đặt trụ sở chính chứ không được thu về ngân sách nhà nước Việt Nam.
Trên góc độ các tập đoàn lớn ở Việt Nam có hoạt động đầu tư ra nước ngoài, theo quy định về thuế TNDN hiện hành, toàn bộ thu nhập chịu thuế từ hoạt động của dự án ở nước ngoài sẽ phải hợp nhất về Việt Nam và tính thuế TNDN ở mức thuế suất thông thường (hiện tại là 20%). Doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ được bù trừ số thuế phải nộp ở Việt Nam với số thuế đã nộp ở nước ngoài, nhưng không vượt quá mức thuế suất hiện hành.