Chuẩn chương trình đào tạo đại học: Cần cụ thể hóa từng tiêu chí

Thu Hương (thực hiện) 28/06/2021 09:00

Đây là quan điểm của TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT) về việc Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư quy định chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (ĐH).

Theo ông Khuyến, nếu tiêu chí ban hành chung chung, không chắc chắn thì có thể lại chính là “bật đèn xanh” cho “trăm hoa đua nở” bởi trường nào cũng có thể đăng ký và dễ dàng đạt được.

TS Lê Viết Khuyến.

PV: Là người nhiều năm gắn bó với giáo dục ĐH, ông có suy nghĩ gì khi lần đầu tiên ĐH Việt Nam có bộ tiêu chuẩn mới được đánh giá là tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế?

TS Lê Viết Khuyến: Việc Bộ GDĐT ban hành Thông tư quy định chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH theo tôi là rất đáng hoan nghênh. Song để nói rằng bộ tiêu chuẩn này tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế thì cần phải có minh chứng, có đối chiếu, so sánh với các bộ tiêu chuẩn của các nước khác chứ không thể “mình tự khen mình”. Chưa kể quốc tế là phạm trù rất rộng với đa dạng các nền giáo dục nên chúng ta hướng tới phải là các nền giáo dục tiên tiến đã được toàn thế giới công nhận, đánh giá cao.

Các tiêu chuẩn này nếu muốn được xếp hạng quốc tế cũng cần phải được những chuyên gia của nước ngoài đánh giá và khẳng định mới coi là tiên tiến theo chuẩn quốc tế. Còn nếu tự Việt Nam đánh giá, xếp hạng thì không nên khẳng định là đã tiệm cận hay đạt chuẩn quốc tế, thiếu khách quan.

Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là chuẩn đầu ra của các trường trong từng nhóm ngành có sự khác nhau. Với việc “trăm hoa đua nở” các trường ĐH hiện nay, việc ban hành bộ tiêu chuẩn này là một trong những cách để “siết” chuẩn đầu ra, thưa ông?

- Thông tư ra đời được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch chuẩn đầu ra, cung cấp được minh chứng người tốt nghiệp đạt được những chuẩn đầu ra mà trường đã tuyên bố với người học và các bên liên quan cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, nếu đưa ra các tiêu chí quá chung chung, không chắc chắn thì có thể lại chính là “bật đèn xanh” cho “trăm hoa đua nở” bởi khi tiêu chí quá chung chung, dễ dàng đạt được thì trường nào cũng có thể đăng ký.

Từ cách đây hơn 3 năm khi được Bộ GDĐT hỏi ý kiến về vấn đề này, tôi đã tư vấn cho Bộ GDĐT cần ban hành chuẩn đầu ra cho từng ngành cụ thể, không thể có một chuẩn đầu ra chung cho cả khối ngành. Đơn cử như ngành sức khỏe, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của bác sĩ đa khoa phải khác bác sĩ răng hàm mặt, khác điều dưỡng, y tá… Kinh nghiệm từ các nước như Malaysia, Thái Lan, họ làm chuẩn đầu ra cho từng chương trình đào tạo một thay vì làm đại trà cho một nhóm ngành đào tạo. Việc này càng làm chi tiết càng tốt về chuyên môn, kiến thức, kỹ năng của từng ngành. Sản phẩm đào tạo ra, tức là người học phải được cung cấp các kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ ra làm sao? Nếu yêu cầu một cử nhân quản trị kinh doanh tốt nghiệp cũng có phẩm chất, thái độ, kỹ năng… như một bác sĩ thì chưa đúng.

Cũng cần lưu ý là không đưa ra các chuẩn chung chung kiểu trang bị kiến thức cơ bản, những kỹ năng chuyên môn cần thiết, như vậy chung chung quá. Cần cụ thể đó là kỹ năng chuyên môn gì, đạt ở mức độ ra sao? Việc này khó và tốn kém nhiều thời gian, công sức, tiền của hơn nhưng nhất định phải làm mới giúp nâng tầm chất lượng ĐH. Còn nếu chỉ làm cho có thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Một ý nữa là việc đạt chuẩn đầu ra cần được nhà tuyển dụng họ công nhận, nếu không mới là mục tiêu các trường hướng đến thôi. Sự cam kết của nhà trường đối với người học về việc khi ra trường phải đạt được các kiến thức, kỹ năng như thế và được các doanh nghiệp đánh giá, chấp nhận tuyển dụng theo tiêu chí của họ thì mới gọi là đạt chuẩn còn trường nói đạt chuẩn nhưng doanh nghiệp không chấp nhận thì đó mới chỉ là tự khen nhau!

Việc công nhận chuẩn đầu ra ở mức độ nào thì nên nói chính xác ở mức độ đó. Ví dụ các trường khẳng định chương trình đạt chuẩn quốc tế, sản phẩm đào tạo tiệm cận quốc tế thì phải chỉ ra rõ là quốc tế nào họ công nhận? Giáo dục Châu Á khác Châu Âu, từng vùng trong Châu Á cũng khác nhau nên không thể nói một cách chung chung là quốc tế công nhận.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề cập đến vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực. Bộ trưởng nhấn mạnh phải tham gia đào tạo cùng chứ không nên phàn nàn “phải đào tạo lại”. Quan điểm của ông về ý kiến này?

- Tôi đồng tình với quan điểm này. Bởi học tập là suốt đời, nên việc đào tạo trong trường ĐH, trường cao đẳng hay trường nghề vẫn mới chỉ là đào tạo ban đầu, trong quá trình làm việc tùy theo công việc phân công, sự phát triển của khoa học và công nghệ mà người học cần bổ sung thêm các kiến thức khác nữa, tức là đào tạo tiếp tục. Đó hoàn toàn không phải là đào tạo lại vì đào tạo lại nghĩa là hầu như học ở trong trường không có ích lợi gì…Học ở trường là kiến thức nền tảng, còn đi làm, tùy từng vị trí công việc mà học sâu hơn, rộng hơn và cụ thể hơn về vị trí việc làm đó. Đó là công việc của nhà tuyển dụng và gọi là đào tạo thường xuyên. Lúc đó có 2 cách, nhà tuyển dụng tự đào tạo qua thực tế công việc và/hoặc cử nhân viên đi học tại các trường, các doanh nghiệp khác… Điều này là bình thường, các nước vẫn làm.

Nói cách khác, nếu tuyển dụng một nhân viên không đạt chuẩn như yêu cầu của doanh nghiệp thì gọi là đào tạo lại. Trên thực tế, tôi nghĩ không nhiều doanh nghiệp tuyển dụng những nhân viên không đạt yêu cầu để về đào tạo lại do mất thời gian, công sức và đem lại hiệu quả công việc không cao, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Thông thường họ sẽ không tuyển dụng những người như vậy nên quá trình đào tạo tiếp theo phải gọi chính xác là đào tạo tiếp tục chứ không phải là đào tạo lại.

Vì vậy, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình đánh giá chuẩn đầu ra của các nhà trường, nghĩa là doanh nghiệp chấp nhận người lao động ở ngưỡng này. Sau đó, trong quá trình làm việc, doanh nghiệp tiếp tục đào tạo nhân viên nhưng sẽ giảm bớt được quá trình này do một số kiến thức, kỹ năng, thái độ… đã được rèn luyện trong môi trường ĐH và được nhà tuyển dụng góp ý cho phù hợp với thực tế công việc rồi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hương (thực hiện)