‘Sáng kiến’ sàng lọc Covid
Một ngày trước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa đã ban hành văn bản, yêu cầu các hiệu thuốc tây không được bán thuốc hạ sốt cho người dân.
Giải thích về yêu cầu này, CDC Khánh Hòa khẳng định, đây là một trong những nỗ lực để sàng lọc những người tiềm ẩn nguy cơ mang theo mầm bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Văn bản “cấm” bán thuốc hạ sốt của CDC Khánh Hòa có thể hiểu một cách “nôm na” là những người sốt hơi cao đều có vẻ mang mầm bệnh Covid-19.
Sốt cao đúng là một trong những triệu chứng của bệnh Covid-19, nhưng điều đó không có nghĩa tất cả những người sốt cao đều mắc bệnh này để phải đến cơ sở y tế khai báo và xét nghiệm. Nếu vậy, tất cả các cơ sở y tế từ tuyến xã cho đến tuyến huyện, hay tuyến tỉnh của địa phương Khánh Hòa sẽ lập tức bị quá tải, bởi người dân ùn ùn kéo tới.
Chưa nói tới chuyện rất nhiều người dân chỉ cần sốt hơi cao là đến các cơ sở y tế để khai báo y tế, thậm chí là yêu cầu xét nghiệm Covid-19. Chỉ nói riêng việc vì không mua được thuốc hạ sốt ngoài các hiệu thuốc tây, người dân buộc phải kéo đến các cơ sở y tế để khám bệnh, mua thuốc. Liệu các bệnh viện có đủ nhân lực và vật lực để tiếp nhận?
Với một lượng người lớn đổ dồn về các trạm y tế xã, các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, chính là điều kiện lý tưởng để SARS-CoV-2 lây truyền ra cộng đồng, nếu chẳng may có ai đó đang mang mầm bệnh. Việc để người dân tập trung về các cơ sở y tế là trái với phương châm phòng chống đại dịch Covid-19 do Bộ Y tế đề ra.
Thử hỏi, nếu có một vài người đang mang trong người SARS-CoV-2, việc “hàng tá” người ùn ùn kéo đến các cơ sở y tế có phải là sẽ gây ra đại họa cho cộng đồng xã hội hay không? Khi đó, không chỉ là sự lây nhiễm chéo hết sức nguy hiểm cho cộng đồng, mà còn phải cách ly bệnh viện, lấy gì để khám chữa bệnh cho người dân khi họ không khỏe?
Hơn nữa, thuốc hạ sốt cũng không nằm trong danh mục cấm, hay thuốc bán phải có điều kiện mà Bộ Y tế cần kiểm soát? Đó chỉ là loại thuốc hết sức phổ thông, bình thường mà bất cứ người dân nào cũng có thể mua về dùng. Cho nên CDC Khánh Hòa không thể yêu cầu các hiệu thuốc không được bán cho người dân.
Lý giải về quyết định trên, lãnh đạo CDC Khánh Hòa cho rằng việc yêu cầu các hiệu thuốc không được bán thuốc hạ sốt cho người dân là để “truy vết thần tốc” những ca bệnh Covid-19. Tuy nhiên, việc truy vết cần phải dựa vào sự nhanh nhạy khoanh vùng, cách ly, xác định lịch trình di chuyển của các “F”, không liên quan đến việc bán thuốc.
Đây đã là làn sóng dịch lần thứ 4 tràn vào Việt Nam, có rất nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện rất tốt việc truy vết thần tốc, để rồi chỉ trong một thời gian rất ngắn đã có thể khống chế, kiểm soát tình hình. Họ đâu cần cấm bán thuốc hạ sốt cho người dân như “sáng kiến” của Khánh Hòa mới có thể sàng lọc, truy vết đối tượng có nguy cơ lây nhiễm?
Rất may là sau khi ban hành văn bản, nhận được sự phản biện trái chiều, CDC Khánh Hòa đã thực sự cầu thị để điều chỉnh, thay đổi “lệnh cấm” bán thuốc hạ sốt cho người dân. Theo đó, CDC Khánh Hòa vẫn cho phép các hiệu thuốc bán thuốc hạ sốt, nhưng cần tư vấn, hướng dẫn cho người dân tới các cơ sở y tế để khai báo y tế.
Biết sai mà sửa là tốt, nhưng nếu lãnh đạo CDC Khánh Hòa suy nghĩ chín chắn, không vội vã ban hành văn bản một cách cảm tính thì còn tốt hơn.
Tiếc là hiện vẫn chưa có chế tài đối với cá nhân, cơ quan, đơn vị ban hành những văn bản cảm tính, gây phiền nhiễu cho người dân. Vì thế, lâu nay có rất nhiều đơn vị cứ ban hành văn bản “lấy được” để thuận tiện cho công việc của ngành mình, rồi sau đó buộc phải thu hồi hoặc sửa đổi, mà chẳng ai bị làm sao cả.