Tránh 'bệnh thành tích' là thách thức lớn nhất trong công tác xây dựng gia đình trước tình hình mới

Hoàng Chiến 29/06/2021 08:00

Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trao đổi với PV, nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng (nguyên Phó Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã có những đánh giá về những khó khăn, thách thức khi thực hiện chỉ thị mới này.

Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư cho thấy rõ tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển chung của đất nước thời kì mới: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.

TS. Nguyễn Ánh Hồng đánh giá: “Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư trước đó đã có những hiệu quả tích cực nhất định đối với vấn đề xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam, góp phần quan trọng trong cải thiện đời sống, xã hội. Trong bối cảnh ngày nay, Ban Bí thư đã ra chỉ thị 16 để đáp ứng những yêu cầu mới, đó là tác động của môi trường số, mạng xã hội đã làm biến đổi những giá trị truyền thống của gia đình người Việt Nam. Vì vậy, chỉ thị này đã bổ sung những nguyên tắc và giải pháp để tiếp tục xây dựng gì đình văn hóa Việt Nam”.

Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Phó Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: T. Vương.

Tuy nhiên, cũng theo TS Hồng, khó khăn lớn nhất khi thực hiện chỉ thị này là làm sao có cơ chế để vận hành vào trong cuộc sống cho hiệu quả nhất, khả thi nhất. “Làm sao để đưa mục tiêu gia đình văn hóa là thực chất, tránh “bệnh thành tích” là một vấn đề rất nhạy cảm”, bà Hồng nhấn mạnh.

Rõ ràng để xây dựng văn hóa gắn với phường văn hóa, ấp văn hóa… là một mục tiêu đúng đắn, rõ ràng. Tuy nhiên để đánh giá gia đình có thật sự văn hóa hay không lại cần phải xây dựng các chỉ tiêu cụ thể, dựa trên nhiều yếu tố khách quan của từng khu vực, vùng miền. Nếu không cẩn thận, công tác xây dựng gia đình văn hóa lại vô tình trở thành cái bẫy chạy đua về thành tích. Khi đó, giá trị nhân văn sẽ không còn.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho hay, cơ chế kiểm soát mạng xã hội, chính mạng xã hội cũng ảnh hưởng đến hành vi của mỗi thành viên trong gia đình. Đây cũng là một trong những thách thức khi đưa chỉ thị vào đời sống.

Cũng chính mạng xã hội cùng với việc coi trọng vật chất, hạ thấp giá trị tinh thần… đã làm đảo lộn nhiều giá trị truyền thống trong mỗi gia đình. Đồng tiền trong thời đại mới đã làm cho tình cảm giữa các thành viên không còn gắn kết nhiều như trước đây. Người ta sẵn sàng dùng đồng tiền để ngầm thay thế cho việc báo hiếu, chăm sóc ông bà, bố mẹ.

Không những vậy, TS Nguyễn Ánh Hồng cũng đưa ra nhiều đánh giá về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình Việt Nam hiện nay. “Chủ nghĩa cá nhân, đề cao cá nhân, lối sống ích kỉ làm rạn vỡ tình cảm, giảm kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Con cái không biết cách thể hiện tình cảm với ông bà, bố mẹ. Trường học cũng quá chú trọng đến kiến thức chứ không giáo dục từ kỹ năng về giao tiếp, ứng xử trong đời sống hàng ngày…”.

Tất cả những yếu tố trên sẽ là khó khăn, thách thức lớn đới với các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tổ chức trong công tác xây dựng gia đình trước tình hình mới.

Hoàng Chiến