Thế chân vạc ở Trung Đông
Ngày 27/6, chuyến thăm Baghdad của ông al-Sisi đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Ai Cập tới Iraq trong 3 thập kỷ qua. Cùng đó, Hội nghị cấp cao Ai Cập - Iraq - Jordan được cho là tín hiệu mới đối với Trung Đông; trong khi cũng trong ngày 27/6, không quân Mỹ tiến hành không kích một số điểm tại Syria và Iraq.

Ngày 27/6, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cùng Quốc vương Abdullah II của Jordan đã có cuộc họp cấp cao 3 bên với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi. Cuộc họp diễn ra tại thủ đô Baghdad của Iraq. Đáng chú ý, chuyến thăm Baghdad của ông al-Sisi đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Ai Cập tới Iraq trong 3 thập kỷ qua. Trong khi đó, Quốc vương Jordan từng đến Iraq đầu năm 2019, lần đầu tiên sau 10 năm.
Mở ra cơ chế hội nhập khu vực
Tổng thống Iraq Barham Saleh đã gọi cuộc gặp là “thông điệp hùng hồn trước những thách thức to lớn tại khu vực”. Ông Saleh nêu rõ: “Sự phục hồi của Iraq đã mở đường cho cơ chế hội nhập của khu vực, với cơ sở là cuộc chiến chống các phần tử cực đoan, tôn trọng chủ quyền và quan hệ đối tác kinh tế”.
Liên quan đến quan hệ song phương Ai Cập - Iraq, Tổng thống al-Sisi bày tỏ với Tổng thống Saleh rằng Ai Cập mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Iraq trong khuôn khổ ổn định về hội nhập kinh tế và hợp tác chiến lược. Về phần mình, nhà lãnh đạo Iraq cũng bày tỏ sẵn sàng nâng cấp hợp tác với Ai Cập lên mức đối tác chiến lược, coi đây là hòn đá tảng để duy trì ổn định và an ninh khu vực.
Giới quan sát cho rằng, đây là một chỉ dấu cho thấy Iraq đang tìm cách xích lại các đồng minh Arab của Mỹ tại Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia, Ai Cập và Jordan.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tới thủ đô Baghdad, trở thành nguyên thủ quốc gia Ai Cập đầu tiên tới Iraq kể từ thời cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đưa quân vào Kuwait năm 1990. Chuyến thăm của ông Sisi tới Iraq là một phần của hội nghị cấp cao giữa Ai Cập, Iraq và Jordan nhằm tăng cường hợp tác an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư giữa 3 nước Arab.
Truyền thông Vùng Vịnh cho rằng, sự “xích lại gần nhau” giữa Iraq với Ai Cập và Jordan cho thấy “mối quan hệ đã nồng ấm trở lại” với những quốc gia có vị trí quan trọng trong khu vực. Trong đó, đáng chú ý là việc các bên thảo luận về dự án kinh tế chiến lược theo mô hình châu Âu (Dự án Sham mới): Đó là dự án khổng lồ với nhiều thành phần, mà quan trọng nhất là việc hồi sinh một đường ống dẫn dầu từ Basra đến Sinai của Ai Cập, qua lãnh thổ Jordan.
“Ẩn số” Jordan
Trong thế chân vạc Iraq - Ai Cập - Jordan được cho là đang hình thành, giới quan sát tập trung sự chú ý vào Jordan. Những năm gần đây, Jordan đã phải vượt qua hàng loạt các thách thức nghiêm trọng, bao gồm việc tiếp nhận hàng triệu người tị nạn và cuộc khủng hoảng mới do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông này lại phải đối mặt thêm với một thách thức không kém phần khó khăn, đó là bất ổn trong nước. Đầu tháng 4/2021, lực lượng an ninh Jordan đã bắt giữ gần 20 người, trong đó có nhiều quan chức cấp cao và thành viên Hoàng gia Jordan với cáo buộc “đe dọa sự ổn định của đất nước”. Trong số những người bị bắt có Sharif Hassan bin Zaid - thành viên Hoàng gia và Bassem Ibrahim Awadallah - cựu Bộ trưởng Tài chính.
Những nhân vật kể trên được cho là có âm mưu đảo chính nhằm vào Quốc vương Abdullah II, người đã trị vì Jordan từ năm 1999.
Trong một cuộc họp báo ngắn đầu tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi nói rằng Thái tử Hamzah bị cáo buộc âm mưu phá hoại “an ninh và sự ổn định của quốc gia”. Bản thân ông Hamzah là người cực kỳ nổi tiếng ở Jordan, không chỉ vì bề ngoài giống cố vương Hussein mà còn vì được cho là người sẽ kế vị. Thái tử Hamzah bin Hussein là con trai của cố Quốc vương Hussein và phu nhân người Mỹ là Hoàng hậu Noor.
Quốc vương Abdullah II phong em trai cùng cha khác mẹ Hamzah làm Thái tử hồi năm 1999 theo di nguyện của vua cha quá cố. Nhưng đến năm 2004, Quốc vương đã quyết định tước bỏ chức vị Thái tử của ông để trao cho con trai cả của mình là Hussein bin Abdullah.
Theo AP, những mâu thuẫn như vậy của Hoàng gia Jordan là chưa từng có. Đây được coi là dấu hiệu bất ổn và gây lo ngại cho toàn khu vực.
Chính vì thế, cuộc gặp cấp cao Ai Cập - Iraq - Jordan lần này được xem như “một sự cam kết mềm” hỗ trợ Jordan vượt qua khó khăn; bên cạnh việc hợp tác trong khu vực để tránh xung đột và cùng nhau phát triển kinh tế trong bối cảnh Covid-19 vẫn chưa thể nói là đã được kiểm soát.
Hôm 28/6, Reuters dẫn thông tin từ chính quyền Mỹ cho biết nước này đã thực hiện một đợt không kích nhắm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria. Cuộc không kích diễn ra vào ngày 27/6 (giờ địa phương) để đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của lực lượng dân quân nhằm vào nhân viên và cơ sở của Mỹ ở Iraq. Quân đội Mỹ cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào các cơ sở hoạt động và lưu trữ vũ khí tại hai địa điểm ở Syria và một địa điểm ở Iraq. Washington không tiết lộ có ai thiệt mạng hoặc bị thương hay không. Các cuộc tấn công diễn ra theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden, lần thứ hai khi ông ra lệnh tấn công trả đũa nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn kể từ khi lên nắm quyền cách đây 5 tháng. Các quan chức Mỹ tin rằng Iran đứng sau một đợt tấn công bằng máy bay không người lái ngày càng tinh vi và bắn tên lửa định kỳ nhằm vào các nhân viên và cơ sở của Mỹ ở Iraq, nơi quân đội Mỹ đang giúp Baghdad chống lại tàn dư của IS. (Trong ảnh: Máy bay Mỹ thực hiện đợt không kích ở Syria và Iraq).