Phục hồi trong bão dịch
Sau hàng loạt những khó khăn vì phải đương đầu với 4 đợt sóng Covid-19, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động. Nhiều DN xuất nhập khẩu ký kết các đơn hàng mới, dấu hiệu hồi phục ngày càng rõ nét hơn.
Theo đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), các DN gỗ là thành viên của Hiệp hội cho biết, đã nhận được nhiều đơn hàng với các đối tác từ các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ đến hết quý III năm nay. Nhiều DN còn có đơn hàng đến cuối năm. Mọi thứ đều đang tiến triển khả quan, có sự phục hồi rõ nét sau những đứt gãy do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tương tự, các DN ngành may mặc, da giày cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Bộ Công Thương cho biết, 2 quý đầu năm 2021, ngành dệt may, da giày đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đi vào thực thi.
Sau một thời gian khá dài tạm ngưng các hoạt động xuất khẩu vì hầu như không có đơn hàng, thời điểm này các DN ngành gỗ đã bắt đầu hoạt động trở lại. Nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được các đối tác tại các thị trường quốc tế ký kết với DN ngành gỗ nước nhà.
Đặc biệt, các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều dấu hiệu tích cực khi nhiều DN dệt may hiện đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đối với quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.
Thời điểm này, các DN ngành dệt may đang khá hứng khởi với việc số hợp đồng gia tăng mạnh.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, những tháng đầu năm 2021, các DN ngành may đã nhận được đơn hàng cho đến hết quý III của năm. Lý giải về sự gia tăng đơn hàng, ông Việt cho hay, chủ yếu do các DN đã đưa ra chiến lược hợp lý từ trước đó.
Cụ thể, ngay từ quý 4/2020, nhiều DN dệt may đã đưa ra mức giá hợp lý cho năm 2021 để có thể thu hút được các đối tác và đã nhận được những tín hiệu tích cực với số hợp đồng gia tăng mạnh mẽ. Ngoài việc đưa ra mức giá tốt cho đối tác, May 10 cũng nhận những sản phẩm theo đơn đặt hàng của đối tác mà khác với các mặt hàng truyền thống DN thường sản xuất. Theo ông Việt, nắm bắt được tâm lý khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng để có thể tiếp cận được các hợp đồng với các đối tác.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho hay, đến thời điểm này, nhiều đơn vị đã có đơn hàng hết quý III, thậm chí quý IV. “Ngành dệt may có nhiều cơ hội phục hồi hoàn toàn so với năm 2020, đưa trở lại mức trước khi có đại dịch Covid-19 của năm 2019”, ông Trường nói.
Việc các DN xuất khẩu nhận được nhiều đơn hàng từ nay cho đến hết quý III, thậm chí là hết năm cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, rủi ro về việc đứt gãy các giao dịch thương mại vẫn là điều có thể xảy ra. Làm sao để giữ được các đối tác và bổ sung thêm các đơn hàng dài hạn là câu chuyện mà các DN cần phải tính đến.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, các DN cũng đã luôn nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội nhập quốc tế đòi hỏi bản thân mỗi DN phải thực sự cố gắng trong việc tái cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị kinh doanh, nâng chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất... Đó là yếu tố quan trọng để các DN có thể tiếp cận với những đối tác khó tính và ký kết các đơn hàng dài hạn.
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, các DN cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để có thể mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các DN phải hết sức chủ động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các quy chuẩn mà các FTA đưa ra.
Đơn cử các quy định về quy tắc xuất xứ là những quy chuẩn mà các Hiệp định như CPTPP hay EVFTA rất chú trọng, do đó các DN phải hết sức lưu ý những quy chuẩn liên quan để có thể đáp ứng các yêu cầu từ đối tác.