Nguy cơ tăng phí, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa

QUỐC ĐỊNH 29/06/2021 07:26

Chuyện “có xin mới có cho” vẫn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp (DN) nếu nhìn vào vấn đề hoãn thời gian thu phí cảng biển tại TP Hồ Chí Minh. Ngay cả DN ngành thủy sản cũng lấn cấn chuyện này khi họ muốn xin cho hàng kiểm dịch, hàng vừa kiểm tra an toàn thực phẩm vừa kiểm dịch được làm thủ tục trên hệ thống một cửa.

Mới đây, sau một loạt kiến nghị từ các DN và hiệp hội ngành hàng, UBND TP Hồ Chí Minh đã có động thái đề nghị HĐND thành phố điều chỉnh thời gian thu phí hạ tầng cảng biển từ 0 giờ ngày 1/7 thành 0 giờ ngày 1/10/2021. Trước đó, vào tháng 12/2020, HĐND TP Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết về ban hành mức thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn.

Với việc lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển thêm 3 tháng đồng nghĩa TPHCM sẽ hoãn thu 723 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều DN và hiệp hội ngành hàng vẫn chưa thể yên tâm với đề xuất trong vỏn vẹn 3 tháng như vậy.

Trong công văn gửi Sở Giao thông Vận tải TP HCM, Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) có kiến nghị nên dời thời gian bắt đầu thu phí cảng biển đến ngày 1/7/2022 thay vì “từ 0h ngày 1/10/2021”.

Theo VLA, việc lùi thời gian thu phí cảng biển sang năm 2022 sẽ phần nào giảm bớt áp lực, khó khăn về tài chính vận hành các chuỗi cung ứng của DN trước tác động kéo dài của dịch Covid-19. Đặc biệt là kịp thời hỗ trợ các DN Việt Nam ổn định, phát triển đúng với chủ trương đẩy mạnh phát triển logistics, đảm bảo lợi ích của quốc gia và của DN Việt Nam, như Quyết định số 221 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/1/2021.

“Căn cứ vào tình hình thực tế, trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thì khoản tăng thêm chi phí sử dụng dịch vụ sẽ trở thành rào cản lớn cho các DN Việt Nam, qua đó giảm năng lực cạnh tranh quốc tế trong hoạt động kinh doanh”, VLA nhấn mạnh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở một số cảng, giá vận tải đã tăng gấp đôi so với mấy tháng trước và gấp gần 6 lần so với đầu năm 2020. Đây là một trong những nguyên nhân làm chi phí logistics tăng, gây khó khăn cho hoạt động của DN.

Theo lưu ý của VCCI, mức phí hạ tầng cảng biển mà TP HCM thời gian tới có mức cao nhất là 4,4 triệu đồng/container, thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng rời không đóng trong container. “Dù việc thu phí là để sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông cảng biển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nhưng nhiều DN xuất nhập khẩu lo lắng trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, mức thu kể trên sẽ làm chi phí xuất nhập khẩu tăng lên, nhất là với những DN mở tờ khai ngoài TP HCM”, đại diện VCCI nhấn mạnh.

Đại diện của Hiệp hội DN TP HCM cũng cho rằng, DN đang gánh nhiều thuế phí nên TP HCM cần xem xét giảm mức phí cho DN khi mà chi phí logistics đã rất cao, còn việc lùi 3 tháng hay một năm không quyết định được gì cả.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét đưa vào Dự thảo Nghị định Quy định những sản phẩm thực phẩm đang phải kiểm dịch và những thực phẩm vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, vừa kiểm dịch “cũng được làm thủ tục hoàn chỉnh trên hệ thống một cửa quốc gia”, thay vì 2 cửa - vừa nộp trên hệ thống một cửa, vừa nộp hồ sơ giấy như hiện nay. Điều này nhằm tháo gỡ khó khăn lớn cho sản xuất, kinh doanh nhiều năm qua mà Nghị định 15/2018/NĐ-CP chưa giải quyết được.

Lý do để VASEP đưa ra đề nghị trên là vì thực phẩm dùng làm thức ăn cho người đều từ 2 nguồn là động vật và từ thực vật. Với nguồn từ động vật thì Bộ NN&NPTNT đang quy định (danh mục, phương thức kiểm tra, thủ tục…) tại 4 Thông tư.

Tuy nhiên, cả 4 Thông tư này đều là “Kiểm dịch nhập khẩu” hết. Như vậy, hầu hết sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc động vật (trên cạn, dưới nước) là thực phẩm đều đang phải thực hiện kiểm dịch theo phương thức và thủ tục riêng theo quy định trong Thông tư của Bộ, trong khi đúng theo thông lệ quốc tế và cơ sở khoa học, thì hầu hết các sản phẩm dùng làm thực phẩm chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Như đánh giá và nhận định sơ bộ của VASEP và các chuyên gia, với quy định hiện hành của Bộ NN&PTNT, có đến ít nhất 70% thực phẩm sẽ không thuộc phạm vi của Dự thảo Nghị định, và như vậy mục tiêu của Quyết định 38/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu) và Dự thảo này sẽ bị giảm đi rất nhiều.

QUỐC ĐỊNH