Nhìn vào gia đình có thể đánh giá được con người
Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Nhân Ngày gia đình Việt Nam (28/6), ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với ĐĐK về vấn đề này.
PV:Thưa ông gia đình là tế bào của xã hội. Tuy nhiên thời gian qua đã xuất hiện một số hành vi tiêu cực len lỏi vào từng gia đình. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?
Ông Nguyễn Viết Chức: Không có dòng họ nào, xã hội nào mà không quan tâm tới vấn đề xây dựng gia đình. Tuy nhiên cuộc sống hiện đại rất gấp gáp, làm người ta đôi khi “quên” mất yếu tố gia đình. Bây giờ muốn có bữa cơm gia đình cũng khó lắm. Bởi ông bà, bố mẹ, con cái đâu phải lúc nào cũng ăn cơm được với nhau.
Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác gia đình. Luật pháp có những quy định khá cụ thể về vấn đề gia đình. Gia đình chính là tế bào của xã hội. Trong cuốn sách về những giá trị Đông Tây, ông Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore từng đề cập: “Phương Tây đề cao cá nhân, nhưng với Singapore thì gia đình là nhất, phải là giá trị được tôn trọng”. Việt Nam cũng vậy, nếu không có gia đình thì không có tổ ấm.
Chúng ta hay nói đến vai trò của người phụ nữ trong gia đình và thực tế không ít ông chồng đã đẩy trách nhiệm cho vợ. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?
-Bây giờ xã hội hiện đại, ông đi chơi thì bà cũng đi chơi. Như thế cả hai cùng đi chơi. Lẽ ra vợ chồng phải nhìn vào một hướng, cùng nhau xây dựng gia đình. Nếu cứ “giao khoán” cho người phụ nữ là quá lạc hậu. Người đàn ông là nhân tố quan trọng trong gia đình, cho nên phải nghiêm túc, làm gương. Phải là trụ cột, gương mẫu trong lối sống, cách nghĩ, cách làm, cách hành xử. Như thế mới có gia đình tốt. Không thể muốn chơi gì thì chơi, làm gì thì làm. Đi làm xong đi nhậu đến khuya mới về còn mọi việc đẩy cho người phụ nữ. Xã hội văn minh không cho phép như thế. Và như vậy gia đình sẽ rất dễ tan vỡ.
Hình ảnh 4 người trong gia đình xem điện thoại thay vì nói chuyện với nhau. Điều đó đang đặt ra cho chúng ta cái nhìn thực tại về xã hội hiện nay. Vậy theo ông làm sao để thay đổi việc đó?
-Ngồi cạnh nhau mà mỗi người cầm 1 điện thoại thì tưởng gần nhau nhưng lại rất xa nhau. Như vậy “hạt nhân” rất lỏng lẻo. Vợ chồng, con cái mỗi người một góc thì rất ít gắn bó. Bỏ không gian gần gũi ngay cạnh nhau để “chìm đắm” trong không gian mạng, làm cho mái ấm gia đình không được ấm áp, thắp sáng. Theo tôi đây có thể là nguyên nhân làm cho gia đình lỏng lẻo, xô lệch dễ dẫn đến đổ vỡ. Mà đã đổ vỡ thì khó hàn gắn.
Theo ông, trong bối cảnh hiện nay làm sao để xây dựng tổ ấm gia đình vừa tiên tiến, nhưng vẫn giữ được bản sắc, những giá trị truyền thống?
-Gia đình có vai trò hết sức to lớn cho nên chúng ta đã có nhiều chính sách về vấn đề này. Nhưng theo tôi, bên cạnh chính sách, trước tiên mỗi thành viên trong gia đình phải có ý thức xây dựng gia đình mình. Quan trọng là mỗi thành viên phải có ý thức coi gia đình là tổ ấm để cùng xây dựng, chăm nom cho nó. Nếu mình không chăm lo cho gia đình, sẽ chẳng có đoàn thể nào có thể giúp được.
Trong ấm thì ngoài mới êm. Không tốt với bố mẹ, con cái của mình thì làm sao tốt với người ngoài? Nếu không tốt với người trong gia đình mà lại được tiếng tốt với người ngoài có khi là vì mục đích gì đó. Nhìn vào gia đình có thể đánh giá được con người. Gia đình không dựa trên nền tảng đạo đức văn hóa thì gia đình đó không bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!