Định Quán (Đồng Nai): Cán bộ để người thân đốn hạ rừng phòng hộ
Hàng chục ha rừng cây giá tỵ (gỗ tếch) đã biến mất, thay vào đó là cây tràm và các loại cây ăn trái. Rừng giá tỵ xanh tươi ngày nào ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai giờ là những mảng đồi trơ trọi, khô cằn.
Rừng cây giá tỵ bị xóa sổ và “vườn nhà ông Cường Quýt”
Sau khi tiếp nhận nguồn tin người dân phản ánh lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp La Ngà - huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) để người thân biến đất rừng thành ao cá; sang nhượng đất công trái phép; chặt cây giá tỵ để trồng tràm và cây ăn trái, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã thâm nhập thực tế ghi nhận tình hình.
Đến xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, chúng tôi được ông N.V.C. dẫn vào Tiểu khu 155 (Tiểu khu 41 cũ) – một trong những nơi rừng cây giá tỵ đã bị chặt phá. Trước mắt chúng tôi là một mảng đồi trơ trọc. Đâu đó vẫn còn sót lại một vài cây giá tỵ thân khô héo hoặc cây đã bị chặt hạ còn gốc trơ trọi.
Dưới cái nắng đổ lửa của tháng 6, chúng tôi ước mình không phải đứng đây quá lâu để chứng kiến cảnh tượng hoang tàn này. “Khu vực này trước đây chủ yếu là cây giá tỵ hàng chục năm tuổi, thân cao, to và tán lá rộng. Nay, họ đã trồng tràm được một mùa rồi, đã thu hoạch rồi”, ông N.V.C. bức xúc nói.
Cách đó không xa, một cánh rừng giá tỵ khác (Tiểu khu 154, ấp Hòa Trung) nay đã là một rừng tràm. Theo ông D.V.U., đây là phần đất của ông Vũ Văn Nhiên, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp La Ngà. Ông U. cho biết: “Họ chặt hết cây giá tỵ đem bán. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy, ở ngoài bìa rừng tràm này giờ chỉ còn vài cây giá tỵ. Đây là những cây tái sinh từ các gốc giá tỵ cổ thụ được trồng từ những năm 1976 đã bị chặt bán rồi”.
Người dân tiếp tục dẫn chúng tôi tiếp cận khu vực rừng phòng hộ La Ngà ở đội 5 (tiểu khu 40, ấp Hòa Thành). Nơi trước đây cũng toàn là cây giá tỵ, cây dầu đã bị bà Lương Thị Tuyết Mai (vợ ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp La Ngà) chặt bỏ để dựng nhà, đào ao, trồng quýt và dựng cả hàng rào thép gai thực hiện bao chiếm đất. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi đến đây (trưa ngày 17/6) đã bắt gặp một nhóm người đang tháo dỡ cánh cổng trước ngôi nhà cấp 4 đã bị đập bỏ. Những trụ bê tông và hàng rào thép gai cũng đã bị dỡ bỏ cho lên xe ben chở đi.
“Đây là đất nhà bà Mai vợ ông Cường. Họ trồng quýt nên người dân ở đây gọi là “Cường Quýt”. Sau khi trồng vườn quýt này, họ bán lại cho người khác với giá hơn 1,2 tỷ đồng/ha. Ngoài ra còn có nhiều người thân của ông Cường đã biến rừng thành vườn chuối và các loại cây ăn trái khác”, ông N.V.C. cho biết.
Tại khu vực này, nhóm phóng viên ghi nhận vẫn còn một số gốc cây tếch đường kính khoảng 30-40cm bị cưa phần thân. Cả khu vực khoảng 8ha chỉ còn lại vài cây đang sống, tuy nhiên phần gốc đã bị đốt cháy. Điều trớ trêu là ngay đầu con đường đất dẫn vào khu rừng vẫn còn tấm bảng ghi nội dung: “Chương trình trồng rừng 2003 của Provera – Cây tếch được trồng trong khu vực này”. Cũng theo người dân, dọc hai bên đường vào khu rừng thuộc đội 5, ngoài cây tếch, trước đây có đầy đủ các cây dầu, sao, gõ, nhưng nay dọc hai bên đều là tràm và các cây ăn trái như xoài, chuối, quýt…
Khi đất công biến thành... “đất ông”
Là hai trong số những hộ dân không chịu nổi cảnh cây giá tỵ đang dần bị biến mất khỏi rừng phòng hộ La Ngà, ông D.V.U. và N.V.C. đã đâm đơn phản ánh việc làm sai trái của lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp La Ngà.
Ông D.V.U nhớ lại và khẳng định: “Rừng phòng hộ La Ngà với dự án trồng cây tếch có từ thời ông Phan Xuân Đợt, nguyên là Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp năm 1976. Sau nhiều đời giám đốc lâm trường vẫn trồng và bảo vệ cây tếch, đến thời giám đốc hiện tại là ông Đỗ Mạnh Thắng, ông Cường vừa là Phó Giám đốc, kiêm luôn 2 chức vụ quan trọng là Trưởng phòng Kinh doanh và Trưởng phòng Quản lý Đất đai, thì đất rừng được giao cho người thân của họ đứng tên. Từ đó, rừng tếch bị tàn phá để thay vào đó là cây tràm, cây quýt, cây xoài”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi tiếp nhận đơn của người dân, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh. Biên bản làm việc kiểm tra hiện trạng ngày 28/4/2021, trang số 2 ghi rõ: “Khu đất khoảng 5 ha, cán bộ đã phá rừng tự nhiên để trồng quýt (khu vực này đã bán cho anh Việt ở xã Thanh Sơn). Kết quả kiểm tra xác minh: hiện trạng phần lớn diện tích đất trồng cây quýt, xen canh một số cây dầu, cây tếch, ngoài ra trên khu đất có 1 căn nhà cấp 4 khoảng 50 m2 (nhà để trống). Khu đất khoảng 8 ha thuộc đội 5, cán bộ công ty đã phá rừng tự nhiên, thuốc chết hết cây tếch của công ty để trồng quýt, xây tường rào, làm nhà ở (khu đất này bà Lương Tuyết Mai đứng tên). Kết quả kiểm tra xác minh: hiện trạng xung quanh khu đất có hàng rào kẽm gai, trụ bê tông, trụ cổng và cánh cổng sắt lớn; trên đất có 01 căn nhà cấp 4 khoảng 70 m2 (nhà để trống), khu chuồng trại chăn nuôi đã dỡ bỏ mái, ao đào diện tích khoảng 1.000 m2; diện tích còn lại trồng cây tràm, chuối, cây mít, cây lâu năm khác, có 2 cây tếch bị chết”. Cũng trong biên bản này, kết quả kiểm tra xác minh đều ghi nhận hiện trạng: “các loại cây ăn trái trồng xen canh cây tếch và dưới tán cây có các gốc cây tếch bị đốt cháy, hoặc: trên đất có một số gốc cây bị đốt cháy và đang khai thác cây…”.
Để có kiểm chứng thông tin khách quan về những gì người dân tố cáo, chúng tôi đã gặp ông Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà để ghi nhận một số nội dung. Trao đổi với phóng viên, ông Thắng xác nhận khu vực phóng viên cho xem hình ảnh tháo dỡ hàng rào là của bà Lương Thị Tuyết Mai (vợ ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc).
“Sau khi phát hiện sai phạm của vợ ông Cường, chúng tôi đã thu hồi khu vực này giao cho Đội 5 công ty quản lý và cho đập bỏ căn nhà. Sai phạm của đồng chí Cường trong việc để cho vợ xây dựng sai sẽ xét kỷ luật”. Giải thích việc phá dỡ hàng rào thép gai ở khu đất trên, ông Thắng cho biết “Lâm trường đang xây nhà kho, cần vật liệu để bao quây khu vực nên mới cho công nhân ra tháo dỡ vào để tận dụng”.
Tuy nhiên, trước đó, phóng viên đặt câu hỏi, trên đất rừng tại sao lại được dựng hàng rào thép gai, trụ bê tông thì ông Thắng phân trần: “Việc đó là để bảo vệ rừng khỏi người ngoài vào rừng chặt phá” (?).
Về nội dung phản ánh của người dân, rằng hàng loạt lãnh đạo công ty giao đất cho người nhà, trong đó có cả giám đốc để bán lại cho người khác, ông Thắng cho rằng: “Công ty giao đất đúng quy định, những người dân kiện cáo là những người làm sai bị thu hồi lại nên họ kiện. Bản thân tôi không có ai là người nhà ở đây, nên nói tôi giao đất cho người nhà của tôi là hoàn toàn không có”.
Còn về việc cây giá tỵ trước đây chiếm số lượng lớn nay được thay thế toàn tràm và cây ăn trái, người đứng đầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà cho hay: “Rừng phòng hộ là rừng gõ, sao, dầu... và rừng sản xuất trồng cây tếch. Rừng sản suất vùng này giao cho người dân trồng cây keo (tràm) rồi họ được khai thác trắng sau khi công ty kiểm tra đủ điều kiện khai thác. Cây tếch hiện nay chủ yếu là cây tái sinh từ gốc đã khai thác. Đất được hợp đồng giao cho người dân phát triển xen canh trước năm 2004 với trên 2.400 hợp đồng”.
Tuy nhiên, trái với những gì vị giám đốc đã nói, đa số hộ dân đều khẳng định họ chỉ được “làm thuê” trên đất rừng hoặc làm thuê theo hợp đồng lại cho công ty chứ chưa được giao đất trực tiếp.