Khó khăn, thách thức trong việc tổ chức phân loại rác thải nhựa
Rác thải nhựa được coi là nguồn tài nguyên nhưng hiện chưa đem lại hiệu quả. Mặc dù các ban cơ quan liên ngành đã áp dụng hàng loạt biện pháp, công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, tuy nhiên vấn đề xử lý rác thải nhựa vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc tổ chức phân loại rác thải nguồn.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và dân số, làm phát sinh số lượng lớn rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các chất thải nhựa, chất thải rắn khó phân hủy. Theo đó, rác thải tại nguồn được phân thành 3 loại gồm: chất thải rắn có thể đốt, rác tái chế có thể tạo phân bón và chất thải rắn chôn lấp được để riêng, tạo thuận lợi cho công nhân vệ sinh thu gom.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, trong khoảng thời gian từ năm 1990 - 2015, số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 3,8kg/người/năm lên đến 41kg/người/năm và chiếm từ 8 - 12% lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày. Điều đáng nói, trong lượng rác thải nhựa, túi ni lông phát sinh hàng ngày, chỉ có từ 11 - 12% được xử lý, tái chế theo đúng quy định, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Nhìn ra thế giới, theo thống kê của các nhà khoa học, hiện đã có 8.300 triệu tấn rác thải nhựa được sản sinh. Trong đó, chỉ 9% được tái sử dụng, 12% được xử lý theo phương pháp đốt và 79% trong bãi rác và trôi nổi trong môi trường.
PGS.TS Đỗ Văn Mạnh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, theo quy trình xử lý rác thải hiện nay ở Việt Nam, sau khi người dân loại bỏ rác thải sẽ được các đơn vị chức năng thu gom, phân loại, xử lý, tái chế rồi mới tiến hành chôn lấp. Tuy nhiên, quy trình này lại đang bỏ mất hai khâu quan trọng là phân loại và xử lý, tái chế mà trực tiếp đưa đi chôn lấp, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.
“Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, một chai nhựa sẽ cần từ 450 - 1.000 năm, một bao nhựa là 10 - 100 năm và chai chất tẩy rửa là 500 - 1.000 năm để phân hủy hết trong môi trường biển… Trong khoảng thời gian này, nhựa nano và hạt vi nhựa đã không ngừng tấn công hệ sinh thái gây ảnh hưởng đến môi trường sống” - PGS.TS Đỗ Văn Mạnh chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, vấn đề xử lý rác thải từ nhựa không nằm ngoài câu chuyện xử lý rác thải sinh hoạt nói chung, cũng như rác thải công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải đang khó khăn bởi sự phát triển đô thị và phát triển kinh tế thì lượng rác càng ngày càng nhiều. Trong khi đó, hiện phương pháp xử lý rác vẫn dựa vào chôn lấp, tức là phụ thuộc và đất đai và công nghệ công đơn giản. Việc chôn lấp rác dẫn đến nhiều hệ quả về môi trường, kinh tế, xã hội, chính trị.
Thách thức lớn nhất của chúng ta vẫn chỉ nhìn rác là thứ thải bỏ mà không coi đó là một tài nguyên. Do vậy, Nhà nước phải trợ giá cho công tác thu gom, vận chuyển rác ra bãi chôn lấp nhưng không giải quyết được các vấn đề về rác.
Tuy nhiên, Nhà nước không thể trợ giá cho công tác thu gom rác mãi được vì lượng rác mỗi năm tăng 10% so với năm trước, do đó số lượng rác sẽ tăng vô hạn Nhà nước cũng không thể trợ giá vô hạn. Việc trợ giá của Nhà nước trong công tác thu gom rác cũng phá vỡ quy tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Theo tôi, trước hết phải giải quyết được vấn đề tài chính, ai trả tiền cho việc gây ô nhiễm từ đó có biện pháp và công nghệ xử lý rác.
Đồng thời, muốn biến rác thành tài nguyên và từ tài nguyên ra sản phẩm phải có nền kinh tế ở giữa, tức là nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên. Theo đó, cần phải có đủ các điều kiện cho sự phát triển nền kinh tế:
Thứ nhất, chính sách tạo cho nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên phát triển bền vững.
Thứ hai, phải có thị trường, tức là có người mua rác, người xử lý rác và có người sử dụng các sản phẩm tái chế từ rác.
Thứ ba, phải có sự tham gia của tất cả các bên gây ra rác, cụ thể: Doanh nghiệp sản xuất bao bì phải đóng góp vào việc xử lý bao bì; sự tham gia của các tổ chức khoa học công nghệ để sáng chế ra những công nghệ xử lý rác; người dân tham gia công tác phân loại rác tại nguồn…
Bà Nguyễn Ngọc Lý chia sẻ thêm, chúng ta phải tìm ra giải pháp cụ thể của người dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên để đưa ra những sản phẩm từ rác.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ở bất cứ giai đoạn nào đều có những phương pháp xử lý rác thải phù hợp. Song, để biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại được rác thải tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống, nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý.