Nhiều dự án ồ ạt huy động vốn trái phép ở Hà Nội
Dù đang làm hạ tầng kỹ thuật, thậm chí chỉ là những khu đất trống nhưng Chủ đầu tư dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội), dự án Lavender Garden “bắt tay” với các sàn môi giới bất động sản rầm rộ quảng cáo rao bán, huy động vốn trái phép dưới nhiều hình thức, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng.
Thời gian gần đây, hoạt động quảng cáo, giới thiệu căn hộ dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội) diễn ra rầm rộ trên nhiều kênh rao vặt và trang mạng.
Theo ghi nhận PV, tháng 6/2021, dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh hiện chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, xung quanh được rào chắn kỹ lưỡng, đồng thời dựng biển bảng quảng cáo về dự án, mặt bằng căn hộ, tiện ích… mà chưa hề có hoạt động thi công xây dựng.
Theo những môi giới rao bán, dự án Eco Smart City Cổ Linh được quy hoạch xây dựng gồm 6 block cao 16 tầng với hơn 1.000 căn hộ, diện tích khoảng từ 40-77m2. Giá bán khởi điểm dự kiến trên 40 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 1,9 - 3,4 tỷ/căn hộ.
Thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đang nhận đặt cọc thiện chí của khách hàng mua căn hộ chung với số tiền 30 triệu đồng. Khách hàng được lựa chọn căn đẹp và giá bán ưu đãi khi mở bán đợt 1.
Thậm chí, để lách luật, ngày 9/4/2021, Công ty TNHH Thiên Hương còn ký văn bản công bố Chính sách bán hàng Dự án Eco Smart City chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đặt cọc 100 triệu đồng; giai đoạn 2 ký hợp đồng đảm bảo và khách hàng nộp 20% tổng giá trị sản phẩm bao gồm cả VAT; giai đoạn 3 là hợp đồng mua bán khi đã đủ điều kiện mua bán căn hộ và khách hàng phải nộp 70% còn lại.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án Eco Smart City Long Biên chưa có giấy phép xây dựng. Sở Xây dựng chưa nhận được văn bản, hồ sơ nào liên quan đến việc nghiệm thu hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của dự án trên, cũng như văn bản của chủ đầu tư đề nghị xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Bộ Xây dựng cho hay, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, một trong các hành vi bị cấm là: Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.
Tương tự, dự án Lavender Garden (176 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang trong giai đoạn thi công phần móng đã huy động vốn bằng hình thức đặt cọc. Ngay ngoài cổng dự án, văn phòng giao dịch được dựng lên với đông đảo nhân viên môi giới rao bán dự án công khai, rầm rộ.
Dự án này do liên danh Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) và Công ty Cổ phần Chế biến Kinh doanh lương thực - thực phẩm Hà Nội (Công ty thực phẩm Hà Nội) làm chủ đầu tư. Với quy mô 3.737,8m2, gồm 15 lô shophouse và 70 căn chung cư.
Dự án chưa đủ pháp lý không được đặt cọc giữ chỗ
Theo quy định tại Luật Kinh doanh BĐS, doanh nghiệp phải hoàn thành phần móng, phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng, đồng thời phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua mới được bán hàng.
Còn đối với các dự án đất nền, nhà phố thì phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có giấy phép xây dựng, giấy tờ nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.
Vì vậy, những trường hợp mà chủ đầu tư chưa đáp ứng các điều kiện trên mà ký đặt cọc giữ chỗ, thu tiền khách hàng là sai luật. Số tiền đặt cọc chỉ 5%-10% giá trị sản phẩm, còn đóng hơn 30% giá trị nhà, đất thì phải ký hợp đồng mua bán. Hình thức đặt cọc giữ chỗ như vậy là trái với Luật Kinh doanh BĐS.
Luật sư Huỳnh Đức Hữu, Đoàn Luật sư TP HCM